Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15 - 19.5.

Chủ tịch nước chủ trì Lễ đón Tổng thống Hy Lạp thăm chính thức Việt Nam

T.V | 16/05/2022, 15:03

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15 - 19.5.

Sáng 16.5 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou và đoàn đại biểu cấp cao của Hy Lạp.

Việt Nam và Hy Lạp thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1975. Suốt 47 năm qua, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Hy Lạp đã viện trợ cho Việt Nam 250.000 liều vắc xin AstraZeneca để phòng chống dịch. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hy Lạp đạt hơn 446 triệu USD, tăng 33% so với năm 2020.

Theo Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, mặc dù phải giải quyết khủng hoảng nợ công với nhiều vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội, đối phó với khủng hoảng di dân và tị nạn, tập trung vào quan hệ với châu Âu và các định chế tài chính, Hy Lạp vẫn rất coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hy Lạp còn khiêm tốn. Tuy nhiên, trao đổi thương mại song phương tăng trưởng khá nhanh trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Hy Lạp tăng mạnh và Việt Nam luôn xuất siêu ở mức cao.

Về thương mại, theo số liệu thống kê năm 2021, các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Hy Lạp như giày dép (18 triệu USD), dệt may (3,6 triệu USD), thủy sản (5,8 triệu USD ) và đồ gỗ (2,6 triệu USD).

Thời gian gần đây, hạt điều, cà phê và sản phẩm sắt thép là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Hy Lạp khá cao. Đặc biệt, từ năm 2013, xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động sang Hy Lạp tăng đột biến, đạt từ 73,9 triệu USD năm 2014 lên 116 triệu USD năm 2020, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng rau quả, cao su... tuy trị giá còn thấp nhưng cũng có tiềm năng.

Theo chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Hy Lạp còn thấp, tập trung vào một số mặt hàng chính bao gồm giấy và bìa, nguyên liệu sản xuất thuốc lá… với khối lượng nhỏ.

Hiện có khoảng 300 người Việt Nam, tập trung chủ yếu tại Athens và một số đảo lớn của Hy Lạp, đến Hy Lạp phần lớn theo diện di tản năm 1979 và diện đoàn tụ gia đình các năm tiếp theo. Đa số kiều bào làm nghề kinh doanh ăn uống, buôn bán thực phẩm, may mặc, trồng trọt. Người Việt tại Hy Lạp có quan hệ cộng đồng chặt chẽ và khá bền vững, đa số có tinh thần yêu nước, gắn bó với quê hương.

Theo Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, đại dịch COVID-19 là cơ hội cho các quốc gia thân thiện như Việt Nam và Hy Lạp xích lại gần nhau. Đồng thời, Tổng thống Hy Lạp khẳng định chuyến thăm nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ và hợp tác song phương giữa hai nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
một phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch nước chủ trì Lễ đón Tổng thống Hy Lạp thăm chính thức Việt Nam