“Chúng tôi quan ngại vai trò rất lớn của điện than vẫn được tiếp tục duy trì trong dự thảo của Tổng sơ đồ Điện 8. Việc này sẽ gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe của người dân”, bà Virginia B. Foote nói.

Chủ tịch AmCham: Điện than gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân

Lam Thanh | 22/12/2020, 10:42

“Chúng tôi quan ngại vai trò rất lớn của điện than vẫn được tiếp tục duy trì trong dự thảo của Tổng sơ đồ Điện 8. Việc này sẽ gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe của người dân”, bà Virginia B. Foote nói.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 với chủ đề "Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới" đã khai mạc vào sáng 22.12 tại Hà Nội.

dien-than.jpg
Nhiệt điện than gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người

Điện than sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân

Bà Virginia B. Foote Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) ghi nhận thành công hiếm có của Việt Nam trong việc ứng phó với COVID-19 và bày tỏ lạc quan rằng năm 2020 sẽ kết thúc tốt đẹp, tạo tiền đề cho một năm 2021 thật vững chắc.

Bà Virginia B. Foote cho biết rất ủng hộ là các kế hoạch tương lai về một môi trường và năng lượng sạch hơn.

“Chúng tôi quan ngại rằng vai trò rất lớn của điện than vẫn được tiếp tục duy trì trong các dự thảo của Tổng sơ đồ Điện 8. Việc này sẽ gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe của người dân khi than hiện là một công nghệ dư thừa và tốn kém”, bà Virginia B. Foote nói.

Theo đó, thay vì xây dựng các nhà máy than, đại diện thương mại Mỹ khuyến nghị xem xét năng lượng tái tạo và cải thiện các thủ tục để chào đón đầu tư nước ngoài và trong nước vào năng lượng tái tạo, truyền tải, LNG và khí đốt ngoài khơi.

“Đặc biệt, chúng tôi đề nghị Chính Phủ xem xét việc giảm gánh nặng thuế - hiện đang ở mức rất cao - đối với việc phát triển dự trữ khí đốt ngoài khơi vốn đã chiếm tới 50-60% đối với nguồn tài nguyên của bạn. Việc cân bằng thuế đối với LNG và nước ngoài, đồng thời cung cấp các ưu đãi về thuế và thuế quan đối với năng lượng mặt trời, gió và sinh khối có thể giúp tạo ra sự khác biệt”, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ nói.

Ngoài ra, các DN Mỹ cũng cho biết họ mong muốn sớm ký kết và thực hiện các điều khoản của Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp có thể giúp xanh hóa chuỗi cung ứng; hợp tác để xây dựng ngành công nghiệp tái chế theo Luật Môi trường mới để giúp làm sạch các tuyến đường thủy và thành phố của Việt Nam, đồng thời thu hút việc làm mới.

Các DN Nhật Bản cũng cho rằng từ quan điểm bảo vệ môi trường, LNG và năng lượng tái tạo đang thu hút sự chú ý vì đây là loại năng lượng ít gây tác động xấu tới môi trường.

DN Nhật Bản đề xuất, để sử dụng LNG, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng bao gồm kho tiếp nhận và thiết bị chứa LNG nhập khẩu, đường ống dẫn khí đến nơi sử dụng, máy phát điện… là vô cùng cấp bách.

Chính phủ sẽ nhanh chóng xúc tiến hoàn thiện cơ sở hạ tầng này dựa trên Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp khí (ban hành năm 2017) và thấu hiểu tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng vay vốn ngân hàng giống như nội dung được nghị luận về phương thức đối tác công tư (PPP) khi phát triển các dự án phát điện bằng LNG.

Phía Nhật cũng mong Chính phủ xem xét duy trì và kiện toàn Chính sách Feed-in Tariff (Biểu giá điện hỗ trợ) phù hợp hơn; hoàn thiện hợp đồng mua điện giúp nhà đầu tư dễ dàng vay vốn ngân hàng hơn; rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục khi bổ sung dự án; áp dụng ưu đãi cho công ty và nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo…

“Chúng tôi cho rằng nhiệt điện than vẫn tiếp tục là nguồn điện cơ bản quan trọng ở Việt Nam. Bên cạnh các biện pháp bảo vệ môi trường bằng cách nâng cao hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện than hiện có và lắp đặt thêm các thiết bị bảo vệ môi trường. Chính phủ cần xem xét việc xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ mới nhất bở lẽ đây cũng là một biện pháp quan trọng để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định và giá rẻ”, Hiệp hội DN Nhật Bản nêu.

DN Hàn Quốc đề nghị phát triển điện hạt nhân

Theo Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, nguồn cung cấp điện ổn định là vấn đề quan trọng mà Chính phủ Việt Nam cần xem xét.

