Sài Gòn náo nhiệt đến nỗi có người nói ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày bởi lúc nào cũng rộn ràng, tấp nập. Điều này càng đúng nếu ta có mặt tại buổi chợ đêm ở các chợ đầu mối, như chợ đêm Bình Điền. Khi mà hầu hết mọi người chuẩn bị cho một đêm nghỉ ngơi lấy lại sức sau một ngày làm việc vất vả thì không ít người nơi đây bắt đầu một đêm “bung sức" cho công việc của mình.

Chợ đêm Bình Điền: “Ai thương tôi, nghề bốc xếp!”

Một Thế Giới | 04/09/2015, 12:24

Sài Gòn náo nhiệt đến nỗi có người nói ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày bởi lúc nào cũng rộn ràng, tấp nập. Điều này càng đúng nếu ta có mặt tại buổi chợ đêm ở các chợ đầu mối, như chợ đêm Bình Điền. Khi mà hầu hết mọi người chuẩn bị cho một đêm nghỉ ngơi lấy lại sức sau một ngày làm việc vất vả thì không ít người nơi đây bắt đầu một đêm “bung sức" cho công việc của mình.

Công việc không ánh mặt trời
Có mặt tại chợ đêm Bình Điền, ngôi chợ đầu mối được xem là lớn nhất  TP.HCM, trước mắt chúng tôi là quang cảnh sôi động có phần nhốn nháo, lao xao quen thuộc như bất kỳ ngôi chợ nào, chỉ khác là công việc được bắt đầu khi đồng hồ điểm 9 - 10 giờ tối.
Ngôi chợ này có tổng cộng khoảng 1.500 sạp. Với từng ấy sạp thì số lượng lao động cần thiết sẽ là gấp đôi, gấp ba lần. Trong đó, việc vận chuyển, bốc xếp hàng chiếm một phần không nhỏ. Lao động chân tay luôn là công việc nhiều mệt mỏi nhất, huống hồ nó lại diễn ra vào lúc đêm khuya, mức độ hao mòn sức khỏe càng nhiều hơn.
Tại chợ đêm Bình Điền có nhiều đơn vị thầu công việc bốc xếp, dỡ hàng, vận chuyển… Có cả đơn vị nhà nước lẫn đơn vị tư nhân. Mỗi khu chợ có từ 200 - 300 người làm phần việc nặng nhọc này.
Phần lớn người bốc xếp mà chúng tôi có dịp gặp gỡ xuất thân từ miền Tây Nam Bộ. Anh Nguyễn Hồng Thuận, 32 tuổi, người Cần Thơ, nhân viên thuộc Liên đoàn Lao động quận 8, với chất giọng rặt miền Tây chân chất, nhiệt tình chia sẻ về công việc của mình: “Tôi bắt đầu làm việc từ 8 giờ tối, công việc chính là nhận hàng từ xe của thương lái chuyển vào cho vựa bán. Ngày nào cũng vậy, nếu làm đều thì thu nhập tương đối ổn”.
Anh Thuận cho biết nhóm công nhân được tính lương theo dạng ăn theo sản phẩm, nếu khối lượng vận chuyển nhiều thì tiền nhiều. Mọi người cùng nhau san sẻ phân công công việc theo sự hướng dẫn của tổ trưởng. Anh Thuận nói thêm, tại khu chợ rau, đơn vị của anh có khoảng 120 người, cộng thêm số lượng lao động từ các đơn vị tư nhân khác nữa thì có khoảng 200 người.

