Chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới thời ông Ngô Đình Diệm đã có ý thức rõ trong việc khai thác nguồn lợi từ Hoàng Sa, đặc biệt là phosphate. Chính quyền ông Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh, nghị định về Hoàng Sa, nhất là tổ chức các hoạt động kinh tế tại đây như cho khai thác phân chim, thành lập công ty khai thác tài nguyên Hoàng Sa ở Sài Gòn; xây dựng các cơ sở hạ tầng như nhà ở, cầu cảng, phân xưởng, nhà thủy văn.
Sau hiệp định Geneve 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam và có khoảng trống trong bố phòng lực lượng tại Biển Đông. Lợi dụng hoàn cảnh đó, một số nước trong khu vực gồm cả Trung Quốc đã có hành động đổ bộ lén lút lên các đảo trong quần đảo Hoàng Sa vốn được người Việt khẳng định và thực thi chủ quyền từ trước đó rất lâu.
Cận thời điểm đó, các chính quyền ở miền Nam Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa. Đáng chú ý nhất là năm 1951, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của chính quyền Bảo Đại, đã tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Hiệp định Geneve được ký kết cũng đã công nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam. Các công văn thời đó cho thấy các nhà chức trách đã có ý thức bảo vệ Hoàng Sa rất cao.
Trong hồ sơ lưu trữ thời đó có công văn mật do Trung phần Thủ hiến Chính phủ gửi ngài Thủ tướng chính phủ quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn năm 1952 với nội dung như sau: "Trong lúc dự hội nghị quốc tế Cựu Kim Sơn (San Francisco), quý Thủ tướng có lên tiếng về chủ quyền của quốc gia Việt Nam ở những đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, tiếp theo lời tuyên bố của quý Thủ Tướng, các báo Tiếng Việt (số 250 ngày 10.9.1951), Dân quyền (số 705 ngày 14.9.1951), Liên hiệp (số 152 ngày 19.9.1951)... với những tài liệu lịch sử và căn cứ vào địa dư cùng tình trạng thực tế, đã đều quả quyết là đảo Hoàng Sa và Trường Sa xưa nay vẫn thuộc lãnh thổ Việt Nam".
Công văn này cũng cho biết: "Từ ngày 28.11.1950, sau mấy năm biến chuyển của tình thế, Thiểm Phủ đã phái một trung đội VBĐ (vệ binh đoàn, gồm có 35 người) đến đóng tại đó nhưng chưa thiết lập những cơ quan hành chánh như xưa. Trong khi chờ đợi và để chứng tỏ với dư luận quốc tế chủ quyền của quốc gia Việt Nam ở Hoàng Sa, Thiểm Phủ thiết tưởng cần phải tạm tháp nhập (sáp nhập) ngay Hoàng Sa (trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên) vào thị xã Đà Nẵng. Giải pháp ấy sẽ thuận tiện về phương diện liên lạc và tiếp tế đối với trung đội VBĐ hiện đóng tại đó".
Điều đặc biệt là khi khảo cứu các công văn liên quan đến Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới thời ông Ngô Đình Diệm, thì có thể thấy ngày đó đã có ý thức rõ trong việc khai thác nguồn lợi từ Hoàng Sa, đặc biệt là phosphate. Chính quyền ông Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh, nghị định về Hoàng Sa, nhất là tổ chức các hoạt động kinh tế tại đây như cho khai thác phân chim, thành lập công ty khai thác tài nguyên Hoàng Sa ở Sài Gòn; xây dựng các cơ sở hạ tầng như nhà ở, cầu cảng, phân xưởng, nhà thủy văn..., cho thấy tính liên tục về khai thác, cai quản của người Việt Nam đối với các quần đảo, trong đó có Hoàng Sa.
Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ban hành nghị định số 232-KT ngày 1.8.1956 cho phép trích xuất ở quỹ quốc gia bù trừ hàng hóa xuất nhập cảng một số tiền là 300.000 đồng để mua cầu "Cubies pontons" dùng vào việc khai thác phosphate tại đảo Hoàng Sa. Nội dung nghị định này nêu rõ: "Điều 1. Nay cho phép xuất ở quỹ quốc gia bù trừ hàng hóa xuất, nhập cảng một số bạc là ba trăm nghìn đồng (300.000) để mua ba trăm chiếc cầu "cubies pontons" dùng vào việc khai thác phốt phát (hay phosphate) tại đảo Paracels (tức Hoàng Sa). Dụng cụ này sẽ đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ Kinh tế quốc gia. Điều 2. Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Kinh tế quốc gia chiếu nhiệm vụ lãnh thi hành nghị định này".
Công văn của Tỉnh trưởng Quảng Nam, Võ Hữu Thu gửi Phủ Tổng thống năm 1960 cũng nêu rõ: "Về phương diện kinh tế, tuy quần đảo Hoàng Sa không có triển vọng gì khả quan nhưng về phương diện quân sự thì địa điểm này rất xung yếu, hơn nữa đã thuộc về lãnh thổ quốc gia, có dân cư thì dầu dân số ít hay nhiều cũng phải tổ chức tại đó một cơ quan hành chính để lo việc an ninh trật tự cho dân chúng, nhất là để tượng trưng chủ quyền quốc gia cho đúng với quốc tế công pháp".
Tỉnh trưởng Quảng Nam cũng đề nghị: "Nếu thành lập một xã thì thành phần Hội đồng xã sẽ chọn trong các số công nhân của Hãng khai thác phân chim, trụ sở có thể đặt tại đảo Pattle vì tại đây có sẵn một lực lượng quân sự (thủy quân lục chiến) yêm hộ, cở sở của Hãng khai thác phân chim cũng đóng tại đó".