“Tôi được biết Bộ Công Thương hiện đang chuẩn bị xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia (Quy hoạch Điện 8) (2021-2030), là quy hoạch cung cấp điện trung và dài hạn. Việc mở rộng các nguồn năng lượng mới và tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời sẽ là ưu tiên hàng đầu mà chính phủ Việt Nam theo đuổi, và chúng ta đều nhất trí với nghị trình này.

Tôi hiểu rằng các nhà máy điện chịu tải chính trong lưới điện với năng lực sản xuất điện ổn định không bị gián đoạn đóng vai trò thiết yếu đối với Quy hoạch này. Để hướng đến mục tiêu này, hiện nay là thời điểm vô cùng thích hợp để Việt Nam cân nhắc phát triển điện hạt nhân, vốn đã bị ngưng lại trước đây trong quy hoạch trung - dài hạn.

Tôi rất tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam để cung cấp điện ổn định trong tương lai vì Hàn Quốc đã có rất nhiều kinh nghiệm và bí quyết trong hoạt động sản xuất của nhà máy điện hạt nhân”, Đại diện DN Hàn Quốc nói.

Cần xem xét kỹ lưỡng nghị định về an ninh mạng

Hiệp hội thương mại Mỹ cũng kiến nghị cần thúc đẩy chính phủ điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, công nghệ tài chính, điện toán đám mây quy mô lớn, giảm tải lượng giấy và tiền mặt trong tất cả hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, thiết lập những chính sách cho phép việc sử dụng ví di động và những hệ thống thanh toán điện tử khác có thể giúp thúc đẩy thương mại điện tử hiệu quả hơn và giảm thiểu nguy cơ tham nhũng gian lận.

“Khoảng thời gian giãn cách xã hội đã cho thấy rằng sử dụng hệ thống điện tử tiết kiệm thời gian và tiền bạc một cách rõ ràng. Đẩy nhanh việc thực hiện những mục tiêu kinh tế số này có thể giảm thiểu chi phí hành chính và gánh nặng về thời gian cho cả nhà nước và các doanh nghiệp về mặt lâu dài”, đại diện thương mại Mỹ cho hay.

Bà Virginia B. Foote cũng cho rằng một nền an ninh mạng tốt là xương sống của các hệ thống điện tử. Mặc dù luật nhằm điều chỉnh những khác biệt giữa các nền tảng, tuy nhiên do tính chất phát triển nhanh và không ngừng của ngành kĩ thuật số, các quy định nên được viết theo cách trung lập về công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản hơn là tập trung vào các công nghệ hiện có hoặc sửa chữa những lỗi kỹ thuật cụ thể.

“Cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ quan ngại đến dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng mới đây. Đặc biệt là điều khoản yêu cầu các tổ chức trong nước bắt buộc phải tự động lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam trong khi các công ty nước ngoài sẽ phải làm như vậy nếu họ không tuân đầy đủ quy trình thực thi pháp luật 3 bước trong nghị định.

Đề xuất mới này thực sự là một bước thụt lùi đáng kể bởi nó chia rẽ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước và sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển trong thời gian tới của hệ sinh thái kỹ thuật số ở Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng như các công ty khởi nghiệp nhỏ đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ số nước ngoài cho các dịch vụ thiết yếu về dữ liệu - yêu cầu mới này sẽ khiến các công ty trong nước không thể sử dụng các dịch vụ nước ngoài mà họ đang sử dụng hợp pháp và hiệu quả”, Hiệp hội thương mại Mỹ nêu.

Theo đó, bản dự thảo Nghị định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các công ty cả trong nước lẫn ngoài nước và các dịch vụ các công ty đang sử dụng để thúc đẩy lợi ích kinh tế của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng kiến nghị rằng họ cần có một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, không khó dự đoán và tinh gọn, ưu tiên cho sự đổi mới trong kinh doanh.

Theo đó, một khung pháp lý quá máy móc, thủ tục hành chính rườm rà có thể phát sinh thêm các cơ hội "trục lợi” và những khoản phí phát sinh bất hợp pháp. Ngược lại thì những thủ tục hành chính hợp lý có thể khuyến khích, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và phục hồi nền kinh tế.

Cũng theo bà Virginia B. Foote, hệ thống thuế còn nhiều gánh nặng về thủ tục hành chính. Rất nhiều công ty dường như đang phải chịu đựng những đánh giá kiểm toán không công bằng và thiếu minh bạch cùng các mức phạt và lãi suất.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có những cải thiện thực sự về Thỏa thuận định giá trước (APA), tạo ra sự ổn định và khả năng dự đoán cần thiết để tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Virginia B. Foote nói.

Bài liên quan
Trung Quốc: nhà xuất khẩu lớn nhất công nghệ nhiệt điện than có nguy cơ gây ô nhiễm
Trung Quốc hiện đang là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ liên quan đến tiêu thụ than đá, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Quá nửa trong số đó là các dự án sử dụng công nghệ cũ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch AmCham: Điện than gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân