Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 336/TB-VPCP ngày 25.10.2022 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ khởi công Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh nghiên cứu khai thác cát biển phục vụ xây dựng cao tốc ở ĐBSCL

Hồ Đông | 27/10/2022, 08:02

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 336/TB-VPCP ngày 25.10.2022 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ khởi công Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Nóng chuyện vật liệu xây dựng

Thông báo nêu các địa phương phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, tuyệt đối không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu. Các Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm hướng dẫn nhà thầu triển khai thủ tục liên quan bảo đảm thực hiện theo quy định pháp luật.

Thông báo cũng nêu chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp phép khai thác; sớm rà soát, báo cáo về nguồn cung cấp cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 26.9.2022. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu "đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, phục vụ nhu cầu san lấp tại các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long".

Trước đó, chúng tôi có dẫn lại  tính toán, nhu cầu cát đắp nền đường ở ĐBSCL ước khoảng hơn 35,6 triệu mét khối. Trong đó, tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) cần khoảng 15 triệu mét khối. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 17,8 triệu mét khối; dự án Mỹ An - Cao Lãnh cần hơn 1,4 triệu mét khối và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh cần hơn 1,3 triệu mét khối.

Hiện nay, khu vực ĐBSCL chỉ có thể sử dụng cát sông để thi công nền đường. Trong khi đó, về tiến độ thì nhu cầu năm 2023 là khoảng 16 triệu mét khối, năm 2024 khoảng 20 triệu mét khối (phải thi công hoàn thành nền đường để chờ lún). 

Thực tế, tình hình khai thác, cung ứng nguồn cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án giao thông tại khu vực rất hạn chế. Nguồn mỏ cát sông chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và một số ít ở Tiền Giang, Vĩnh Long. Tổng trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là hơn 5,6 triệu mét khối. Sản lượng khai thác hằng năm có thể cung cấp cho các dự án khoảng 1,9 triệu mét khối/năm. Việc tìm ra giải pháp thay thế cát sông đáp ứng nhu cầu san lấp là cấp thiết trước nguy cơ thiếu vật liệu cát đắp thi công các tuyến cao tốc khu vực này.

Để tạo nguồn vật liệu đắp nền phục vụ các công trình giao thông trọng điểm tại ĐBSCL, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên - Môi trường thực hiện dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), về mục tiêu, nhiệm vụ của dự án cũng cần xem lại mục tiêu đánh giá quy mô, chất lượng khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng, san lấp tại vùng biển Sóc Trăng với tài nguyên cấp 333 đạt 1 tỉ mét khối là thấp so với triển vọng cát biển được xác định ở khu vực này (tài nguyên hơn 13 triệu mét khối). Đồng thời, phạm vi dự án cần nghiên cứu đánh giá tác động ở khu vực điều tra 10 ÷ 30m nước đến việc sạt lở bờ biển khi khai thác tới độ sâu 30m nước.

Cũng theo Vụ Vật liệu xây dựng, trong cát biển có chứa một lượng nhất định muối hòa tan. Vì vậy, khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, nền đường sẽ có một số tác động bất lợi gây ra ăn mòn cốt thép ảnh hưởng kết cấu công trình khi tiếp xúc trực tiếp với cốt thép hay việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh (đất nông nghiệp, các mạch nước ngầm) khi cát muối hoà tan bị cuốn trôi theo dòng nước. Chính vì thế, cơ quan đề xuất dự án cũng phải nêu rõ các giải pháp kỹ thuật khi dùng cát biển làm vật liệu san lấp để tránh những bất lợi trên.

Nóng chuyện giải phóng mặt bằng

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, các địa phương đã rất trách nhiệm, tích cực, nỗ lực cao triển khai Dự án và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: đã phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 208km (đạt 29%); các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa với tổng diện tích khoảng 6.303ha, đã kiểm đếm được 93% diện tích; một số địa phương đã lập và phê duyệt phương án bồi thường tái định cư, triển khai thủ tục xây dựng các khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật...; tuy nhiên còn một số địa phương chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành dẫn đến các thủ tục còn rất chậm (chưa xong công tác đo đạc, kiểm đếm, chưa phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng...). Thực tế cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng thường chậm trễ nên phần lớn các dự án giao thông thời gian qua bị ảnh hưởng. Đặc biệt với diện tích giải phóng mặt bằng của Dự án là rất lớn, với tổng số hộ bị ảnh hưởng 40.100 hộ và trên 6.600 hộ phải tái định cư, phải di dời nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, quốc phòng, an ninh, tôn giáo... vì vậy sẽ rất khó khăn.

Để góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025) và hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, của Chính phủ giao, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương hết sức chú ý, tập trung hơn nữa.

Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành đúng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công; lưu ý, kịp thời báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy để xin ý kiến chỉ đạo, quán triệt các địa phương, hệ thống chính trị nâng cao tinh thần trách nhiệm, vận động người dân thực hiện tốt công tác bàn giao mặt bằng; ưu tiên giải quyết các khu vực thuận lợi, khu vực phải xử lý nền đất yếu…; giao chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp.... ; yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 183/TB-VPCP ngày 25.6.2022; quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Phó thủ tướng giao lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giao ban định kỳ với các địa phương, Ban Quản lý dự án để kiểm điểm tiến độ, kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 26.9.2022; đẩy nhanh các thủ tục, sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp bảo đảm đúng quy định pháp luật. Lưu ý không chia nhỏ gói thầu, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, uy tín bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 19.2.2022 và văn bản số 6349/VPCP-CN ngày 23.9.2022; chỉ đạo các Ban Quản lý dự án thống nhất với từng địa phương về nhu cầu nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong từng giai đoạn.

Phó thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục tạo điều kiện, đồng thời chỉ đạo các Quân khu, cơ quan, đơn vị phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương thống nhất phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với đất, công trình an ninh quốc phòng để bảo đảm tiến độ, đúng quy định pháp luật.

Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (VIETTEL) có trách nhiệm chủ động và phối hợp với các địa phương, các chủ đầu tư khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông bảo đảm tuyệt đối an toàn, bàn giao kịp thời mặt bằng cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án) là dự án quan trọng quốc gia, đi qua 12 địa phương với tổng chiều dài 721km. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11.2.2022 với yêu cầu bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20.11.2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong Quý II/2023; khởi công các dự án thành phần trước ngày 31.12.2022, triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31.3.2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh nghiên cứu khai thác cát biển phục vụ xây dựng cao tốc ở ĐBSCL