Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Chính phủ khóa 14 đã thực hiện tốt tinh thần làm việc đến ngày cuối cùng, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc bàn giao, kiện toàn bộ máy.

Chính phủ khóa 14 không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi lúc bàn giao

Lam Thanh | 31/03/2021, 20:15

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Chính phủ khóa 14 đã thực hiện tốt tinh thần làm việc đến ngày cuối cùng, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc bàn giao, kiện toàn bộ máy.

Không tư tưởng cầm chừng, ỷ lại

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 31.3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, nhiệm kỳ Chính phủ khóa 14 đến nay kết thúc hết sức thành công.

hop-bao-cp-2.png
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Ảnh: Lam Thanh

“Như Thủ tướng đã nói, trong suốt nhiệm kỳ, con tàu Việt Nam đã vượt qua hải trình dồn dập bão tố. Qua sóng cả mới thấy vững tay chèo; Chính phủ đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, chỉ ít ngày nữa bộ máy của Chính phủ sẽ được kiện toàn và nhận nhiệm vụ. Đến thời điểm này, có thể nói Chính phủ khóa 14 đã thực hiện tốt tinh thần làm việc đến ngày cuối cùng, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc bàn giao, kiện toàn bộ máy.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá trong quý 1/2021, kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ số tốt hơn, tăng trưởng GDP tốt hơn nhiều so với cùng kỳ, nhất là nông nghiệp ổn định trong khi quý 1/2020 tăng trưởng âm do hạn mặn tại ĐBSCL.

"Chúng ta tiếp tục tập trung cao độ phòng, chống dịch COVID-19; đến nay dịch đã được kiểm soát tại Quảng Ninh, Hải Dương; đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM trạng thái “bình thường mới” đã được lập lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường, khách du lịch tăng trưởng tốt. Các ca nhiễm mới đều là trường hợp nhập cảnh và được kiểm soát, cách ly, điều trị theo quy định; không để dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng”, ông Dũng nêu.

Cũng theo ông Dũng, việc đặt hàng, nhập khẩu và tiêm vắc xin đã được khẩn trương triển khai thời gian qua. Tính đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 117.000 liều và đã tiến hành tiêm cho gần 50.000 người; đồng thời tiếp tục nhập khẩu 1,37 triệu liều trong tháng 3 và 4.2021.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm vắc xin trong nước vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, hứa hẹn những kết quả tích cực.

Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7%; tổ chức tài chính Fitch Solutions dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 6,5% trong giai đoạn 2021-2030.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3.2021, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% với tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ ở mức 4%.

“Có thể nói, trong quý 1, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, không chỉ kinh tế mà văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đời sống và niềm tin của người dân tăng lên, không khí làm ăn kinh doanh trong nhân dân khởi sắc hơn.

Đến hôm nay, không có nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật. Trước đây, nhiệm kỳ khóa 12 bàn giao 58 văn bản nợ, nhiệm kỳ khóa 13 nợ 39 văn bản. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên không nợ đọng văn bản, luật, pháp lệnh. Nhiệm kỳ này cũng là lần đầu tiên Thủ tướng đưa ra chủ trương: Ban hành 1 văn bản mới thì phải hủy 1 văn bản cũ, một luật cố gắng không nhiều hơn 2 nghị định hướng dẫn, 1 nghị định sửa nhiều nghị định…”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng đề nghị, thời gian tới Chính phủ yêu cầu tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường trong phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện quyết liệt "5K + vắc xin", kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại trong cộng đồng.

Cùng với đó, tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Điều hành chính sách tiền tệ một cách, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, sau cuộc họp Chính phủ ngày hôm nay, một số thành viên Chính phủ sẽ nhận những nhiệm vụ với cương vị mới, có người sẽ tiếp tục vị trí công tác của mình và một số người nghỉ chế độ theo quy định.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ đều khẳng định dù ở vị trí hay cương vị nào cũng sẽ tiếp tục đề cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, không ngừng đóng góp cho Đảng, cho Nhà nước, cho Nhân dân, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh, hùng cường.

“Các thành viên Chính phủ cũng mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ 15 sẽ kế thừa và phát huy hiệu quả truyền thống và thành tựu của các nhiệm kỳ Chính phủ; tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, không ngừng nỗ lực, phấn đấu và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong nhiệm kỳ sắp tới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Có bảo kê trong vụ xăng giả

Trả lời báo chí về “Hộ chiếu vắc xin”, đại diện Bộ Y tế cho hay đây là vấn đề đang nghiên cứu của nhiều nước. Hiện Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu để báo cáo với Chính phủ, để làm sao vừa mở cửa nền kinh tế, nối lại đường bay vừa an toàn cho người dân. Việt Nam cần cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ nên việc này cũng không đơn giản và phải nghiên cứu kỹ lưỡng.

Liên quan đến tình trạng sốt đất tại các địa phương thời gian gần đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, câu chuyện bất động sản đang nóng lên ở các địa phương có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số đối tượng thông tin không chính xác về các vấn đề quy hoạch, giá đất để chiếm phần chênh lệch, đầu cơ.

Theo ông Tú, tín dụng cho bất động sản được quản lý rất sát sao. Câu chuyện dịch chuyển dòng vốn giữa thị trường tiền tệ sang thị trường bất động sản là vấn đề được cơ quan quản lý theo dõi và cảnh báo.

"Cho đến thời gian gần đây, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng của tín dụng đối với nền kinh tế nói chung. Trước tình hình bất động sản tăng nóng thì chúng tôi cũng đã có cảnh báo với các tổ chức tín dụng", ông Tú nói.

Về điều hành lãi suất, mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam thấp hơn mức của ASEAN. Dư nợ tín dụng cũng đang có chiều hướng tích cực. Việc điều hành lãi suất thời gian tới tiếp tục duy trì sự ổn định, đồng thời cảnh giác đến dấu hiệu của kinh tế thế giới như giá nhiên liệu tăng, việc dịch chuyển giữa các dòng vốn… Nếu các chỉ số này ổn định thì chúng tôi sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động”, ông Tú nói.

Trả lời về hoạt động của CLB Tình người, ông Tô Ân Xô cho biết đã chỉ đạo Công an TP.Hà Nội vào cuộc xác minh, làm rõ, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật; đồng thời rà soát các hoạt động tương tự lợi dụng tôn giáo, mê tín để trục lợi từ người dân.

Về các vụ án xăng giả tại Đồng Nai, ông Xô cho biết đã đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng theo dõi. Bước đầu điều tra cho thấy có hiện tượng buông lỏng quản lý, bảo kê để đường dây này hoạt động. Cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 50 bị can, niêm phong hàng chục cây xăng, phong tỏa trên 200 tỉ đồng của nhóm tội phạm và nhiều tài sản khác.

Theo ông Xô, nhóm tội phạm này có hoạt động rất tinh vi, có sự bảo kê. Việc đưa hối lộ cũng rất tinh vi khi không gặp trực tiếp khi quy ước với nhau địa điểm nào đó, người này mang đến rồi người khác đến lấy, rất khó phát hiện. Cơ quan công an cũng đã bắt một sĩ quan công an về tội nhận hối lộ và vẫn đang tiếp tục mở rộng vụ án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ khóa 14 không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi lúc bàn giao