Ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) xác nhận đã ký các văn bản nói trên, đồng thời cho rằng những việc UBND huyện đang làm là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Chủ tịch huyện Hiệp Hoà nói gì về việc tuyên truyền bêu xấu doanh nghiệp?

Nam Phong | 01/06/2017, 13:43

Ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) xác nhận đã ký các văn bản nói trên, đồng thời cho rằng những việc UBND huyện đang làm là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

>>Bắc Giang: Mời gọi đầu tư kiểu 'trên trải thảm, dưới rải đinh'

Liên quan tới vụ việc ông Hà Văn Hải, đại diện Công ty THHH Bất động sản đầu tư thương mại Hiệp Hòa (Công ty Hiệp Hòa), phản ánh việc chính quyền huyện Hiệp Hoà gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đơn vị này thực hiện dự án xây dựng chợ trung tâm huyện Hiệp Hoà mà Một Thế Giới đã phản ánh, trong vòng 7 tháng từ tháng 10.2016 đến tháng 5.2017, lãnh đạo huyện Hiệp Hòa đã ban hành 12 văn bản gửi đến nhà đầu tư cũng như các bên liên quan mà theo đại diện doanh nghiệp là có nội dung gây bất lợi, khó khăn cho quá trình triển khai dự án.

Cụ thể, ngày 11.5, Công an huyện Hiệp Hòa gửi giấy mời đại diện Công ty Hiệp Hòa đến làm việc theo đơn tố cáo và đề nghị của cơ quan chức năng. Ngày 17.5, đoàn công tác của UBND huyện Hiệp Hòa gần 30 người do Phó chủ tịch UBND Nguyễn Văn Chính cùng với lực lượng Công an, quản lý đô thị đến công trình yêu cầu mở cửa để vào kiểm tra, cho xe chở loa đi tuyên truyền về các sai phạm của chủ đầu tư…

Đặc biệt, chỉ trong ngày 23.5, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Phạm Văn Thịnh liên tiếp ký hai quyết định thành lập tổ tuyên truyền về một số nội dung vi phạm của Công ty Bất động sản Đầu tư thương mại Hiệp Hòavới 18 thành viên; thành lập tổ liên ngành ngăn chặn người lao động và phương tiện chở vật liệu vào công trình. Theo đó, nhân sự của hai tổ liên ngành này gồm 33 người do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Chinh làm tổ trưởng.

Trên thực tế, từ ngày 18.5 đến nay, UBND huyện Hiệp Hòa liên tục cho xe ô tô chuyên dụng với sự tham gia của lực lượng công an chạy quanh thị trấn Thắng và khu vực dự án xây dựng chợ Trung tâm Hiệp Hòa phát loa từ sáng đến chiều với nội dung kêu gọi người dân không được thuê ki ốt vì cơ quan chức năng đang nhận được tố cáo chủ đầu tư lừa đảo, chưa trả nợ…

Ngoài ra, ông Phạm Văn Thịnh cũng ký văn bản yêu cầu người dân không đăng ký, tham gia đặt cọc, góp vốn mua, thuê ki ốt, gian hàng tại chợ Hiệp Hòa. Mặt khác, Công an huyện Hiệp Hòa gửi giấy mời nhiều hộ dân đã ký hợp đồng đặt cọc thuê ki ôt lên làm việc “để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật” của chủ đầu tư…

Trả lời báo Một Thế Giới xung quanh những việc làm trên, ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa xác nhận rằng mình đã ký các văn bản nói trên. Lý do được ông Thịnh đưa ra cho những việc mà UBND huyện Hiệp Hoà đang làm là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Theo ông Thịnh, hiện nay dự án chợ Hiệp Hòa chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng đặt cọc với hơn 60 người dân. Việc đặt cọc này là hình thức huy động vốn trái phép bởi chưa được cơ quan chức năng phê duyệt: “Trong những người ký hợp đồng, có người không phải là tiểu thương đăng ký mua 2-3 chỗ nên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các tiêu thương ở chợ cũ trước đây”.

