Những người mẹ trong ghi chép này, bà Yến Ly, bà Lan Mộng từng đặt hy vọng vào đứa con trai duy nhất của mình. Một hy vọng giản dị như bất kì bà mẹ nào - con lớn lên thành đạt, hiếu thảo, lấy vợ, sinh con, nối dõi tông đường. Nhưng con chỉ làm được một nửa hy vọng của họ… Vì con là người đồng tính - sự thật không dễ gì chấp nhận đối với những người mẹ...

Cho con được là chính mình...

Một Thế Giới | 08/04/2015, 02:00

Những người mẹ trong ghi chép này, bà Yến Ly, bà Lan Mộng từng đặt hy vọng vào đứa con trai duy nhất của mình. Một hy vọng giản dị như bất kì bà mẹ nào - con lớn lên thành đạt, hiếu thảo, lấy vợ, sinh con, nối dõi tông đường. Nhưng con chỉ làm được một nửa hy vọng của họ… Vì con là người đồng tính - sự thật không dễ gì chấp nhận đối với những người mẹ...

5 năm ngột ngạt, ức chế...
“Mẹ ơi, con là ‘gay’! Con không làm gì nên tội lỗi, con không làm gì sai trái với đạo đức con người. Tại sao mẹ phải xấu hổ với mọi người vì con. Con có giết người đâu, con có trộm cắp đâu, con là đứa có suy nghĩ, có chí hướng. Xin mẹ đừng ép con làm những điều con không thể” - những dòng tâm sự trích trong lá thư Đăng Khoa viết cho mẹ cách đây 3 năm. Cậu còn nhớ như in lá thư ấy. Vì nó được xem là sự kiện chấm dứt “cuộc chiến” 5 năm trời của 2 mẹ con. 5 năm trời, bà Ly tìm đủ mọi cách để con trở về “một người đàn ông đúng nghĩa”. Và 5 năm trời Khoa tìm đủ mọi cách chứng minh với mẹ, đồng tính không phải bệnh, hãy để con sống đúng với tự nhiên. Ngột ngạt, đau đớn, ức chế - những từ hai mẹ con dùng để miêu tả khoảng thời gian 5 năm trời...
Khoa mơ hồ nhận ra “sự khác biệt” khi cậu lên lớp 7, có những rung động đầu đời với một bạn nam cùng lớp. Cậu không biết đó là dấu hiệu của tình yêu nếu không có lần Khoa khổ tâm vì bị bạn giận và chối bỏ. Sau này, ngẫm lại, Khoa biết cảm giác non nớt đó tựa hồ như thất tình. Cậu định tiếp tục sống với “bí mật” ấy. Nhưng rồi, có lần mẹ tình cờ đọc được nhật ký của cậu. Trong nhật ký, Khoa thổ lộ việc mình dành tình cảm cho một người bạn nam cùng lớp. Từ kinh ngạc, sốc tới tức giận, bà Ly vứt cuốn nhật ký của con xuống đất: “Con dẹp ngay trò bệnh hoạn này cho mẹ!” - bà hét vào mặt con, bắt cậu xé cuốn nhật ký và cảnh cáo “Từ nay không được phép thích các bạn nam nữa”. Sau đó, bà tìm đủ mọi cách để ngăn cản những mối tình của con trai mình.
Một ngày, mẹ bảo Khoa đi gặp bác sĩ tâm lý cùng mình. Hết chuyên gia này đến chuyên gia khác, ai cũng khẳng định cậu không có vấn đề gì về tâm lý. Nhưng mẹ Ly không chấp nhận và thỏa mãn với bất kì một lời giải thích nào, cho đến khi có một chuyên gia tâm lý bảo rằng: “90% con trai bà là người đồng tính. Nhưng xu hướng tính dục chỉ đóng khung ở tuổi 21”. Lời giải thích đó gieo vào lòng bà một niềm hi vọng mãnh liệt: “Vậy là con vẫn có thể trở thành một người đàn ông bình thường”.
