Đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen và hành vi người tiêu dùng khiến việc việc trực tuyến, mua sắm online trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện nay, các sàn thương mại điện tử đã dần trở thành kênh bán hàng quan trọng đối với doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử đã đạt 5%, tăng 0,4% so với năm trước.
Trong quý 1/2020, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, lượng đơn hàng chăm sóc sức khỏe, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên 4 sàn giao dịch thương mại điện tử là Tiki, Sendo, Shopee và Lazada tăng bình quân 70%-80% so với cùng kỳ năm trước. Cá biệt mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay tăng đến 140% so với cùng kỳ. Số lượng đơn hàng thời trang, sản phẩm công nghệ, điện tử - vốn là những sản phẩm thường được mua sắm trực tuyến giảm trên 50%.
Về giá trị hàng hóa mua sắm trực tuyến, 2019 là năm thứ 5 liên tiếp người tiêu dùng TP.HCM gia tăng chi tiêu cho mua sắm trực tuyến. Tổng giá trị mua sắm trực tuyến năm 2019 đạt trung bình 5.620.000 đồng/hộ; tăng 13,2% so với năm 2018.
Đáng chú ý, các phương thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng có những thay đổi lớn. Tỉ lệ lựa chọn mua sắm trên website và ứng dụng (apps) giảm. Thay vào đó, tỉ lệ chọn lựa mua sắm trên diễn đàn, mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng cao.
Cụ thể, mua sắm trên diễn đàn, mạng xã hội năm 2019 đạt 66,5%, tăng 5,1% so với năm 2018. Mua sắm trên sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2019 đạt mức 66,7%, tăng 9,1% so với năm 2018. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng chi tiêu trực tuyến giai đoạn từ năm 2015 đến nay đạt bình quân 12,2%/năm.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có nhiều chuyển đổi sau bùng phát của đại dịch COVID-19. Các thương hiệu và nhà bán hàng trong khu vực đang đẩy mạnh việc ứng dụng số hóa trong mọi hoạt động và thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng quan trọng giúp họ duy trì việc vận hành, phát triển hoạt động kinh doanh. Cũng trong thời điểm này, càng có nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến các mặt hàng từ nhu yếu phẩm cho đến đồ dùng trong gia đình.
Còn ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) thông tin, chỉ trong dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, nhiều điểm bán lẻ thuộc Saigon Co.op nhận được đơn đơn đặt hàng qua điện thoại và Zalo dồn dập.
Nhờ đó, doanh số của hệ thống siêu thị này đã tăng trung bình hơn 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Điều này cho thấy người tiêu dùng đã bắt đầu quen với dịch vụ mua sắm trực tuyến của siêu thị triển khai trong thời gian qua.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan nói rằng doanh nghiệp này đã hợp tác với Sendo - một trong những trang thương mại điện tử tại Việt Nam để phân phối sản phẩm đến với khách hàng qua kênh thương mại điện tử. Nhờ đó, khách hàng có thể lựa chọn mua sắm với hơn 300 sản phẩm của VISSAN, gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến và gia vị trên Sendo dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi và minh bạch.
Đáng chú ý, mặc dù mua sắm qua online trở thành trào lưu mới, tuy nhiên chính yếu tố trực tuyến đang tạo ra những thách thức cho cơ quan kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy tính đến cuối tháng 3.2020, Bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử xử lý gần 16.200 gian hàng và gần 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.
Bình quân mỗi năm, Bộ Công Thương tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; trong đó trên 50% liên quan đến các giao dịch trực tuyến. Các khiếu nại này chủ yếu về chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ...
Phan Diệu