Dân gian xưa nay vẫn lưu truyền “Lời Trạng dạy: Hoành Sơn nhất đái. Thuận Hóa miền vạn đại dung thân. Từ khi Chúa Nguyễn dời chân. Trời Nam một cõi dần dần mở mang”.
Câu chuyện văn hóa

Chúa Nguyễn Hoàng - Người khai phá cõi trời nam

Văn Kim Khanh 08/02/2024 13:49

Dân gian xưa nay vẫn lưu truyền “Lời Trạng dạy: Hoành Sơn nhất đái. Thuận Hóa miền vạn đại dung thân. Từ khi Chúa Nguyễn dời chân. Trời Nam một cõi dần dần mở mang”.

Những câu hát trên đã ca ngợi công đức của Chúa Nguyễn Hoàng - người mở đường, một hướng đi, tạo nền móng để các chúa Nguyễn, triều đình nhà Nguyễn tồn tại và phát triển mấy trăm năm sau này. Lịch sử ghi nhận Nguyễn Hoàng là người có công đầu trong công cuộc khai phá phát triển cõi trời nam của đất nước này.

Chúa Nguyễn Hoàng

Lịch của NXB Nông Nghiệp xuất bản năm 1994 ghi rằng: "Năm sinh Nguyễn Hoàng 1524, nhằm ngày 24 tháng giêng". Nếu đúng như vậy thì đến nay đã gần 500 năm ngày sinh Chúa Nguyễn Hoàng.

chua-nguyen-hoang.jpg
Nguyễn Hoàng là người đã đóng vai trò quan trọng và tích cực nhất trong việc mở mang khai phá cõi trời nam - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, cuốn Nhà Nguyễn - Chín chúa mười ba vua của tác giả Thi Long (NXB Đà Nẵng, 1991), phần "Nguyễn Hoàng - Chúa Tiên" lại ghi như sau:

“Nguyễn Hoàng là con trai của Nguyễn Kim và bà Nguyễn Thị Mai. Theo gia phả, ngài sinh nhằm ngày 10.6 năm Ất Dậu 1525. Theo Đại Nam thực lục thì ông là người có tướng tốt “vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rồng”.

Theo Việt Nam sử lược của nhà sử học Lệ Thần Trần Trọng Kim, năm Ất Tỵ (1545) Nguyễn Kim đem quân tiến đánh Sơn Nam, đi đến huyện Yên Mộ bị Dương Chấp Nhất là hàng tướng của nhà Mạc đánh thuốc độc chết. Binh quyền được giao cả lại cho con rể ông là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm dần dần tóm mọi quyền hành. Kiểm đã âm mưu sát hại anh của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông. Trước họa diệt vong, Nguyễn Hoàng đã tìm cách lánh thân vào đất Thuận Quảng. Tương truyền, trước khi Nguyễn Hoàng có kế hoạch về phương nam mở cõi và lánh nạn, ông cử người đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng khuyên rằng: “Hoành Sơn nhất đái. Vạn đại dung thân”, nghĩa là một dãy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn đời. Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị là Nguyễn Thị Ngọc Bảo vợ Trịnh Kiểm xin Trịnh Kiểm cho mình vào trấn ở phía nam.

Năm Mậu Ngọ (1558) đời vua Lê Anh Tông, Trịnh Kiểm tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Những người họ hàng Nguyễn Hoàng ở huyện Tống Sơn cùng những quân lính xứ Thanh Nghệ nhiều người đưa cả vợ con đi theo. Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Khi mới vào, Nguyễn Hoàng chỉ làm trấn thủ đất Thuận Hóa, đến tháng 11 năm Canh Ngọ (1570) thì kiêm quản cả xứ Quảng Nam. Tháng 5.1593, Nguyễn Hoàng được phong làm Thái úy Đoan quốc công, sau đó ở ngôi chúa được 55 năm. Dân thường gọi ông là Chúa Tiên. Chúa Tiên mất vào tháng 6 năm Quý Sửu (1613) thọ 88 tuổi. Về sau, Nguyễn Hoàng còn được truy phong là Thái tổ Gia dụ Hoàng đế.

Điểm qua lịch sử về Nguyễn Hoàng, có thể thấy rằng: Từ một người thất thế tìm nơi nương thân để tránh họa diệt vong, Nguyễn Hoàng đã khéo vận dụng địa lợi, nhân hòa củng cố thế lực của mình, và cuối cùng khi có thiên thời, phe ông đã trở thành một thế lực không thể tiêu diệt, kể cả sức mạnh của Chúa Trịnh.

Người mở cõi

Từ khi vào trấn thủ đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã nuôi sẵn ý đồ tạo dựng cho mình một giang sơn riêng, nhưng bề ngoài luôn tỏ ra thán phục triều đình ở Đàng ngoài và giữ tình hòa hiếu với Chúa Trịnh. Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa rồi, sợ họ Trịnh nghi ngờ bèn đem người con gái là bà Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng, con trai của Chúa Trịnh Tùng. Ngài ở giữ đất Thuận Hóa, cho người con thứ 6 vào trấn đất Quảng Nam, xây dựng kho tàng, tích trữ lương thực. Bên cạnh việc củng cố thế lực kinh tế, quốc phòng, Nguyễn Hoàng rất chăm lo thu phục lòng dân. Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan mà lại có lòng nhân đức, thu dùng hào kiệt, yên ủi nhân dân cho nên lòng người ai cũng mến phục. Những ý đồ lâu dài của Nguyễn Hoàng đã được ông thực hiện từng bước khá thành công. Thành công đáng ca ngợi nhất là việc khẩn hoang lập làng, phát triển kinh tế nông nghiệp, mở mang bờ cõi để ngày nay chúng ta có một giang sơn giàu đẹp, thống nhất.

So với Chúa Trịnh ở Đàng ngoài thì Chúa Nguyễn ở Đàng trong có nhiều thuận lợi hơn. Từ đất Thuận Quảng trở vào không bị chiến tranh tàn phá. Khi Chúa Trịnh ở Đàng ngoài phải lo dẹp phe phái nhà Mạc thì Chúa Nguyễn trong này rảnh việc binh, tập trung lo phát triển nông nghiệp, đời sống. Theo ông Cao Hùng Trưng trong sách An Nam chí nguyên, “xứ Thuận Quảng Hóa đầu thế kỷ 15 có 5.662 suất đinh và 7.100 mẫu ruộng”. Đến năm 1776, số suất đinh tăng lên 126.857 người, và số ruộng tăng lên 265.507 mẫu. Từ thành quả trong việc khẩn hoang lập làng, Nguyễn Hoàng đã tăng cường thế lực của mình trong việc tích trữ lương thực, huy động nhân lực phục vụ chiến tranh về sau này. Không những khai thác Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng và con cháu ông đã dần thâu tóm quyền lực, vươn sự thống trị mở rộng đất đai tận đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Đây là vùng đất trù phú nhất, là hậu cứ vững chắc của nhà Nguyễn.

Đúng như dân gian đã ghi nhận, "từ khi Chúa Nguyễn dời chân, trời nam một cõi dần dần mở mang”. Dù về lịch sử còn nhiều điều bàn cãi về sự nghiệp của Nguyễn Hoàng, nhưng có thể khẳng định ông chính là người đã đóng vai trò quan trọng và tích cực nhất trong việc mở mang khai phá cõi trời nam, để nước Việt ta ngày nay có dải giang sơn gấm vóc đẹp giàu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chúa Nguyễn Hoàng - Người khai phá cõi trời nam