Nếu chứng minh được bà chủ tiệm vàng Ý Loan Đinh Thị Loan (phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) “huy động tiền để kinh doanh vàng” nhưng lại không dùng vào mục đích đó mà đem chơi chứng khoán, tẩu tán tài sản ra nước ngoài… thì đã có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để nắm thông tin từ cơ quan chức năng, trưa ngày 10.12, phóng viên đến Công an phường Tân Hòa thì được cán bộ trực ban cho biết tất cả chỉ huy công an phường đều đi họp.
Phóng viên lại đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Đồng Nai) thì cũng nhận được thông tin tất cả lãnh đạo phòng đã đi tập huấn. Gặng hỏi mãi, một cán bộ điều tra cho biết: "Vụ việc tiệm vàng Ý Loan là tiệm vàng lớn nhất Biên Hòa bị vỡ nợ vừa qua thuộc vấn đề dân sự. Ngay đêm 28.11, lực lượng cảnh sát 113, Công an phường Tân Hòa và dân phòng địa phương đã được huy động để bảo đảm trật tự. Chủ tiệm vàng cũng đã được điều động đến làm việc với các cơ quan chức năng. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra".
Luật sư Nguyễn Anh Dũng (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng hành vi của bà chủ tiệm vàng Ý Loan đã có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Điều 139 quy định “người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên” thì sẽ bị khởi tố. “Số tiền bà Loan huy động lên tới hàng trăm tỉ đồng là đã rơi vào Khoản 4 “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên”, có thể bị phạt tù chung thân”, luật sư Dũng nói.
Luật sư Dũng phân tích: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hành vi cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác thành tài sản của mình. Trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản từ trước. Về hình thức thì người phạm tội phải đồng thời thực hiện hai hành vi là hành vi gian dối với nạn nhân và hành vi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
“Nếu thông tin đúng là bà Loan huy động tiền để kinh doanh vàng nhưng lại không làm việc đó mà đem chơi chứng khoán, chuyển tiền ra nước ngoài cho người thân… tức là “gian dối” và phải bị xử lý”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, luật sư Dũng cũng thừa nhận thực tiễn việc nhận thức đặc điểm hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có nhiều ý kiến khác nhau, dấu hiệu pháp lý trong cấu thành tội phạm có tính khái quát dẫn đến việc xác định tội danh gặp khó khăn nên thực tế cơ quan điều tra có khi lại cho rằng đó là việc dân sự mà không khởi tố theo thủ tục hình sự.
Tiệm vàng có tới 5 lớp cửa, yên tâm gửi tiền và... trắng tay!
Chị Nguyễn Thị V., một người dân ở gần tiệm vàng Ý Loan, cho biết: "Vào những ngày chưa vỡ nợ, khách vào đây rất đông. Bởi ai cũng tin tưởng tiệm vàng này vì gia đình có truyền thống kinh doanh nhiều năm, lại làm ăn uy tín nên ai cũng thích bà Loan. Ngày trước, nơi đây sầm uất lắm, nhà lúc nào cũng có 5 lớp cửa, thậm chí có cả cửa chống đạn. Do đó, khi gửi tiền vào đây ai cũng yên tâm, vì gia đình bà Loan cũng giàu có, lại có tài sản ở nước ngoài nên không ai nghĩ rằng bà có thể rơi vào cảnh vỡ nợ".
Có lẽ bài học về vụ vỡ nợ của bà Loan khiến nhiều người phải cẩn thận hơn, việc đầu tư cho vay tiền cũng nên cẩn trọng để tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Trọng Mạnh (Ảnh: Bà Nguyễn Thị Loan (đứng) và bà Thành đang "đứng ngồi không yên" sau khi biết tiệm vàng Ý Loan vỡ nợ)