Hồi Khoa vào đại học, bà Ly lại nghe ai đó nói rằng, tại một ngôi chùa trên núi ở Đồng Nai, có người thầy tu rất giỏi về bài thuốc chữa… đồng tính. Khoa ngoan ngoãn khăn gói cùng mẹ lên chùa “chữa bệnh”. Khoa tự nhủ, hãy chịu đựng và chứng minh với mẹ rằng mình đã tuân thủ mọi phương pháp điều trị, nhưng “bệnh tình” không thuyên giảm. Điều đó có nghĩa, đồng tính là tự nhiên.
Sau lần “trị liệu” đó, nỗi hy vọng của mẹ Ly ngày một mỏng manh. Bà chuyển từ khuyên nhủ, dỗ dành sang cuộc chiến tranh lạnh với con trong suốt một thời gian dài. Đêm, Khoa quặn lòng khi nghe tiếng khóc vẳng ra từ căn phòng của mẹ. Thương mẹ, nhưng cậu không thể làm điều duy nhất mẹ muốn - sống như một những người đàn ông khác, lấy vợ sinh con.
Vì con, mẹ thay đổi...
Rồi một lần Khoa đứng chết trân và bất lực nghe bà gọi điện cho mẹ của bạn trai mình, kể lại sự việc “hai đứa nó có tình cảm với nhau, chị phải quản con thật chặt, đừng để nó bị lôi kéo”. Vọng lại từ đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ run run cùng một lời cảm ơn cay đắng. Sốc, bối rối, cậu nắm chặt con dao trong tay và chỉ biết hét lên: “Tôi hận các người. Tại sao các người lại phá đám tôi?”. Khoa chẳng hiểu nổi tại sao mình lại làm thế, cậu không thể hiểu mình định làm gì với con dao đó. Nhưng điều đó khiến bà Ly ngỡ ngàng, choáng váng. Tiếng kêu sắc lạnh của con dao nơi nền nhà khiến Khoa giật mình, cậu vội vàng quỳ xuống ôm chân mẹ: “Mẹ ơi! Con xin lỗi, con sai rồi!”.
Từ ngày đó, không khí trong gia đình càng trở nên ngột ngạt, căng thẳng. Và đã có lúc, bà định từ bỏ đứa con trai duy nhất của mình. Nhưng đêm về, bà lại trăn trở, tình thương của người mẹ không cho phép bà buông xuôi. Bà tìm cách viết thư cho con, bà viết rất nhiều, đó luôn là những lời cầu khẩn tha thiết... Đọc những lá thư ấy, Khoa chỉ biết ứa nước mắt. Cậu đáp lại mẹ bằng một lá thư dài 4 trang giấy thổ lộ tất cả nỗi cô đơn, dằn xé mình chịu đựng suốt 5 năm trời. Đọc thư xong, bà bật khóc và ôm Khoa vào lòng: “Nếu con không thể thay đổi, mẹ sẽ thay đổi và sẽ lại yêu thương con”.
Bà thay đổi thật, Khoa nhận ra sự thay đổi từng ngày trên nét mặt của mẹ sau mỗi lần bà tham gia hội thảo về người đồng tính. Sau đó, bà trở thành một trong những thành viên trụ cột của tổ chức PFLAG (Hội Phụ huynh của những người đồng tính) và luôn là người đứng ra thuyết phục những bà mẹ khác có con đồng tính: “Con đồng tính thì sao? Trong mắt gia đình, con mãi là một đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo. Trong xã hội, con là một người thành đạt và tử tế”.
