Vẽ tranh, đó là cách nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu chọn để kể "chuyện làng mình" một cách thong dong, sinh động và sâu lắng.
Văn hóa

Chút chuyện làng của Hồ Thị Xuân Thu

Tiểu Vũ 05/09/2024 16:12

Vẽ tranh, đó là cách nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu chọn để kể "chuyện làng mình" một cách thong dong, sinh động và sâu lắng.

xuan-thu-4-.jpeg
Nữ họa sĩ Xuân Thu đang vẽ tranh - Ảnh: NVCC

Nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế ít lâu, vào mùa Đông năm 1985, chị lên Pleiku nhận nhiệm vụ. Những khó khăn, thử thách ban đầu là đương nhiên, nhưng chị cũng đã sớm hòa nhập, gắn bó với miền đất mới. Gần 40 năm qua, miền đất mới đã từ từ "chạm", "thấm" vào trái tim chị một cách chân thực, tự nhiên như tranh chị vẽ, thơ chị viết:

Gửi lại đôi gánh không tên
Tôi đưa bước chân người
Miền thênh thang rừng núi
Say cùng nhau chút chuyện làng.

Cũng như thơ, Hồ Thị Xuân Thu đã vẽ con người Tây Nguyên như một lẽ tự nhiên. Ở đó, chị được yêu thương và thấy được cái đẹp ở khắp nơi, từ cuộc sống bình dị đến văn hóa, tín ngưỡng mang hồn cốt của xứ sở này.

Hồ Thị Xuân Thu đã đặt tên cho triển lãm lần này là Nghe kể chuyện làng mình. "Đây là câu chuyện của chính làng mình, chứ không còn là chuyện làng Tây Nguyên trong mắt một cô gái Huế với góc nhìn cách biệt...", nữ họa sĩ chia sẻ.

tranh-6.jpg
Một tác phẩm sơn mài của Hồ Thị Xuân Thu

Sau gần 10 năm sinh sống ở vùng đất mới, với vô vàn chuyến đi vô làng và vô vàn ký họa, ghi chép, Hồ Thị Xuân Thu đã thực sự đủ "chín" để sáng tác về Tây Nguyên như cách nghĩ của người Tây Nguyên. Chị theo đúng tinh thần đời sống của họ, chứ không phải theo kỹ thuật, ý chí của mình. Thế nhưng, sau khoảng 5 năm vẽ sơn dầu về đề tài này, chị thấy vẫn chưa thỏa mãn nên tạm gác lại việc sáng tác và tạm xa gia đình nhỏ một thời gian để về Huế học sơn mài một cách bài bản, hàn lâm.

Từ cuối thế kỷ 20, Hồ Thị Xuân Thu đã thấy sơn mài mới đúng là vật liệu và chất liệu mà bản thân chị đang tìm kiếm. Có lẽ tổ nghề sơn mài đã ưu ái chị, nên chị đã mở cho một lối đi vừa ý về một chân trời mới. Nơi đó, chị kể chuyện làng mình được thong dong hơn, sinh động và sâu lắng hơn.

Thật khó diễn tả nên lời, nhưng với chị, người Tây Nguyên có sự tự do, mộc mạc, mạnh mẽ trong tự thân của họ. Đây cũng là giá trị tinh thần thực sự của vùng đất này. Sau nhiều năm tháng gắn bó, điều này đã biến thành nét vẽ của Hồ Thị Xuân Thu nên chị dùng nó một cách tự nhiên, ngọt lịm, mà không cần phải quá chú tâm, cố gắng. Vì vậy, nếu tranh của chị có sự mộc mạc, tự do và mạnh mẽ thì đó cũng chính là giá trị chân thực từ đời sống Tây Nguyên mà chị cảm nhận được, vì chị đã là một phần của hồn cốt Tây Nguyên.

xuan-thu-3-.jpeg
Nữ họa sĩ Xuân Thu đang chăm chút cho tác phẩm của mình

Ví dụ ở một vài tác phẩm, chị đã thấy cái đẹp của những tấm áo họ phơi để chờ đón ngày hội về (Chờ tháng ba về, 80 x 200cm), hoặc cái đẹp bên bếp than nồng (Bếp nồng, 50 x 100cm), hoặc cái đẹp của những con người bình dị nằm bên nhau trong mái nhà sàn nghe sử thi (Nằm nghe kể Khan, 120 x 240cm)… Cái đẹp ấy như một khúc than hồng được ấp ủ đến lúc hé cười, sưởi ấm.

