Từng một thời sở hữu rất nhiều đội bóng danh tiếng, nhưng bây giờ Sài Gòn đã trở thành vùng trắng trên bản đồ V-League, khiến cho CĐV Sài Gòn vào mỗi cuối tuần phải lặn lội đi xuống các tỉnh lân cận như Long An hay Bình Dương.

Chủ tịch Hội CĐV bóng đá Việt Nam: Buồn lắm bóng đá Sài Gòn!

Một Thế Giới | 29/01/2015, 11:09

Từng một thời sở hữu rất nhiều đội bóng danh tiếng, nhưng bây giờ Sài Gòn đã trở thành vùng trắng trên bản đồ V-League, khiến cho CĐV Sài Gòn vào mỗi cuối tuần phải lặn lội đi xuống các tỉnh lân cận như Long An hay Bình Dương.

Chia sẻ của ông Trần Hữu Nghĩa, một trong những CĐV nổi tiếng của bóng đá Sài Gòn, cũng chính là nỗi niềm của đông đảo người hâm mộ bóng đá TP.HCM.

Ông Nghĩa nói: “Sau năm 1975, các đội bóng mạnh nhất quốc gia ở Sài Gòn có rất nhiều. Nhiều CĐV yêu bóng đá, trong đó có tôi, không thể quên được những trận so tài đỉnh cao giữa các đội Cảng Sài Gòn, Công nghiệp Thực phẩm, Hải quan, Sở Công nghiệp... Nhiều CLB làm mưa làm gió ở giải vô địch toàn quốc, các trận đấu luôn đông kín khán giả đến sân.

SVĐ Thống Nhất là điểm hẹn yêu thích của hàng ngàn người yêu bóng đá Sài Gòn. Trước mỗi trận đấu diễn ra, bà con háo hức trước đó cả tuần liền.

Mua được vé vào sân cũng là một vấn đề rồi. Được vào sân, bà con hò hét cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích rất cuồng nhiệt. Với các cầu thủ, họ cũng có cảm giác sung sướng khi được thi đấu trên SVĐ Thống Nhất lúc nào cũng đông khán giả.

Cùng với sân Thống Nhất, SVĐ Biên Hòa (Đồng Nai) bây giờ cũng là 1 trong 2 sân đẹp nhất miền Nam, được nhiều cầu thủ giỏi đến để so tài.

Trong ký ức của tôi, bóng đá Sài Gòn ngày xưa là những ngày tháng đẹp đẽ không thể nào quên. Và đem so sánh với thực tại, tôi rất buồn khi giờ đây bóng đá Sài Gòn không khác nào một vùng trắng.

Trước đây, khi CLB Cảng Sài Gòn bị đổi tên thành CLB Bóng đá TP.HCM cũng đã bị nhiều người phản đối. Rốt cuộc CLB đó cũng giải tán. Rồi những đội bóng như N.Sài Gòn, XMXT.Sài Gòn... tìm đến địa phương này lấy lý do vực dậy bóng đá Sài Gòn. Nhưng mục đích sâu xa của những ông bầu đó đến nay có lẽ ai cũng đã rõ. Họ làm bóng đá không có cái gốc rễ, không có cái tâm mà vì những lợi ích toan tính khác nên cuối cùng, bóng đá Sài Gòn không hề được hưởng lợi lộc gì.

Tôi đi những tỉnh lẻ khác xem mô hình hoạt động của họ cũng đã hơn đứt bóng đá Sài Gòn bây giờ. Chẳng hạn như Bến Tre, dù nghèo nhưng các HLV ở đây làm việc nghiêm túc, có tâm huyết.

Bến Tre không có tiền đầu tư nhưng họ vẫn góp mặt ở các giải đấu hạng thấp. Còn bóng đá Sài Gòn bây giờ có thấy cầu thủ tiềm năng nào đóng góp cho bóng đá Việt Nam đâu, dù cũng có đơn vị đầu tư.

Nói chuyện với các cựu tuyển thủ lừng lẫy một thời của bóng đá Sài Gòn, họ cũng ngao ngán với thực trạng bóng đá ở thành phố bây giờ. Một địa phương có nền kinh tế lớn nhất đất nước mà không có nổi CLB đá ở giải đấu cao nhất phục vụ bà con có lẽ rất ngược đời.

Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM hiện nay là ông Trần Anh Tú, người rất đam mê futsal. Ông Tú có công không nhỏ với bóng đá Sài Gòn, nhưng chỉ mình ông dường như không thể vực dậy nổi phong trào bóng đá TP.HCM.

Người dân Sài Gòn vẫn rất đam mê bóng đá. Cũng như tôi, nhiều CĐV sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc và công sức để cuối tuần đi đến các sân bóng địa phương gần TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thậm chí Gia Lai để xem một trận bóng đá.

Những giải đấu ở TP.HCM vẫn thu hút người xem khá đông. Sau những cú sốc gần nhất về việc nhiều CLB giải tán, V-League thiếu chuyên nghiệp, niềm tin của CĐV với bóng đá Việt Nam giảm sút.

Nhưng nếu người ta làm bóng đá vì cái tâm, người Sài Gòn sẽ không quay lưng với đội bóng đứng trên địa bàn của mình. Tôi thấy gần đây ngoài miền Bắc đang khôi phục đội bóng Thể Công dưới tên mới là Viettel thì tại sao ở Sài Gòn, người ta không nghĩ đến chuyện tương tự với trường hợp Cảng Sài Gòn”?

Cô Nguyễn Thị Phương (quận Phú Nhuận – TP.HCM)

“Những năm 1990, thời còn đi học, tôi có quen một anh bạn làm trong SVĐ Thống Nhất. Có trận bóng nào, tôi cũng nhờ anh ấy mua vé để được vào sân. Với tôi, những trận đấu bóng đá thời đó mang một xúc cảm rất đặc biệt, không thể nào quên.

Đội bóng tôi yêu thích nhất là Cảng Sài Gòn. Trận nào đội bóng thi đấu, CĐV cũng đến sân đông nghẹt. Cùng mọi người, tôi cổ vũ hò hét đến khản tiếng. Dưới sân, các anh ấy đá cũng rất nhiệt tình. Bóng đá thời ấy nghèo khó nhưng tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, chân thành, đam mê của các cầu thủ.

Đó là sự khác biệt lớn nhất mà tôi cảm nhận được khi so sánh với bóng đá thời bây giờ. Bóng đá bây giờ thực dụng hơn, cầu thủ chạy theo vật chất nhiều hơn nên cũng làm mất đi sự hấp dẫn trong mắt khán giả.

Từng có một thời oanh liệt nhưng việc bây giờ bóng đá Sài Gòn không còn một cái tên dự giải VĐQG có thể xem là nỗi thất vọng lớn với người dân Sài Gòn.

Việt Hà (Thể thao & Văn hóa)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Hội CĐV bóng đá Việt Nam: Buồn lắm bóng đá Sài Gòn!