Để “chạm” vào con
Thành Đạt vốn là một cậu bé sống nội tâm, ít chia sẻ. Khi cậu còn nhỏ, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, vợ chồng bà Mộng quyết định gửi cậu và em gái cho nhà ngoại trông nom. Vì thế, những cuộc gặp gỡ giữa Đạt và mẹ trở nên thưa thớt và vội vã. Hai mẹ con hầu như chỉ có những cuộc đối thoại ngắn ngủi. Mãi đến năm Đạt vào lớp 10, cha mẹ cậu chia tay, bà Mộng quyết định về nhà mở một tiệm tạp hóa để có thời gian chăm sóc, gần gũi các con. Đây là khoảng thời gian, bằng sự nhạy cảm của một người mẹ, bà quan sát và mơ hồ nhận ra sự khác biệt ở con trai mình. Những người bạn mà Đạt rủ về nhà trong những buổi học nhóm toàn là bạn nam. Bà luôn dành cho con và các bạn một căn phòng riêng để con và các bạn chú tâm học hành. Nhưng căn phòng đó không bao giờ phát ra những âm thanh ồn ào của bọn con trai hiếu động. Bạn của con ai cũng rất khéo tay, nhảy đẹp và tính cách nhỏ nhẹ như con gái.
Năm con trai đang học lớp 10, bà Mộng bỗng giật mình khi mẹ bà buột miệng: “Con xem thằng Đạt có vấn đề gì không. Sao mẹ thấy nó không như những đứa con trai khác, coi chừng nó đồng tính”. Bà Mộng chợt nhớ lại lời thổ lộ của Đạt hôm trước: “Mẹ ơi! Sao con muốn chết quá, sống mà chẳng thấy vui gì cả”. Lẽ nào mẹ bà đã nói đúng. Con bà - một đứa trẻ ở tuổi 16 - có thể chán đời vì điều gì? Bà xâu chuỗi lại tất cả những sự kiện về con, một cảm giác hối hận, day dứt dâng lên trong lòng người mẹ: “Tại sao chỉ biết la rầy, tại sao không tìm hiểu và chia sẻ với con?”.
Hồi đó, với bà Mộng, đồng tính là một khái niệm đáng sợ. Bà ám ảnh cảnh tượng một ngày, con trai mình sẽ uốn éo, ăn mặc chẳng giống ai. Rồi con sẽ bị mọi người xua đuổi, chế giễu. Bà đem nỗi lo lắng ấy kể với một người bạn thân. Người bạn này cho rằng Đạt bị bạn bè đồng tính lôi kéo và khuyên bà nên “chữa bệnh” cho con, rồi cho nó đi lấy vợ. Bà hỏi ý chồng cũ, chồng bà tỏ ra tức giận: “Một là cho nó về quê ở với tôi hoặc bắt nó đi bộ đội...”. Thương con, bà Mộng không chấp nhận một lời khuyên nào. Bà âm thầm tìm đến một câu lạc bộ của những bà mẹ có con đồng tính với hy vọng sẽ giúp con trở lại “bình thường”. Lần đầu tiên, bước chân vào căn phòng, bà bất ngờ vì ở đây có rất nhiều phụ huynh mang tâm trạng giống mình. Nhiều người bật khóc chia sẻ cảm giác hụt hẫng, đau khổ khi biết con đồng tính. Họ đưa ra những câu hỏi dồn dập với nội dung tương tự nhau: Đồng tính lây như thế nào? Đồng tính có chữa được không?… Nhưng sau đó, những bà mẹ được giải thích rằng, đồng tính chưa bao giờ là bệnh. Bà thở phào nhẹ nhõm, ý nghĩ sẽ chữa trị cho con bỗng tiêu tan.
Sau buổi hội thảo ấy, về nhà, bà nói vu vơ với Đạt rằng: “Mẹ vừa đi dự một buổi hội thảo về đồng tính”. Từ ngạc nhiên, bà thấy Đạt mỉm cười, lộ rõ vẻ hài lòng và đáp lại mẹ bằng một câu nói cũng đầy ẩn ý: “Con của mẹ cũng là người như vậy mà”. Bà Mộng nhớ mãi nụ cười đó của con, nụ cười xua tan gánh nặng tâm lý suốt một thời gian dài. Đó là ngày đầu tiên bà thực sự chạm đến con trai mình...
Theo NLĐ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các quyết định kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho con được là chính mình...