Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Chính phủ giải quyết khúc mắc để tái khởi động Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành

H.Đ | 30/03/2023, 19:56

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Chính phủ thống nhất chủ trương Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành như đề nghị của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất bao gồm số liệu về số vốn đối ứng đã bố trí, giải ngân và số vốn đối ứng cần tiếp tục bố trí để hoàn thành Dự án.

VEC có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn đối ứng và triển khai Dự án bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, không để phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp; chịu trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.

Trước đó, vào tháng 11.2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có tờ trình gửi Chính phủ kiến nghị giao VEC tự bố trí vốn đối ứng cho cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc VEC tự cân đối, bố trí vốn đối ứng có ưu điểm là phù hợp với quy định tại Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30.6.2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công và Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 17.6.2022 của Văn phòng Chính phủ; không phải qua đầu mối Bộ Giao thông Vận tải nhận kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: "Phương án này đảm bảo có thể triển khai được ngay, làm cơ sở để tiếp tục thi công Dự án trong điều kiện việc giải quyết tổng thể các khó khăn, vướng mắc của các dự án do VEC làm chủ đầu tư là vấn đề về lâu dài, cần có thời gian để có thể giải quyết căn cơ, đảm bảo khả năng trả nợ và tiếp tục hoạt động của VEC".

Đến cuối tháng 2 vừa qua, VEC đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư văn bản liên quan đến việc bố trí vốn đối ứng đối với dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Trong đó, VEC cam kết sẽ tự bố trí số tiền 758 tỉ đồng cho phần vốn đối ứng còn lại của dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đồng thời sẽ cân đối tài chính để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của VEC (bao gồm các khoản vay ODA đến hạn và trả nợ gốc, nợ lãi trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định).

VEC đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương về bố trí vốn đối ứng cho dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành giai đoạn 1 được Thủ tướng phê duyệt danh mục vào ngày 5.10.2010. Bộ GTVT đã ban hành Quyết dịnh số 2925/QĐ – BGTVT ngày 8.10.2021 phê duyệt Dự án và Quyết định số 5096/QĐ – BGTVT ngày 31.12.2014 phê duyệt điều chỉnh dự án.

Theo đó, dự án có chiều dài 57,8km, tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng, gồm vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) (13.654,6 tỉ đồng), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (11.975,7 tỉ đồng) và vốn đối ứng 5.689,7 tỉ đồng. Công trình được khởi công từ năm 2014, dừng thi công từ giữa năm 2019 do vướng mắc về cơ sở pháp lý; trong đó có việc bố trí vốn (ODA, vốn đối ứng).

Về dự án này, Bộ GTVT đã có các báo cáo gửi Chính phủ và thường xuyên làm việc với các cơ quan liên quan (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, JICA, Kiểm toán Nhà nước...) để tháo gỡ các vướng mắc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ giải quyết khúc mắc để tái khởi động Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành