Cánh báo rằng hãy còn quá sớm để nói về đỉnh đại dịch đã qua nhằm nới lỏng phong tỏa, chuyên gia dịch tễ Mỹ cho rằng không nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa sẽ gây tổn hại về kinh tế, nhưng hàng trăm ngàn người tử vong cũng sẽ gây ra đòn chí mạng không kém cho nền kinh tế.
Theo The Guardian, trong những ngày gần đây, tại các nước châu Âu, số ca nhiễm coronavirus mới đã ổn định hoặc thậm chí bắt đầu giảm. Điều này đã khiến nhiều người lập luận rằng đỉnh điểm của đại dịch đã qua và hoan nghênh quyết định của chính quyền trong việc bãi bỏ một phần lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, giáo sư về sự tiến hóa và dịch tễ học của bệnh truyền nhiễm tại Harvard (Mỹ) William Hange tin chắc rằng không có lý do gì để lạc quan. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Trong chuyên mục của mình viết cho The Guardian, ông lưu ý rằng việc nói về đỉnh điểm của đại dịch khiến mọi người lầm tưởng. Lý do là phần lớn dân số không bị nhiễm coronavirus mới và không có được miễn dịch với nó. Ngay cả với dữ liệu mới, theo đó, có tới 4 trong số 5 ca nhiễm trùng có thể không có triệu chứng, nhưng số bệnh nhân hồi phục là quá nhỏ để làm chậm đại dịch tự nhiên. Để chặn dịch, khả năng miễn dịch phải đạt được ít nhất 1/2 dân số, và thậm chí tốt hơn - lên tới 70% dân số.
Giáo sư William Hange đưa ra các tính toán sau. Tại Anh, có 100.000 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được phát hiện, hơn 10 nghìn bệnh nhân tử vong. Với các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng, tổng số ca nhiễm bệnh trong cả nước Anh hiện nay là khoảng 500.000. Nếu chúng ta cho rằng Vương quốc Anh đã đạt đến đỉnh điểm của sự bùng phát dịch và sẽ tiếp tục giảm thì 500.000 người khác sẽ bị nhiễm bệnh vào cuối đợt này. Hoặc tổng cộng chỉ 1 triệu ca trong đợt lây lan coronavirus hiện tại. Chính 1 triệu người này sẽ nhận được miễn dịch.
65 triệu người Anh còn lại không có khả năng miễn dịch với vi rút. Điều này có nghĩa là cư dân Anh sẽ lại bị bệnh khi các biện pháp kiểm dịch được nới lỏng. Sự lây lan COVID-19 sẽ tiếp tục cho đến khi khả năng miễn dịch xuất hiện ở ít nhất 30 - 35 triệu người Anh. Để khả năng miễn dịch đó xuất hiện, chỉ riêng ở Anh phải có 600.000 người chết, tức là nhiều gấp 60 lần số cả tử vong vì coronavirus (nếu xuất phát từ ước tính khoảng 20.000 ca tử vong trên 1 triệu bệnh nhân).
Sự xuất hiện của vắc xin có thể giải quyết vấn đề về coronavirus, tuy nhiên, theo kịch bản lạc quan nhất, sẽ phải đợi vắc xin đến mùa thu, còn theo một kịch bản thực tế hơn, không sớm hơn năm sau. Cho đến lúc đó, chúng ta sẽ phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và nhanh chóng xác định các ca nhiễm bệnh mới. Không nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa sẽ gây tổn hại về kinh tế, nhưng hàng trăm ngàn người tử vong sẽ gây ra đòn chí mạng không kém cho nền kinh tế .
Trong khi đó, các đồng nghiệp của giáo sư William Hanage lại chắc chắn rằng trên thực tế, vắc xin an toàn sẽ không xuất hiện sớm. Ví dụ, Paul Offit, một trong những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và vắc xin ngừa rotavirus vào cuối những năm 1990, tin rằng thậm chí sẽ quá lạc quan khi tuyên bố sẽ phát triển một loại vắc xin trong 12-18 tháng. Những người am hiểu nhận thức được điều đó mặc dù họ có thể tuyên bố công khai bất cứ điều gì để hỗ trợ người dân. Các nhà khoa học Harvard (Mỹ) đã lập mô hình quỹ đạo phát triển của đại dịch coronavirus và đi đến kết luận rằng cả năm tới và một phần của năm 2022 sẽ phải quay lại phong tỏa theo thời gian, chủ yếu vào những tháng lạnh.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ y tế Anh, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại các bệnh viện của nước này đã tăng thêm 888 người, nâng tổng số ca tử vong lên 15.464 tính đến ngày 18.4 (giờ địa phương).
Vũ Trung Hương