cho dem Binh Dien
Một góc chợ cá. Ảnh: T.H
Tình hình bốc xếp, chuyển hàng diễn ra càng sôi động hơn tại khu chợ cá. Khác với khu chợ rau khô ráo và sạch sẽ, nơi này luôn ẩm ướt lẫn mùi tanh tưởi. Người bốc xếp làm ở khu chợ cá cũng có phần vất vả hơn. Từng thùng xốp cá nặng trịch vừa cá vừa nước đá được nhóm công nhân kéo từ trong xe tải, khiêng xuống chất lên xe đẩy, bên dưới có người đợi sẵn sắp xếp cho ngay ngắn rồi nhanh chóng đẩy vào nhà lồng chợ. Cũng có khi cá được đổ từ thùng xốp xuống một thùng nhựa to hơn để bên dưới đuôi xe tải. Nào cá, nào nước thi nhau rớt xuống. Nước văng tung tóe, vài con cá văng xuống đường giãy đành đạch.
Một dãy cả chục xe tải đậu ngay trước lối vào nhà lồng chợ, các công nhân đang mau mắn chuyển hàng xuống xe. Gặp chúng tôi, họ cười đùa vui vẻ, vừa làm vừa tranh thủ trò chuyện, tếu táo, hài hước. Chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự nhiệt tình, thân thiện của các anh em bốc vác ở đây. Dù làm công việc cực nhọc nhưng nụ cười hầu như thường trực trên môi. Dường như những câu chuyện đùa giỡn đó càng làm thời gian qua nhanh và giúp họ quên đi mệt nhọc.
Gần 12 giờ đêm, xe dưới tỉnh về càng nhiều, tiếng cười đùa cũng bớt đi. Chỉ còn đôi tay, đôi chân thoăn thoắt. Nói về khối lượng công việc mỗi tối, với kinh nghiệm làm việc lâu năm, anh Nguyễn Minh Tuấn, một trong những trưởng nhóm điều hành của đơn vị bốc xếp Đoàn Kết cho biết khối lượng công việc của tùy ngày, cá về ít hay nhiều cũng theo con nước. Ngày 16 -17 âm lịch nước lớn, cá về nhiều hơn, những ngày cuối tuần cũng nhiều. Còn những ngày rằm, mùng 1 thì cá ít hơn.
“Ai thương tôi, nghề bốc xếp?”
Vào khu nhà lồng thủy hải sản, rất nhiều loại cá lớn nhỏ đủ loại được bày bán. Đi một vòng chợ cá, đang mải choáng ngợp với sự hoành tráng của chợ cá tấp nập người ra vào, từ xa chúng tôi thấy Huy, người thanh niên mà chúng tôi có dịp trò chuyện khi mới vào nhà lồng.
Huy nhanh chóng đẩy xe hướng ra cửa nơi có xe tải cá đang chờ, rất thuần thục, một chân để trên xe đẩy, chân còn lại làm lực đẩy cho xe chạy, lanh miệng không ngớt: “Dô nè, dô nè, đụng nè, đụng nè…”. Dù miệng nói thế nhưng trông Huy như một nghệ sĩ điều khiển quá nhuần nhuyễn chiếc xe đẩy của mình, luồn lách để không đụng một ai.
Trong khu nhà lồng chợ, luôn bắt gặp những công nhân vận chuyển ngược xuôi, kéo theo một chồng những thùng hàng chất cao hơn đầu. Ai cũng hối hả, nhanh nhẹn. Mà dường như những người ở đây, cả chủ vựa lẫn khách mua đều đã quá quen thuộc hình ảnh này và biết cách tránh né thế nào cho khỏi bị va phải.
Là thanh niên còn độc thân, chí thú làm ăn và tạm hài lòng với nghề, nhưng Trần Văn Huy, 26 tuổi, quê ở Đồng Tháp cũng không giấu được nỗi lòng: “Tôi làm nghề này đã được 4 năm. Nhiều khi nghĩ công việc vậy có đảm bảo cuộc sống không, đó là chưa kể việc phải làm ban đêm, công việc lao động vất vả, liệu có người con gái nào dám thương mình”, anh cười buồn.