Màu sắc trong tranh của chị là tự thân khi vẽ nó tìm đến, lúc ấy cảm nhận thế nào thì vẽ thế đó. Màu sắc của tranh sơn mài là son, vàng, then… từ truyền thống, nhưng có thể khi vẽ, chị đã chạm vào chính trái tim mình, thể hiện điều cảm nhận được là đủ. Không phải câu nệ sự đúng sai của màu sắc, bố cục, vì sự ấm áp trong tranh cũng là sự ấm áp của chính tình thân, của chính câu chuyện làng mình. Chị vẽ miễn sao thấy thuận mắt và chạm vào trái tim là đủ.

tranh-3.jpg
Tác phẩm của Hồ Thị Xuân Thu

Có lẽ với Hồ Thị Xuân Thu, khi một bức tranh có sự tương đồng về mặt cảm xúc với người vẽ, thì sẽ dễ dàng nhận ra sự giao thoa, hòa quyện. Ngay lúc ấy, tranh đã có cái hồn của nó. Khi cảm nhận được sự ấm nồng từ tranh thì nó đã xong, còn khi nó chưa giúp mình chạm được sự ấm nồng thì chị còn vẽ tiếp. Sự rực rỡ, bóng lộn trong tranh của chị là ở tình cảm, chứ không phải ở bảng màu hoặc bề mặt tác phẩm. Cái hồn trong tranh chị có thể nhận ra từ các nhân vật đang hỏi thăm nhau, dải khăn quấn đang hỏi thăm nhau, những bàn chân cũng đang hỏi thăm nhau…

Và trong tranh có âm thanh rì rào, các giai điệu trầm bổng xa xa cũng đang hỏi thăm nhau. Vì vậy, sự tỏa sáng trong tranh của chị chính là sự rực rỡ về tình cảm giao hòa, là các câu chuyện giữa người với người Tây Nguyên, là chuyện làng mình.

tranh-7.jpg
Tác phẩm của Hồ Thị Xuân Thu

Nếu tính luôn triển lãm Hai nữ họa sĩ Huế: Hồ Thị Xuân Thu & Dương Tuyết tại Gallery Lotus (TP.HCM) vào năm 2005, thì từ năm 2004 đến nay, Hồ Thị Xuân Thu đã có 4 triển lãm cá nhân sơn mài. Điều này chứng tỏ sức làm việc rất bền bỉ của nữ họa sĩ với vật liệu và chất liệu sơn mài, vốn kỳ công và nặng nhọc, không phải muốn vẽ là có thể vẽ, nếu không có đủ sức khỏe và tinh thần sáng tạo.

Ngay từ triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2004 Sắc màu Tây Nguyên tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hồ Thị Xuân Thu đã tạo được ấn tượng rất tốt với giới làm nghề và giới sưu tập, khi mang đến một không khí sơn mài “ít giống ai”. Năm 2012, triển lãm sơn mài Sắc màu Tây Nguyên tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Hà Nội cũng rất thành công, ngỡ như con đường sơn mài của chị sẽ rất thênh thang.

image_6483441-8-.jpg
Tác phẩm của Hồ Thị Xuân Thu

Khoảng 2016, chị cũng đã mở xưởng vẽ riêng tại Pleiku, muốn tập trung cho sáng tác. Nhưng vài năm trước đó, từ trái tim nhạy cảm của người mẹ, chị muốn tạm gác một chút công việc sáng tác để tập trung lo cho con cái ăn học, nên mãi đến khi COVID -19 xảy ra, lúc con của chị cũng đã tạm trưởng thành, chị mới nhen nhóm trở lại việc sáng tác trong 3 năm gần đây.

