Theo kế hoạch, chiều 5.8, HĐXX cấp sơ thẩm sẽ tuyên án đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.
Sự kiện

Chiều nay, Tòa tuyên án bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm

Nhật Anh 05/08/2024 09:13

Theo kế hoạch, chiều 5.8, HĐXX cấp sơ thẩm sẽ tuyên án đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Sau thời gian xét xử và nghị án kéo dài, 14 giờ ngày 5.8, HĐXX TAND TP.Hà Nội sẽ tiến hành tuyên bản án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan.

Trước đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 5 – 6 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, 19 – 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hình phạt là từ 24 – 26 năm tù.

Với các bị cáo còn lại, VKS cho biết đã xem xét, cân nhắc đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của từng bị cáo để đưa ra mức án đề nghị phù hợp với tội danh mà họ bị truy tố.

anh-3-quang-canh-phien-toa.jpg
Quang cảnh phiên tòa trong những ngày xét xử sơ thẩm - Ảnh: M.H

Trong quá trình xét xử, bị cáo Quyết luôn nói rõ “bản thân tôn trọng cáo trạng” và “chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”. Ngoài ra, hầu hết các bị cáo tự nhận thức được sai phạm, nhận lỗi về sai phạm của mình và có ý thức khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Trước tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng của mình để khắc phục. Để có thể thực hiện cam kết trên, cựu Chủ tịch FLC mong được tạo điều kiện thuận lợi để được xử lý khối tài sản cá nhân đã và đang bị CQĐT phong tỏa.

Tại phiên tòa, đại diện VKS khẳng định bị cáo Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác cùng thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán với số tiền đặc biệt lớn. Các bị cáo còn lại đã giúp sức tích cực hoặc tạo điều kiện để bị cáo Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) thực hiện hành vi phạm tội.

Theo VKS, tài liệu điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức, chỉ đạo, phân công, giao việc hoặc nhờ các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ thông qua một chuỗi hành vi gian dối; thực hiện bài bản thể hiện qua nhiều năm, nhiều lần nâng vốn góp khống.

Sau đó, các bị cáo hợp thức hồ sơ, thủ tục, đưa thông tin gian dối về vốn góp; niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HoSE làm cho các nhà đầu tư tưởng là có vốn thật.

VKS cũng xét thấy các bị cáo sử dụng sàn HoSE làm công cụ, phương tiện thực hiện bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống được giao dịch qua 30.403 tài khoản chứng khoán, thu được hơn 4.818 tỉ đồng, đã chiếm đoạt số tiền hơn 3.621 tỉ đồng của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, sử dụng vào mục đích cá nhân.

Với các bị cáo còn lại, VKS cho biết họ đều là người thân, nhân viên cấp dưới, họ hàng, người quen của bị cáo Quyết, bị cáo Huế. Những người này được Trịnh Văn Quyết tin tưởng bổ nhiệm, phân công, chỉ định, hoặc giao thực hiện hàng loạt hành vi gian dối…

Bài liên quan
Vì sao số bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết thay đổi?
Trong phần đối đáp, VKS cho biết cơ quan công tố đã rà soát và thấy có trường hợp trùng tên người sử dụng tài khoản, xác định lại số lượng bị hại hơn 25.000 người, nhưng "không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra, truy tố".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TECHFEST Việt Nam 2024 mang nhiều cơ hội cho các nhà khởi nghiệp
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TECHFEST Việt Nam 2024 mang đến rất nhiều cơ hội cho các nhà khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… trong việc tìm kiếm tài năng, kết nối đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiều nay, Tòa tuyên án bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm