Vì sao rất nhiều người Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài được đánh giá như những ngôi sao sáng, nhưng người Việt ở trong nước lại bị nhìn nhận là năng suất lao động thấp? Vì sao trong một số tập đoàn toàn cầu, năng suất lao động của nhân sự Việt Nam và quốc tế được đánh giá là ngang nhau? Các chuyên gia chỉ ra rằng vấn đề cốt lõi nằm ở yếu tố môi trường, ở chiến lược nhân sự của từng công ty.
Với chủ đề Vượt ra khuôn khổ (Rise Beyond), lễ trao giải Vietnam HR Awards 2016 đã mang đến nhiều góc nhìn thú vị về chính sách quản trị nhân sự. Tại đây, ông Lennard Boogaard, Chủ tịch phụ trách Nhân sự khu vực Đông Nam Á và Úc châu, Công ty Unilever, cho biết ông đặc biệt ấn tượng với lực lượng lao động Việt Nam. Họ là những người trẻ, có khát vọng thăng tiến trong sự nghiệp và làm việc hết sức chăm chỉ. Điều này đã giúp cho năng suất lao động của Unilever Việt Nam cao hơn so với mặt bằng chug trong khu vực.
“Đây là kết quả của cả một quá trình và xây dựng đội ngũ nhân sự. Chúng tôi quan niệm cần phát triển con người từ nội tại thay vì thu hút người tài từ bên ngoài vào”, ông Boogaard nói. Ông cũng cho biết thêm, tại Unilever có 30 chuyên gia là người Việt Nam đang làm việc hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới.
Nói về tuyển dụng nhân sự, đại diện Techcombank cho rằng vấn đề không chỉ là tìm được người tài, mà là tìm người phù hợp với chiến lược phát triển của công ty. Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank nhấn mạnh: “Khó nhất là tìm được người phù hợp với chiến lược phát triển của công ty chứ không chỉ là tìm người tài. Chỉ khi có cùng chí hướng với ban lãnh đạo thì đội ngũ nhân sự mới có thể đóng góp lâu dài”.
Ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm, Techcombank có chính sách tuyển dụng chuyên gia nước ngoài ngay từ năm 2008. Và thực tế cho thấy chênh lệch trong năng suất lao động giữa người Việt Nam và người nước ngoài không quá nhiều, để từ đó chứng minh môi trường mới là yếu tố quyết định.
Tuy nhiên, việc xây dựng một đội ngũ nhân sự hiệu quả là một trong những thách thức lớn nhất của các công ty hiện nay. Ông Peter Henriques, đến từ công ty BAT nhận định, trước đây, các doanh nghiệpthường nêu yếu tố “nguồn vốn” khi đề cập đến thách thức. Còn bây giờ là yếu tố “con người”.
Và để hình thành một đội ngũ như vậy, các chuyên gia đều thống nhất rằng vai trò quan trọng nằm ở cấp lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp trung. “Phải thay đổi tư duy lãnh đạo, trong đó lãnh đạo cấp trung cần làm cầu nối để tạo điều kiện cho người lao động được nói ý kiến, được phát huy năng lực của mình. Được thế thì người lao động Việt Nam chắc chắn không thua kém gì lao động nước ngoài”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty PNJ phát biểu.
Còn đại diện Techcombank cũng khẳng định lãnh đạo cần thay đổi tư duy, chủ động tìm hiểu cơ hội, thách thức bằng cách lắng nghe nhân viên, từ đó tìm lối đi riêng.
Đối với lãnh đạo là người nước ngoài, ông Lennard Boogaard của Unilever nhấn mạnh, trước hết họ cần phải hiểu văn hóa địa phươngvì điều đó cho phép họ hiểu hơn lối tư duy của nhân viên.
Không phủ nhận tầm quan trọng của đội ngũ lãnh đạo, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng bản thân từng nhân viên phải nỗ lực đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của công ty.
Kết quả giải thưởngVietnam HR Awards 2016
Tại buổi lễ trao giải Vietnam HR Awards 2016, ban tổ chức đã trao 19 giải thưởng cho 10 doanh nghiệpcó chính sách nhân sự tốt nhất, thuộc các hạng mục: Hoạch định và Tuyển dụng nguồn nhân lực xuất sắc; Chính sách lương, thưởng và phúc lợi xuất sắc; Quản lý hiệu quả công việc xuất sắc; Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực xuất sắc và Môi trường làm việc tốt nhất. Trong đó, giải thưởng doanh nghiệpxuất sắc nhất được trao cho Unilever Việt Nam. Các doanh nghiệpcòn lại có tên trong các hạng mục này gồm IBM, Novaland, Nestle, Techcombank, FPT, Thế giới di động, HSBC, BAT và CSC.