Hiện nay xưởng vẽ của chị chỉ ưu tiên cho việc sáng tác, các công việc khác như quảng cáo thì tạm gác lại hoặc chuyển sang một địa chỉ khác, bàn giao phần lớn cho nhân viên lo liệu. Chỉ 3 năm thôi, vừa quán xuyến việc nhà, lo cơm nước cho gia đình, vừa vẽ sơn mài, nhưng chị đã vỡ vạc ra nhiều lối đi, đã và đang hoàn chỉnh nhiều tác phẩm, đủ để làm 2 - 3 triển lãm cá nhân trong vài năm tới.

Trong những năm tới đây, Hồ Thị Xuân Thu dự định sẽ mang tranh sơn mài về quê nhà ở Huế để làm một triển lãm cá nhân, trước đó sẽ là một triển lãm cá nhân tại quê hương thứ hai Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Tranh của Hồ Thị Xuân Thu có sự phát triển liền mạch trong một thời gian dài, thể hiện cảm xúc của họa sĩ trước hiện thực Tây Nguyên bằng việc khai thác chất liệu sơn mài truyền thống. Bảng màu trong một số tranh mới sáng tác của Xuân Thu có xu hướng thoát khỏi hài hòa đậm thường thấy của chất liệu này; sử dụng nhiều sắc độ của vàng quỳ, xám, trắng của bạc, trắng cẩn trứng,…tạo ra hiệu quả lạ mắt, nhẹ nhàng; gây ấn tượng khác về Tây Nguyên.

Loạt tranh này cũng chuyển hóa tinh thần của tạo hình truyền thống Tây Nguyên, nhưng ít lệ thuộc vào những mẫu thức, họa tiết trang trí thường thấy; mà ở tầng sâu hơn là nhịp điệu chuyển động, không gian sống. Đây có thể là cảm thụ và thể hiện của một họa sĩ nhiều năm sống ở Tây Nguyên. Những hiệu quả thẩm mỹ này bù đắp được cho những phần có thể không phải là thế mạnh của Xuân Thu, ví dụ như nét nhấn, độ nhấn...”.

Họa sĩ Lê Vấn

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu

Nữ họa sĩ sinh năm 1960 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai.

Triển lãm tập thể:

  • Triển lãm của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai và triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên từ năm 2016 đến nay.
  • Triển lãm toàn quốc các năm 2000, 2010, 2015.
  • Triển lãm tranh sơn mài chào mừng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006.
  • Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 2001, 2004, 2007, 2011…
  • Triển lãm 5 năm Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai: 2005 - 2010, 2010 - 2015, 2015 - 2020.
  • Triển lãm nhóm tại Hàn Quốc, CHLB Nga, Nhật Bản, Trung Quốc… trong các năm 2016, 2018, 2019.

Triển lãm cá nhân:

  • 2004: Sắc màu Tây Nguyên tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.
  • 2005: Hai nữ họa sĩ Huế: Hồ Thị Xuân Thu & Dương Tuyết tại Gallery Lotus, TP.HCM.
  • 2012: Sắc màu Tây Nguyên tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Hà Nội.
  • 2024: Nghe kể chuyện làng mình tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Giải thưởng và sưu tập:

  • Giải thưởng Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam 2000.
  • Tác phẩm được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và các bộ sưu tập tư nhân trong nước, quốc tế.
Bài liên quan
Lời chào Sài Gòn của ba nữ họa sĩ Hà Nội
Ba nữ họa sĩ người Hà Nội, với ba phong cách và màu sắc khác biệt mong muốn đem đến cho đời sống nghệ thuật Sài Gòn làn gió mới lạ vào dịp cuối năm bằng triển lãm “Chào Sài Gòn”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng nhiều lần nghẹn ngào xúc động khi nói đến cảnh mất mát, tang thương do bão lũ
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 15.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 về các giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chút chuyện làng của Hồ Thị Xuân Thu