Ông Thịnh nói thêm: "Dự án này phải theo quy định kinh doanh chợ chứ không phải bất động sản. Cũng như nhà ở xã hội, đây là dự án mang tính chất xã hội. Ngay cả đối với hoạt động bất động sản, để được bán và huy động vốn thì cơ quan có thẩm quyền phải cho phép được bán và được huy động vốn công trình hình thành trong tương lai".

Cũng theo ông Thịnh, trong dự án này còn có một số góc khuất như nhà thầu đang kiện chủ đầu tư vì chưa thanh toán tiền thi công, ngoài ra, một số người dân đang tố cáo tới công an huyện việc chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo khi huy động vốn chưa được phép của cơ quan Nhà nước: “Đứng trước những việc này, nhà nước quản lý trên địa bàn khi phát hiện ra hành vi không đúng thì chúng tôi phải tuyên truyền cho người dân, thông báo rõ hành vi đấy đã không đúng để người dân không nộp tiền cho chủ đầu tư nữa”, ông Thịnh nói.

Viện lý do cho những việc làm đó, ông Thịnh nói: “Nhà nước quản lý bằng rất nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp tuyên truyền”.

Về việc chủ đầu tư ủng hộ 10 tỉ đồng cho ngân sách huyện, ông Thịnh cho biết đây là cam kết của doanh nghiệp tại hồ sơ mời thầu, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện: “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề này bởi doanh nghiệp mới thành lập chưa có doanh thu”.

Lý giải việc chính quyền huy động Công an đến kiểm tra công trình, ông Phạm Văn Thịnh cho biết không có gì bất thường bởi doanh nghiệp có biểu hiện bất hợp tác nên “cơ quan công an phải đứng ra bảo vệ cơ quan hành chính làm việc”. Ông này cũng xác nhận đã gọi điện thoại cho một số nhà thầu yêu cầu không cung cấp bê tông cho dự án:“Bởi chủ công ty bê tông là bạn tôi họ có hỏi tình hình hoạt động thì tôi cũng trình bày những sai phạm và khuyên anh em lưu ý”.

Trong khi đó, Nghị định về phát triển và quản lý chợ (văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BCT ngày 23.1.2014 của Bộ Công thương) không có bất kỳ quy định nào về việc doanh nghiệp xây dựng chợ phải lập phương án huy động vốn trình UBND huyện phê duyệt. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp 2013 quy định về quyền của doanh nghiệp được lựa chọn phương thức huy động vốn.

Bởi vậy, ông Hải cho rằng yêu cầu của UBND huyện Hiệp Hòa là không có cơ sở: “Nếu chúng tôi có vi phạm gì thì cơ quan chức năng ra các quyết định xử lý chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính rồi vác loa đi bêu xấu doanh nghiệp giữa chợ như vậy, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng quyền lợi nhà đầu tư”, ông Hải bức xúc.

Trao đổi với Một Thế Giới, Luật sư Vũ Quang Ninh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Anh - Đoàn Luật sư Quảng Ninh đánh giá, việc huy động vốn của doanh nghiệp đối với sản phẩm hình thành trong tương lai trong trường hợp này (dự án chợ trung tâm Hiệp Hoà - PV) không bị quy định nào của pháp luật cấm.Doanh nghiệp có quyền huy động vốn nhàn rỗi trong dân.Chính quyền không có quyền cho phép hay không cho phép.

Về việc xây dựng phương án huy động vốn để trình UBND huyện Hiệp Hoà theo lời chủ tịch huyện nói, LS Ninh khẳng định, doanh nghiệp không có trách nhiệm phải làm việc này. Việc ký hợp đồng đặt cọc giữa doanh nghiệp với các tiểu thương, người dân trong trường hợp này là giao dịch dân sự, pháp luật không cấm. Đó là quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật sư Ninh nói thêm, về mặt chủ trương thì chính quyền địa phương phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư, những việc thuộc bổn phận của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật thì chính quyền phải viện dẫn ra cho nhà đầu tư hiểu và thực hiện đúng. Còn nếu những việc đó không nằm trong quy định của pháp luật, ở đây là giao dịch dân sự thì đó là quyền của các bên giao dịch, chính quyền không được can thiệp, làm khó.

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch huyện Hiệp Hoà nói gì về việc tuyên truyền bêu xấu doanh nghiệp?