Theo nhận định của Bộ NN-PTNT tại hội nghị khẩn cấp về phòng chống hạn-mặn (tại TP.Cần Thơ ngày 17.2), hạn, mặn có thể kéo dài đến tận tháng 7 tới, sẽ gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, người dân nhiều nơi sẽ thiếu nước ngọt… 

Chống hạn, mặn cho ĐBSCL quyết liệt, khẩn trương hơn là cứu binh

Một Thế Giới | 18/02/2016, 17:18

 Theo nhận định của Bộ NN-PTNT tại hội nghị khẩn cấp về phòng chống hạn-mặn (tại TP.Cần Thơ ngày 17.2), hạn, mặn có thể kéo dài đến tận tháng 7 tới, sẽ gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, người dân nhiều nơi sẽ thiếu nước ngọt… 

Lường trước, nhưng hạn mặn vẫn hoành hành

GS-TS Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho biết: “Lường trước diễn biến phức tạp của thời tiết mùa khô năm 2015-2016, từ tháng 10.2015, Bộ NN-PTNT đã có 2 văn bản khẩn cấp thông báo cho các địa phương năm nay độ mặn sẽ đến sớm, sâu và kéo dài tới tháng 7, độ mặn sâu nhất có thể đến ăn sâu vào nội đồng từ 60 đến 65km”…

Tuy nhiên, dù ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã khuyến cáo các xã nằm trong đê bao Long Phú - Tiếp Nhựt như Tân Hưng, Tân Thạnh, Long Phú, Long Đức, thị trấn Long Phú không nên xuống giống vụ 3 (xuân hè) để giảm thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra nhưng theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Long Phú, vụ xuân hè năm nay diện tích lúa được gieo sạ trong khu vực đê bao lên đến khoảng 2.000ha (cả huyện khoảng 5.300ha).

Việc nhiều hộ dân xuống giống bất chấp khuyến cáo dẫn đến có gần 80ha lúa bị bỏ hoang, xuất hiện nhiều diện tích lúa bị vàng lá… Ông Lâm Hoàng Minh ấp 4, thị trấn Long Phú những ngày qua đứng ngồi không yên khi gia đình ông có gần 60 công lúa sản xuất trong vụ 3, do hạn mặn nên đã có 30 công bị bỏ hoang khi lúa được 40 ngày tuổi, hiện còn 30 công gia đình ông ngày đêm canh nước ngọt để kịp đưa vào ruộng cứu lúa.

Ông Minh than thở: “Không ngờ năm nay hạn đến gay gắt và kéo dài lâu vậy, đúng là không biết đâu mà lần. Ngành nông nghiệp có khuyến cáo, nhưng thời tiết thất thường biết đâu, làm đại ai ngờ năm nay coi như trắng tay”.

han man, hon 1.000 ty dong, khoc liet, Chinh phu Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát tuyến đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ (Hậu Giang)
Trước những thiệt hại nặng nề do hạn, mặn gây ra thời gian qua, trong hội nghị khẩn cấp về phòng chống hạn, mặn tại TP.Cần Thơ ngày 17.2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phải thốt lên rằng: “Nếu chỉ tính 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau thôi thì đã có 54.000ha lúa bị thiệt hại, nghĩa là mất hơn 200.000 tấn lúa và nếu tính với giá lúa hiện nay thì nông dân đã mất trắng hơn 1.000 tỉ đồng”.

Hiện nay, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp khá nghiêm trọng. Vụ lúa đông xuân 2015-2016 ở ĐBSCL đã bị ảnh hưởng do hạn, mặn nặng là 104.000ha, chiếm 6,7% diện tích xuống giống, trong đó các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng đến 11% . Ở Kiên Giang, diện tích bị hạn mặn trên đất lúa tôm bị ảnh hưởng 57.899ha, trong đó thiệt hại trực tiếp trên 30.000ha.

Cây công nghiệp, cây ăn quả tại Vĩnh Long năm nay lần đầu tiên bị mặn xâm nhập làm ảnh hưởng nhiều. Rất nhiều khu vườn, cây cối xuất hiện tình trạng rũ lá, còi cọc. Ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, độ mặn có nơi đạt trên 3 phần ngàn!

Hạn mặn còn kéo dài

Bộ NN-PTNT nhận định mùa khô 2015 - 2016 xâm nhập mặn sớm, sâu và khả năng kéo dài. Bộ cũng khuyến cáo: Một số vùng cần đặc biệt chú ý như vùng Gò Công (Tiền Giang); Trà Vinh; vùng Long Phú - Tiếp Nhật, Đại Ngãi, vùng ranh Sóc Trăng (Sóc Trăng); Bạc Liêu (bán đảo Cà Mau) xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 5 và tháng 6 tới, mực nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn rất nhiều so với các năm qua. Các thành phố như Bến Tre, Trà Vinh, Rạch Giá, Vị Thanh có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt…

