Ngày 14.2, tức sau 10 ngày cá nuôi bè ở trên đoạn sông Cái Vừng thuộc 2 huyện Phú Tân (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) xảy ra chết hàng loạt, cảnh đìu hiu ở làng bè vẫn còn đó. Chưa ai dám thả cá giống nuôi trở lại vì nguồn nước nghi đang bị nhiễm độc.

Chủ hộ nuôi cá đau đớn nhìn cá bè chết hàng loạt

Một Thế Giới | 16/02/2016, 14:17

Ngày 14.2, tức sau 10 ngày cá nuôi bè ở trên đoạn sông Cái Vừng thuộc 2 huyện Phú Tân (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) xảy ra chết hàng loạt, cảnh đìu hiu ở làng bè vẫn còn đó. Chưa ai dám thả cá giống nuôi trở lại vì nguồn nước nghi đang bị nhiễm độc.

“Điều người dân mong mỏi nhất hiện giờ là cần tìm ra thủ phạm gây chết cá. Bởi ngoài thiệt hại nặng nề về tài sản, đây còn là nguồn nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân sống ven sông Cái Vừng. Nếu không cắt nguồn đầu độc dòng sông thì nguy cơ dịch bệnh trở thành vấn đề nghiêm trọng”, đại diện một hộ nuôi cá nói.
Hàng loạt bè cá chết nên đón tết đìu hiu

Do cá chết trắng bè xảy ra trong 3 ngày 4,5 và 6.2 (nhằm ngày 28,29 và 30 tết), nên nhiều người nuôi cho biết, họ chỉ lo tất bật cứu cá, không đón được cái tết như năm nào. 

Ông Nguyễn Văn Nhàn (54 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) kể, ông nuôi cá bè ở gần bến đò số 10. Lúc 1 giờ sáng 4.2, ông phát hiện các bè nuôi cá gần bè mình ở khu vực từ bến đò số 10 đến bến đò số 11 dài chừng 1km bị nổi đầu.
ca be chet hang loat  Cá chết trắng bè
Nhiều người đã cho bơm khí ô xy, rồi chạy máy đạp nước tạo dòng chảy. Tuy nhiên, chỉ 4 tiếng đồng hồ sau thì cá ở nhiều bè nuôi chết hàng loạt và… chết sạch. Đến khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau (5.2), ông Nhàn phát hiện con nước lớn chảy ngược từ bến đò số 11 dài lên bến đò số 10 thì cá nuôi trong bè mình nổi đầu, thoi thóp. Ông tức tốc huy động khoảng 30 nhân công cho bơm ôxy vì nghĩ cá bị thiếu ô xy. Nhưng cũng chỉ đến 5-6 giờ sáng cùng ngày là 40 tấn cá lăng nha của ông nuôi trong 5 bè chết sạch.

“Cá chết vô cùng đột ngột và gây sửng sốt cho tôi cùng nhiều người nuôi bè ở đây. Làm như có luồng nước độc ở dưới dòng sông, hễ chảy tới đâu là cá chết sạch tới đó. Tôi nuôi cá bè 22 năm nay, nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh cá chết đột ngột và kinh hoàng như vậy. Tui bị thiệt hại từ cá chết khoảng 5 tỷ đồng. Nhiều người đã khóc ròng, ngất xỉu tại bè khi chứng kiến cảnh tài sản của mình đột nhiên mất sạch”, ông Nhàn kể.

Còn ông Trần Văn Dũng (59 tuổi, nuôi 3 bè với khoảng 45 tấn cá rô phi ở gần bến đò số 11 trên sông Cái Vừng, bờ thuộc ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) kể, khi phát hiện cá có biểu hiện lạ, ông cũng cho nhiều máy sục khí ôxy và đạp nước để cứu cá. Bởi kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, cá nổi đầu không mang mầm bệnh gì thường là do thiếu ôxy. Sau khi bơm sục khí, bơm đạp tạo dòng chảy ông thấy còn rất ít cá nổi đầu, nghĩ là cá đã khỏe, trầm xuống đáy bè.

ca be chet hang loat
Có nơi tận dụng cá chết làm khô, nơi đổ xuống sông Cái Vừng bỏ, nơi thu gom lên bờ chôn cá chết.
Nhưng không ngờ, đến 5 giờ sáng cùng ngày, con trai ông Dũng lặn xuống đáy bè kiểm tra, phát hiện cá đã chết xấp lớp ở dưới đáy bè. “Phát hiện cảnh này con trai tui tính nằm lại dưới đáy bè tự vẫn chết theo bầy cá. Bao nhiêu tài sản dồn vô đây, trong vài tiếng đồng hồ đã trắng tay. Cá chết hết sức đột ngột và không hề có biểu hiện bệnh gì hết. Khi chết, con cá vẫn còn nguyên, không bị nổ mắt, đỏ mang, hay tuột nhớt gì”, ông nói.
Toàn bộ 45 tấn cá của ông Dũng nuôi đều chết sạch, ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. “Tui quả quyết cá bè của tui và bà con ở đây chết là do bị ngộ độc hóa chất”, ông Dũng nói.

