Ngày 9.10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP.HCM”.
Trong bối cảnh TP.HCM vừa được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, tọa đàm nhằm cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những cách làm hiệu quả, phù hợp nhằm tiếp tục đề ra các giải pháp đẩy mạnh việc triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ các giải pháp, cách làm hiệu quả của đơn vị trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập.
Bà Nguyễn Thị Bé Hai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức cho biết, các mô hình học tập như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” đã được triển khai rộng rãi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hằng năm, đã có trên 80% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”.
Đặc biệt, mô hình “Công dân học tập” đã được triển khai với sự tham gia tích cực của người dân và sự hỗ trợ của phần mềm quản lý. Hội khuyến học TP.Thủ Đức được xây dựng đều khắp các cơ quan thành phố, phường, trường học, doanh nghiệp, tạo thành mạng lưới khuyến học ở từng địa bàn dân cư; huy động được nguồn lực, xây dựng quỹ hội từ thành phố đến các phường đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Từ năm 2019-2023, TP.Thủ Đức đã trao 42.829 suất học bổng khuyến học, khuyến tài với số tiền 55,919 tỉ đồng; Hội khuyến học các cấp đã vận động hội viên thực hiện nuôi 800.105 heo đất khuyến học với tổng số tiền là 301,045 tỉ đồng.
Ngoài ra, các chi hội, tổ hội, gia đình hội viên đã nuôi 7.591 con heo đất mỗi năm hoặc lập sổ tiết kiệm dành cho học tập, với số tiền hơn 22.738.565 đồng ủng hộ cho quỹ khuyến học để trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, học sinh khuyết tật, con em gia đình thương binh, chính sách khó khăn...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa công nghệ số, ông Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số sẽ tạo dựng một phương thức hoạt động mới trong thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài. Ngoài ra, tăng cường kết nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài trường, cựu sinh viên trường nhằm kêu gọi các nguồn tài trợ về học bổng, dự án hỗ trợ cho viên chức, người lao động và sinh viên, chung tay tham gia xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, góp phần đắc lực vào mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM ghi nhận những kết quả tích cực và các cách làm hiệu quả của các địa phương; đồng thời khẳng định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Vì vậy, đây là công việc và trách nhiệm của cả các cấp đoàn thể.
Theo ông Sơn, TP.HCM được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là kết quả của một quá trình và là bước ngoặt quan trọng. Trong thời gian tới, để công tác khuyến học, khuyến tài phát huy hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền thông tin và chú trọng hiện đại hóa, số hóa để làm sao tiếp cận nhanh nhất với người học.