Tại phiên thảo luận về dự án “1 luật sửa 7 luật” ngày 7.11, nhiều đại biểu quốc hội quan tâm đến các nội dung về chứng khoán, trong đó đề nghị điều chỉnh các quy định để nâng hạng thị trường.
Thị trường và chính sách

Chỉnh sửa quy định để nâng hạng thị trường chứng khoán

Hoài Lam 18:08 07/11/2024

Tại phiên thảo luận về dự án “1 luật sửa 7 luật” ngày 7.11, nhiều đại biểu quốc hội quan tâm đến các nội dung về chứng khoán, trong đó đề nghị điều chỉnh các quy định để nâng hạng thị trường.

Nâng hạng chứng khoán rất cần thiết

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) cho rằng chủ trương về nâng hạng thị trường chứng khoán được Nhà nước quan tâm nhiều năm nay. Hiện nay, cần chỉnh sửa một số quy định để có thể thực hiện được chủ trương này, nhất là trong bối cảnh đất nước đang cần huy động nhiều vốn cho những dự án quan trọng sắp tới cũng như cho chuyển đổi số và kinh tế xanh.

Đại biểu Nam lưu ý trong nội dung này phải quan tâm về vấn đề đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) với 2 ý: Một là, phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin. Hai là, cần có các cơ chế, trong đó đặc biệt là quản lý rủi ro và quản trị rủi ro.

Về quản trị rủi ro, theo ông Nam, trước đây yêu cầu có tiền ký quỹ đặt trước khi giao dịch, để đến khi đặt lệnh giao dịch thành công thì sẽ có tiền để đảm bảo thanh toán được hoàn thành, hoàn chỉnh và không có rủi ro.

Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn chung của quốc tế khi nâng hạng sẽ có một yêu cầu DPP, nghĩa là khi giao hàng thì phải giao tiền đồng thời một lúc để tránh việc nộp tiền quá lâu. CCP cũng có thể giải quyết được vấn đề đó, về bản chất đó là bên mua của nhiều bên bán và bên bán của nhiều bên mua.

nam-1.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu

Ông Nam chỉ ra thực tế, khi nhà đầu tư đã thực hiện đặt lệnh giao dịch, vẫn có rủi ro thanh toán khi trên thị trường chứng khoán của Việt Nam nói riêng cũng như thị trường chứng khoán quốc tế nói chung xảy ra những sự kiện đặc biệt. Tại thời điểm đó, có thể giảm tới 60-70 điểm trong một thời gian dài.

Ví dụ tiêu biểu là khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997 hay khủng hoảng COVID-19 năm 2020. Đây là một trong những trường hợp sẽ có rủi ro.

“Vậy chúng ta cần phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng trong tình huống này. Lúc này các nhà đầu tư đã đặt lệnh giao dịch thì nghĩa vụ thanh toán sẽ thuộc về CCP. Khi đó sẽ có khối lượng tiền khá lớn và khả năng họ không hoàn thành thực hiện giao dịch cũng có thể xảy ra. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra tính toán, cân nhắc kỹ vấn đề này”, ông Nam nói.

qh.jpg
Các đại biểu thảo luận tại Quốc hội

Cũng theo ông Nam, việc cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cơ chế đối tác bù trừ trung tâm thì hệ thống CCP phải phù hợp chung với thiết kế hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam.

Ngoài ra, ông Nam cũng đề cập việc Luật Chứng khoán nêu: Khi thực hiện những nghiệp vụ về bảo lãnh phát hành chứng khoán hay môi giới chứng khoán, phân phối chứng chỉ quỹ thì hệ thống ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại những công ty con hoặc công ty liên kết để thực hiện chức năng này.

Do đó, nội dung về cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cơ chế đối tác bù trừ trung tâm với vai trò là thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở là vấn đề tính chất kỹ thuật cao, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Hiện Việt Nam có nhiều ngân hàng nước ngoài đó là HSBC, Standard Chartered Bank, Citibank, Deutsche Bank. Về vấn đề chế đối tác bù trừ trung tâm này, có 2 ngân hàng tán thành, còn 2 ngân hàng yêu cầu phân tích, làm rõ thêm. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng cơ chế CCP phù hợp”, ông Nam nói.

Cần ngăn “phù phép” vốn điều lệ

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đồng tình với quy định "Báo cáo về vốn điều lệ đã góp trong thời hạn 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Trường hợp doanh nghiệp thành lập dưới 10 năm thì tính từ thời điểm thành lập" khi sửa Luật Chứng khoán.

Ông Toàn cho rằng việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng và số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp.

"Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo. Điển hình cho nội dung này là Công ty Faros của FLC từ vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỉ đồng sau 5 lần tăng vốn điều lệ trong 3 năm 2014-2016 đã tăng vốn lên 4.300 tỉ đồng. Hệ lụy rất lớn cho cả thị trường", ông Toàn nói.

toan-1.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu)

Cũng theo ông Toàn, gần đây, trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí cũng qua nhiều lần "phù phép" tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỉ đồng.

"Cách phù phép của họ như thế này: Bơm một số tiền nhất định vào các tài khoản, sau đó lại rút ra, bơm vào cho đến khi đạt được doanh số tổng bằng tổng số vốn điều lệ", ông Toàn chỉ rõ.

Do vậy, theo đại biểu Toàn, nếu không có kiểm toán vì ngại một phần chi phí không lớn mà bảo các doanh nghiệp e ngại vấn đề này thì không phải. Đây là một yếu tố cần đảm bảo cho thị trường chứng khoán được minh bạch, trong sạch.

Băn khoăn việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của người lao động phải giảm vốn điều lệ

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) cũng góp ý, khoản 5, khoản 6 Điều 36 Luật Chứng khoán hiện hành quy định về việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình thì phải giảm vốn điều lệ. Quy định này áp dụng cho cả các trường hợp mua lại cổ phiếu của người lao động trong doanh nghiệp.

Theo ông Hiển, quy định này phát sinh nhiều thủ tục và gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thường có chủ trương phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Theo thông lệ những cổ phiếu này sẽ được doanh nghiệp mua lại trong một số trường hợp như người lao động nghỉ việc trước thời hạn hoặc vi phạm quy chế phát hành.

“Như vậy, việc mua lại cổ phiếu của người lao động là ngoài ý muốn của doanh nghiệp, nhưng khi mua lại cổ phiếu để bảo đảm công bằng cho người lao động và bảo đảm phù hợp với quy định thì doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ - trong khi doanh nghiệp không có chủ trương này”, ông Hiển nêu.

hien-1.jpg
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM)

Tiếp theo, ông Hiển cho rằng do phải thực hiện giảm vốn điều lệ sau khi thực hiện việc mua lại cổ phiếu của người lao động, doanh nghiệp phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên để được thông qua việc giảm vốn điều lệ; phải làm các thủ tục giảm vốn điều lệ như ghi giảm vốn điều lệ trong báo cáo tài chính, thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thậm chí có trường hợp làm cho tỷ lệ sở hữu nước ngoài tăng vượt quá mức cho phép.

Hơn nữa, theo ông Toàn, đối với cơ quan quản lý, giám sát thì phải có trách nhiệm cấp lại giấy đăng ký doanh nghiệp, phải giám sát việc mua cổ phiếu, giảm vốn điều lệ, đảm bảo tuân thủ quy định và được đại hội đồng thông qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vì sao phân bón nên chịu thuế VAT?
Phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT sẽ gây ra nhiều bất cập.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉnh sửa quy định để nâng hạng thị trường chứng khoán