Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hiện nay chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" - "made in Vietnam".

Chưa có quy định về tiêu chí hàng hóa ‘made in Vietnam’

27/06/2019, 11:52

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hiện nay chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" - "made in Vietnam".

Ảnh minh họa

Hiện các bộ ngành, cơ quan chức năng liên quan đang cùng phối hợp xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty CP Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác rồi gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán tại thị trường trong nước, làm rõ vi phạm nhằm xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện nay chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Chưa có hướng dẫn rõ ràng

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, "xuất xứ hàng hóa" là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Nghị định 31/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa là căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế.

Hiện tại, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: Thứ nhất là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc; Thứ hai là hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam; Thứ ba là hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa đều phải ghi nhãn cho hàng hóa (trừ một số trường hợp đặc biệt); quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Đồng thời, yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Tuy nhiên, ông Hà cho biết xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, quy tắc nào thì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng. Hiện Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Do chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ sản xuất, chế biến ở Việt Nam như thế nào, chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá trị sản phẩm nên doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất lúng túng khi không biết phân định một sản phẩm có phải là "hàng Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Người dùng đang tự nhận biết hàng "made in Vietnam"

Theo thông tin của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đăng tại Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Có trường hợp hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Cũng theo Cục, có trường hợp thương nhân không cố tình gian lận, nhưng quan niệm của thương nhân về vấn đề này còn đơn giản, không nhận thức hết những ảnh hưởng to lớn đối với nền sản xuất quốc gia.

Hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Hơn nữa, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

“Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam”, Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ vậy.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể.

Ví dụ quy định của Thụy Sĩ đối với đồng hồ, quy định của Mỹ đối với ô tô, hàng dệt may và len, quy định của New Zealand đối với rượu vang... Nhiều nước cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định.

Các nước đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất tại nước đó nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể.

Tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như “made in…, produced in…” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như “designed by/in…, assembled in…, processed in…, packaged in…, imported by/for”.

Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa.

Ví dụ, theo quy định của Ý, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí “made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 euro. Tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu đô la Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1-14 năm.

“Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu”, Cục Xuất nhập khẩu nêu.

Liên quan tới vụ việc của thương hiệu Asanzo, ông Nguyễn Thanh Hà cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đều có hợp đồng gia công hoặc OEM từ Trung Quốc, sau đó nhập và bán lại tại Việt Nam, nhưng do nắm tâm lý khách hàng, không muốn dùng hàng Trung Quốc mà nhiều doanh nghiệp không muốn ghi chữ Made in China, điều này vô tình làm ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, luật sư này cho rằng cần trung thực trong việc ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, không nên vì tâm lý khách hàng mà ảnh hưởng tới uy tín của cả doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng căng thẳng, nếu chúng ta không trung thực về nguồn gốc, có thể còn bị hứng chịu trừng phạt thương mại.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chưa có quy định về tiêu chí hàng hóa ‘made in Vietnam’