Theo thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng, chỉ trong 3 ngày 4, 5 và 6.2, đã có khoảng 1.300 tấn cá nuôi trong các lồng bè trên sông Cái Vừng, nằm giữa huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và huyện Phú Tân, tỉnh An Giang chết hàng loạt. Ở huyện Phú Tân có gần 700 tấn cá ở 130 bè nuôi bị chết. Còn ở huyện Hồng Ngự có hơn 600 tấn cá ở 89 bè nuôi bị chết. Ước tổng thiệt hại lên khoảng 40 tỷ đồng. Các loại cá nuôi bị chết gồm: he, lăng nha, mè vinh, chình, rô phi…

Ai thải chất độc làm chết cá?

Theo nhiều hộ dân có cá nuôi lòng bè bị chết cho biết, toàn bộ cá chết đều có biểu hiện giống nhau, nổi đầu rồi đột ngột chết, mà không để lại triệu chứng bệnh. Đoạn sông Cái Vừng từ bến đò số 10 đến bến đò số 18 là có cá nuôi lòng bè và cả cá lăng nha, lươn, cá lưỡi trâu… ngoài tự nhiên chết. Còn lại các đoạn khác của con sông này thì các lòng bè nuôi cá khác bình an vô sự.

Từ đó, bà con ngư dân nghi ngờ hiện tượng cá chết hàng loạt và đột ngột, gây thiệt hại nặng nè này là do chất độc hiện diện trong nước gây ra. Trên đoạn sông có cá chết hàng loạt chỉ có vài cơ sở xay xát lúa gạo, không thải nước ra môi trường. Chỉ có duy nhất nhà máy chế biến gạo của Công ty CP Toàn Cầu đóng gần bến đò số 11 (thuộc xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, An Giang) là nơi có xả nước thải ra sông Cái Vừng.

ca be chet hang loat  

Những bồn chứa chế biến gạo đồ của Công ty CP Toàn Cầu, nơi nhiều ngư dân nghi ngờ xả thải chất độc giết cá hàng loạt

Do đó, nghi vấn số 1 của người dân nuôi cá là chỗ công ty này. Họ nghi ngờ quá trình chế biến gạo đồ của công ty đã xả ra nước thải mang theo hóa chất độc hại, hoặc quá trình xúc rửa bồn nấu để chế biến gạo đồ xả ra sông chất độc khiến cá bè trên đoạn sông gần công ty này chết sạch.

Cũng theo nhiều người dân bị thiệt hại, hầu hết hộ nuôi cá lòng bè bị thiệt 100%. Chỉ vài hộ kịp kéo bè ra khỏi vùng có luồng nước độc thì vớt vát chút đỉnh cá còn sống. Nhiều hộ mất trắng tài sản và có người đòi tự vẫn khi tài sản mất sạch còn lâm nợ tiền thức ăn và ngân hàng. Do đó, nhiều bà con kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép khoanh nợ ngân hàng không tính lãi. Đặc biệt là kiến nghị cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ coi nơi nào là thủ phạm gây ra cảnh cá chết này.

“Điều ngư dân mong mỏi nhất hiện giờ là cần tìm ra thủ phạm gây chết cá. Bởi ngoài thiệt hại nặng nề về tài sản, đây còn là nguồn nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân sống ven sông Cái Vừng. Nếu không cắt nguồn đầu độc dòng sông, nguy cơ dịch bệnh trở thành vấn đề nghiêm trọng”, anh Nguyễn Thanh Ngân (46 tuổi, ngụ ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (người thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng do cá chết), nói.

ca be chet hang loat  

Làng bè trên sông Cái Vừng trở nên vắng lặng, đìu hiu

Theo kết quả phân tích các mẩu nước lấy tại nơi có cá chết hàng loạt trên sông Cái Vừng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho thấy, trong nước có chứa các hóa chất có gốc nitric (NO2)- vượt mức trung bình 2,6-11 lần, gốc phosphat (PO4)- vượt 1,6 lần. Còn hàm lượng oxy hòa tan (DO) thì thấp hơn mức trung bình 1,5 lần…

“Những chất có gốc (NO2)-, (PO4)- không thể tự có trong môi trường nước sông, mà do con người đưa vào. Chúng có ở trong khá nhiều hóa chất công nghiệp. Quá trình chế biến một số sản phẩm có tinh bột cũng sản sinh ra một số chất này với số lượng lớn. Với nước sông có thành phần như thế thì cá không thể sống được”, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang đánh giá.

Như vậy, rõ ràng là trong nguồn nước ở các lồng bè xảy ra cá chết hàng loạt có chứa hóa chất giết cá hàng loạt. Và hóa chất ấy cũng không tự dưng tồn tại trong môi trường nước sông. Vậy ai, hay nơi nào xả thải ra những chất này? 
Sự vụ đang được các cơ quan chức năng tỉnh An Giang điều tra, làm rõ.
Thanh Vĩnh
Bài liên quan
Đồng Nai: Công an vào cuộc vụ 200 tấn cá chết nổi trắng hồ Sông Mây
Ngày 29.4, Công an huyện Trảng Bom cho biết đơn vị đã vào cuộc xác minh, làm rõ vụ 200 tấn cá chết nổi trắng hồ Sông Mây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ hộ nuôi cá đau đớn nhìn cá bè chết hàng loạt