cho dem Binh Dien
Hàng chục xe tải đậu trước chợ chờ dỡ hàng xuống, các công nhân tranh thủ vận chuyển hàng vào chợ. Ảnh: T.H
Ban đêm lao động cực nhọc, vất vả là thế, ban ngày cũng không ít người tranh thủ chút thời gian làm công việc khác như bán bánh mì, phụ vợ bán hủ tíu, đi bán cá viên chiên.
Như trường hợp của Lê Văn Hiền, anh cho biết công việc của anh cứ làm 9 tiếng đồng hồ thì được nghỉ 36 tiếng, tức ngày làm ngày nghỉ. Với công việc này thì anh có thể kiếm công việc làm ban ngày để có thêm thu nhập. Hiện anh tranh thủ bán mít vào buổi chiều tại khu vực huyện Bình Chánh.
Nghĩ về tương lai, Hiền tỏ ra đăm chiêu: “Nếu có gia đình có lẽ thu nhập này không đủ nuôi vợ con. Dù lương không tệ nhưng làm theo chế độ ngày làm ngày nghỉ khó mà đủ tiền trang trải cuộc sống. Những ngày nghỉ phải kiếm thêm việc để làm thì có lẽ sẽ đầy đủ hơn”.
Có những niềm vui nho nhỏ mà những công nhân ở đây chia sẻ cho chúng tôi, đó là thời gian được làm việc cùng anh em, cười giỡn tâm sự giải tỏa đi những căng thẳng trong cuộc sống, giúp anh em hiểu nhau hơn. Một niềm vui khác, đó là hầu như ca trực của các anh em luôn được nhận những quà của chủ vựa. Khi thì mớ rau củ, khi thì vài ký cá, nếu ở chợ trái cây thì được vài ký cây nhà lá vườn, gọi là tình cảm.
Nhọc nhằn, khó khăn là thế, công việc nào cũng tiềm ẩn những rủi ro tai nạn lao động. Công việc này cũng không ngoại lệ. Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Hữu Trọng, một công nhân bốc xếp đã bị cửa sau xe tải rớt xuống người do không gài khóa kỹ làm rách da mặt gần mắt trái phải đi khâu 4 mũi. Các công nhân ở đây cho biết chuyện trượt té là “bình thường ở huyện”, xảy ra thường xuyên, nhẹ thì trầy xước, nặng thì trặc tay chân, bong gân…
Tại chợ đêm Bình Điền, không chỉ thanh nên trai tráng đảm đương công việc vận chuyển nặng nhọc đêm hôm mà ở đây còn có cả những phụ nữ, tuy nhiên không thuộc diện chân yếu tay mềm.
Chúng tôi bắt gặp chị N.T.Thảo, 25 tuổi, quê ở Gò Công, Tiền Giang, phải nói là một trang nhan sắc. Chị cho biết làm tại đây đã 6 tháng, và khá quen với công việc nhưng vẫn còn rất mệt khi thức khuya, qua ngày hôm sau là ngủ li bì. Khó khăn nhất là lúc mới vào làm, không quen thức khuya, làm mà chỉ mong mau hết ca để về ngủ. Mất gần 2 tuần để quen với việc đêm làm ngày ngủ như thế này.
Câu chuyện đôi lúc phải dừng lại bởi tiếng ho ngắt quãng của chị Thảo, chị cho biết bị ho mấy ngày nay chưa khỏi, nhưng không đến nỗi nào nên chưa xin nghỉ. Tiếp tục công việc, Thảo lại ra kéo xe hàng cùng tiếng ho xa dần…
Đã gần 4 giờ sáng, xe tải các tỉnh về đã ít dần, thay vào đó là những chiếc xe loại nhỏ hơn, hoặc xe ba gác, xe gắn máy được để sát mép chợ lồng. Thời gian này hàng trong vựa đã bày ra tạm ổn, các công nhân chủ yếu vận chuyển hàng từ trong nhà lồng ra xe cho những người buôn sỉ.
Một buổi đêm gần kết thúc, trong thâm tâm, chúng tôi chỉ mong những con người này còn đủ năng lượng và sự tỉnh táo để làm nốt công việc và mong trời mau sáng để họ có giấc ngủ bình yên.

Thảo Hương - Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ đêm Bình Điền: “Ai thương tôi, nghề bốc xếp!”