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng lo lắng khi hạn, mặn tấn công dữ dội. Ông cho rằng chống hạn, mặn cần quyết liệt hơn “cứu binh”. Ông Chánh cho biết: “Thị xã Ngã Bảy từ bao đời nay vẫn ngọt nhưng năm nay bị mặn xâm nhập. Đã có 400ha lúa của tỉnh bị thiệt hại. Tỉnh ủy đã có chỉ thị phòng chống hạn, mặn từ trước Tết và tất cả các ngành đã vào cuộc. Nếu không phòng chống quyết liệt, việc khắc phục hậu quả của hạn, mặn xâm nhập sẽ mất đi khoảng 10 năm. Chống hạn, mặn quyết liệt hơn cứu binh. Trong tình hình khẩn cấp, tỉnh sẽ chỉ đạo cho khoan 6 cây nước ngầm và dừng lại ngay khi có đủ nước trở lại. Hậu Giang kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT tiếp tục cho thi công 30km đê bao ngăn mặn vùng Vị Thanh - Long Mỹ...”.

Khẩn trương cứu lúa, không để người dân thiếu nước ngọt.

Cũng tại hội nghị về phòng chống hạn mặn, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tỏ vẻ ngao ngán khi chưa năm nào mà hạn mặn lại hoành hành quyết liệt như mùa khô này. Độ mặn cao hơn cùng kỳ, tiếp tục lấn sâu từ tháng 10.2015 đến nay.

Tỉnh Kiên Giang đã kịp thời chỉ đạo đóng hệ thống cống ven biển Tây; đắp 82 đập ngăn mặn kinh phí gần 20 tỉ đồng, tiến hành nạo vét kênh mương. Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai một lúc nhiều hạng mục công trình chống hạn mặn kết hợp với thay đổi lịch thời vụ xuống giống sao cho phù hợp và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân và ven biển, hải đảo; đồng thời cũng đã xuất ngân sách hỗ trợ người dân mua lu, bồn chứa nước sinh hoạt, có kế hoạch trữ nước từ ban đầu.

Ông Nhịn kiến nghị: “Chính phủ nên có chương trình dài hơi hơn cho kế hoạch ngăn chặn xâm nhập mặn; nhanh chóng bố trí vốn cho đê biển An Biên, An Minh, một số cống khu vực Rạch Giá cũng cần được đầu tư thêm vốn để xây dựng thêm các cửa ngăn mặn vào vùng tứ giác Long Xuyên”.

Chong han, man cho DBSCL quyet liet, khan truong hon la cuu binh-hinh-anh-1 
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lo lắng tình xâm nhập mặn ở Hậu Giang
Còn ở Cà Mau, theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, nguy cơ cháy rừng rất cao do hạn hán. Mực nước trung bình hiện đã giảm hơn 0,3m, thời gian tới nếu khô hạn kéo dài, nắng nóng, nguy cơ cháy rừng rất cao. Hiện tỉnh đã phê duyệt phương án phòng chống cháy rừng cho khu vực U Minh Hạ, triển khai các lực lượng thường xuyên kiểm tra các bộ phận cảnh giác phòng chống cháy rừng.Tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ đầu tư nạo vét hệ thống kinh rạch trong rừng để trữ nước mùa mưa, hỗ trợ xây dựng hồ chứa nước trong quy hoạch đối với vùng rừng U Minh Hạ; kiến nghị các bộ ngành xem xét hỗ trợ cho Cà Mau quy hoạch lại sản xuất cho vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp…

Chính phủ khẩn trương hỗ trợ

Tại hội nghị hôm 17.2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Bộ NN-PTNT cần phối hợp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL rà soát lại lịch thời vụ, chủ động dự báo cho các địa phương và nhân dân để đối phó và bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra.

Những giải pháp mà các địa phương đưa ra cần phải hành động ngay vì đây là thiên tai. Cần gia cố cống bọng, nạo vét kênh mương những nơi có thể làm được. Trước mắt phải đảm bảo dân có đủ nước ngọt để sống và phục vụ tưới tiêu, sản xuất. Chính phủ sẽ xem xét ưu tiên 2.300 tỉ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho ĐBSCL phòng chống hạn, mặn, cũng như vốn ODA”.

Trước mắt, Bộ Tài chính và các địa phương hỗ trợ ngay những hộ dân bị thiệt hại từ 70% trở lên, với mức theo quy định là 2 triệu đồng/ha. Nhanh chóng hoàn thiện các công trình ứng phó nhanh như đập, trạm bơm, nạo vét kênh, khoan giếng để làm thế nào đảm bảo nguồn nước cho dân sử dụng.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp ngắn hạn, trung hạn kịp thời nhưng có lộ trình dài hạn, dài hơi, bình tỉnh xử lý các tình huống thiên tai gây ra. Sử dụng ngân sách hiệu quả kịp thời, đặc biệt huy động hệ thống chính trị vào cuộc, dân phải vào cuộc, dân phải được tuyền truyền một cách rộng rãi, cụ thể để có cách ứng phó.

Đặc biệt phải chủ động dự báo và làm tốt công tác thông tin truyền thông cho nhân dân không để người dân hoang mang…

Minh Hạnh

Bài liên quan
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống hạn, mặn cho ĐBSCL quyết liệt, khẩn trương hơn là cứu binh