Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các DN lớn của Mỹ khẳng định chuyển đổi số là chìa khóa để giải quyết các thách thức của dịch COVID-19 trong ngắn hạn và các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn.

Chuyển đổi số là chìa khóa giải quyết các thách thức từ COVID-19

Lam Thanh | 15/10/2021, 17:30

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các DN lớn của Mỹ khẳng định chuyển đổi số là chìa khóa để giải quyết các thách thức của dịch COVID-19 trong ngắn hạn và các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có buổi làm việc trực tuyến với với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC).

Chuyển đổi số là chìa khóa

Tại buổi làm việc, đại diện Oracle – Tập đoàn Máy tính đa quốc gia của Mỹ khẳng định chuyển đổi số là chìa khóa để giải quyết các thách thức của dịch COVID-19 trong ngắn hạn và các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn.

Theo đó, các quốc gia trên toàn cầu đang tập trung vào việc tận dụng những tiến bộ trong công nghệ thông tin truyền thông để giải quyết các thách thức. Cụ thể là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, sử dụng năng lượng hiệu quả và chính phủ điện tử, cũng như trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người dân các công cụ để giúp họ thành công.

qh.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Đại diện Oracle cũng cho rằng việc áp dụng nhanh chóng công nghệ thông tin ở các cấp độ quốc gia, doanh nghiệp, người dân đòi hỏi quan hệ đối tác công tư trong việc phát triển các khuôn khổ chính sách hài hòa toàn cầu về bảo mật, quyền riêng tư và các tiêu chuẩn; áp dụng các giải pháp điện toán đám mây (đa đám mây, mô hình kết hợp) cùng như các ứng dụng có sẵn trên thị trường.

Giám đốc điều hành Citibank tại Việt Nam Ramachandran A.S mong muốn tiếp tục cung cấp các tiêu chuẩn mới về trải nghiệm khách hàng và hỗ trợ Việt Nam trở thành điểm thu hút các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng đặc biệt trong thời gian quan trọng này.

Việt Nam đã nêu rõ việc chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030. Giám đốc điều hành Citibank tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế tốt để đạt được tham vọng số bằng cách tận dụng thế mạnh của mình và tạo ra các thể chế theo hướng khuyến khích và chấp nhận các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và mô hình kinh doanh số mới.

Theo đó, Citibank mong muốn chia sẻ với Việt Nam một số đề xuất có thể giúp đẩy nhanh sự phát triển của khuôn khổ pháp lý trong việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.

Giám đốc điều hành Citibank Ramachandran A.S cho biết thêm, luồng dữ liệu xuyên biên giới là một vấn đề quan trọng đối với nhiều công ty bao gồm cả dịch vụ tài chính. Citibank đang hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực và Việt Nam về các vấn đề dữ liệu, bao gồm quyền riêng tư, bảo mật và luồng dữ liệu xuyên biên giới, những vấn đề có ảnh hưởng to lớn đối với các ngân hàng.

Citibank và cộng đồng doanh nghiệp cho biết rất quan tâm đến các điều khoản về luồng dữ liệu xuyên biên giới trong Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Doanh nghiệp cũng đã gửi ý kiến đóng góp tới Bộ Công an và các bộ ngành hữu quan trong thời gian tham vấn.

Đại diện Tập đoàn Mastercard cho rằng, Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và thanh toán số ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Việc đóng cửa toàn bộ quốc gia, hạn chế đi lại trong và giữa các quốc gia đã gây gián đoạn đối với hoạt động bình thường của nền kinh tế toàn cầu.

Theo lãnh đạo tập đoàn này, có rất nhiều bài học từ sự kiện toàn cầu này vẫn đang xảy ra. Một trong số đó là tầm quan trọng của việc các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng kỹ thuật số, bao gồm khả năng chấp nhận thanh toán số.

“Mặc dù bị giãn cách và hạn chế di chuyển, các doanh nghiệp đã sẵn sàng với việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng kỹ thuật số vẫn có thể kinh doanh và phục vụ khách hàng. Mastercard tin rằng sự thay đổi này sẽ tiếp tục diễn ra hậu đại dịch”, đại diện Mastercard nêu.

qh-2.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với USABC.

Đại diện Mastercard khẳng định luôn hỗ trợ Việt Nam trong hành trình số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán. Ngoài việc giúp cho các hoạt động kinh tế trở nên khả thi khi đối mặt với những gián đoạn vật lý, thanh toán số còn thúc đẩy tài chính toàn diện, tăng trưởng toàn diện, tăng cường quản trị và cải thiện hiệu quả và năng suất kinh doanh.

Hướng đến mục tiêu đôi bên cùng có lợi

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các doanh nghiệp của Mỹ và USABC sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động đối thoại chính sách với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, không chỉ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà còn phải hướng đến mục tiêu "đôi bên đều có lợi", cả Chính phủ và doanh nghiệp "đều thắng".            

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới đây là dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh yếu tố con người.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc xây dựng và kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm.

“Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Mỹ và hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tiếp tục đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số”, ông Huệ nói.

Ngoài ra, Việt Nam mong muốn học tập những kinh nghiệm của Citibank trong việc xây dựng hệ sinh thái, khởi nghiệp sinh thái, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực Fintech để nhận dạng số tài chính toàn diện, tiền số của Ngân hàng Nhà nước.

qh-3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Theo ông Vương Đình Huệ, chủ trương của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam sẽ thử nghiệm có kiểm soát mô hình kinh tế mới liên quan đến phát triển trong lĩnh vực số. Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng tùy theo mức độ, sẽ có mô hình do Quốc hội cho phép hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép hoặc thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng tiếp thu và ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để rà soát dự thảo nghị định đối với dữ liệu xuyên biên giới và các vấn đề liên quan đến an ninh mạng; quan tâm đến việc tham gia xây dựng Hiệp định Kinh tế số châu Á – Thái Bình Dương; số hóa quá trình thanh toán, xây dựng hệ sinh thái số, đổi mới sáng tao...

Bài liên quan
Đồng Nai: Chuyển đổi số ngành y tế hướng đến sự phục vụ người dân
Sáng 25.4, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo Chuyển đổi số ngành y tế Đồng Nai lần thứ nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lễ Quốc khánh 2.9 người dân được nghỉ 4 ngày
37 phút trước Sự kiện
Công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 kéo dài 4 ngày liên tiếp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số là chìa khóa giải quyết các thách thức từ COVID-19