Tòa đô chính Đà Nẵng sau đó cũng có báo cáo về Phủ Tổng thống cho biết: "Hiện giờ trên đảo Hoàng Sa có: 30 bảo an viên và 30 thủy quân lục chiến dưới quyền chỉ huy của một thiếu úy hải quân, 4 nhân viên khí tượng và 38 công nhân của công ty khai thác phân chim Guano".
Theo Tập san Sử Địa số 29 xuất bản tại Sài Gòn đầu năm 1975, phân phosphate trên quần đảo Hoàng Sa (Paracels) là một nguồn lợi mà nhiều nhà kinh doanh chú ý. Năm 1956, ông Lê Văn Cang được chính quyền VNCH cho phép khai thác phosphate trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1961, Công ty Lê Văn Cang bắt đầu khai thác, Công ty Hữu Phước được hợp đồng chở phân bón về Sài Gòn. Từ năm 1960, có thêm Công ty Phân bón Việt Nam của ông Bùi Kiến Thành tham gia. Sau năm 1970, thị trường phân bón mở rộng nên nhiều công ty khác cũng chú ý đến nguồn phosphate ở Hoàng Sa. Công ty Kỹ nghệ Phân bón Đại Nam (KYPHADACO) do ông Đào Nhật Tiến làm chủ, cho biết thành phần phosphate lấy từ các đảo Hoàng Sa có phẩm chất rất tốt. Ông Tiến còn khám phá ra một tài nguyên khác ở Hoàng Sa là cát và vỏ sò, vỏ ốc. Cát và vỏ sò, vỏ ốc Hoàng Sa xay thành bột nung ở nhiệt độ cao được sản phẩm gọi là "cát Hoàng Sa” có thể trị phèn trong ruộng và trộn với thức ăn gia súc.
Như vậy có thể thấy từ thời đó đã có cơ sở và công nhân phục vụ cho việc khai thác các nguồn lợi kinh tế từ Hoàng Sa dù ở mức độ khiêm tốn. Chỉ có điều, các chính quyền miền Nam sau thời ông Ngô Đình Diệm không đẩy mạnh việc phát triển kinh tế ở Hoàng Sa. Ở góc độ nào đó, khi kinh tế ở một khu vực được kích thích phát triển thì sự đầu tư sau đó để bảo vệ an ninh cũng được gia tăng theo tỷ lệ thuận. Nếu vậy, Hoàng Sa có khi đã khác...
A.T
Bài viết có dẫn thông tin từ bài Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Ngô Đình Diệm của Thạc sĩ Lưu Văn Rô đăng trên Tạp chí nghiên cứu lịch sử.
Khai thác phosphate Hoàng Sa thời Pháp thuộc
Theo ghi chú của Vụ Các vấn đề chính trị và bản xứ, Phủ toàn quyền Đông Dương, ngày 6.5.1921, một nhóm người Trung Quốc đã tìm cách thăm dò chúng (tức quần đảo Hoàng Sa) về khả năng khai thác các lớp phosphate phong phú.
Cũng theo tài liệu trên, tháng 9.1920 một công ty hàng hải của Nhật là Mitsui - Bussan Kaisha đã hỏi nhà cầm quyền Pháp trước khi khai thác phosphate trên vài đảo nhỏ, ở quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, việc khai thác của công ty này phải bỏ dở vì vận chuyển phosphate về đất liền khá khó khăn trong điều kiện lúc bấy giờ.
Theo báo cáo của Viện Hải dương học, năm 1930-1931, hơn 1 tấn mẫu phosphate được đưa về Đà Nẵng bằng tàu lưới kéo của tàu De Lanessan để ông Maurice Clerget phân tích. Những kết quả đầu tiên của nghiên cứu ấy cho biết ở Đông Dương số lượng quặng ấy có thể lên tới 8 triệu m³. Chỉ có một khó khăn lớn đó là vấn đề vận chuyển. “Trong tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã quan sát thấy rằng công ty Nhật Bản đã bỏ không khai thác phosphate nữa và trữ lượng bỏ ấy đã được một công ty Trung Quốc lấy đem đi bằng tàu chở hàng đến Hong Kong không khó khăn gì. Vấn đề khó khăn là đưa lên tàu một khối lượng vận chuyển lớn và cồng kềnh, trong vùng Biển Đông thường xuyên có gió mùa, dễ gặp phải nguy hiểm khi đụng đá ngầm là chướng ngại vật chìm trong nước. Về mặt này những kinh nghiệm của thủ thủy tàu De Lanessan trong hai lần đi nghiên cứu các đảo Hoàng Sa sẽ là thông báo quý báu cho tất cả những ai muốn thử khai thác những lớp quặng rất phong phú ấy ở Đông Dương” (trích báo cáo của Viện Hải dương học năm 1930-1931).
“Trong số những kết quả đã thu thập được ở quần đảo Hoàng Sa, nơi đã nghiên cứu vào tháng 6.1931, cần lưu ý là trong đó có một số kết luận của M.Clerget, người cùng cộng tác với chúng tôi, kỹ sư mỏ thuộc dân sự... Theo kết quả nghiên cứu, dự trữ về quặng phosphate dự tính ít nhất 1 triệu tấn có thể cung cấp phosphate canxi cho toàn Đông Dương trong 20 năm. Hơn nữa quặng ở đây gồm một tỉ lệ khá lớn phosphate hòa tan, như thế về mặt nông nghiệp rất có lợi. Các chuyên gia được hỏi ý kiến về vấn đề này cũng thống nhất như vậy” (trích báo cáo của Viện Hải dương học năm 1931-1932).
(Theo Huỳnh Hiếu/Tuổi Trẻ)