Mỗi năm cây dừa 3 ngọn của anh Thương cho khoảng 200 quả, ở mỗi nhánh quả lại có vị ngọt khác nhau, khi uống vào thì người khỏe mạnh hơn, nước dừa còn có khả năng chữa bệnh
>>Đại gia Dũng "lò vôi" chi tiền tỉ săn dừa 3 ngọn, chủ sở hữu khốn khổ vì tin đồn
Theo lời gia chủ thì trái ở ba ngọn dừa này có vị khác nhau. Đặc biệt nhiều người uống nước dừa đã khỏi bệnh (?!). Phát hiện ra dừa có "công năng" này, nhiều người đã đổ xô đến để xin lộc chữa bệnh.
Cây dừa sét đánh khôngchết
Thời gian gần đây, dư luận tại Bình Phước truyền tai nhau về cây dừa lạ có đến 3 ngọn của gia đình lão nông Thương Văn Nhãn (SN 1964, trú tổ 5, ấp Phú Hòa, phường Phú Đức, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước). Nhiều người khẳng định nước từ trái của cây dừa lạ này có thể trị được nhiều bệnh như: thấp khớp, tiêu chảy, gút, viêm gan... Từ khi xuất hiện thông tin về cây dừa có khả năng kỳ diệu, mỗi ngày gia chủ phải tiếp hàng chục người từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng, cũng như hy vọng mua được vài trái về chữa bệnh.
Ông Võ Thanh Huy, phó Chủ tịch UBND phường Phú Đức (thị xã Bình Long) nói: "Sau khi thông tin được bàcon đồn thổi, có rất nhiều người đã tìmđến xin nước dừa về uống. Tuy nhiênthực hư công dụng chữa bách bệnh của nước trái cây dừa này thì chúng tôichưa xác định được. Cũng từ khi câyhồi sinh và có 3 nhánh, nhiều doanh nghiệp từ khắp nơi đã về đây chiêm ngưỡng. Nhiều người cũng ngỏ ý mua với giá gần tỷ đồng nhưng gia đình ông Nhân không bán".
Để xác minh thực hư sự việc, chúng tôi đã tìm gặp chủ nhân sở hữu cây dừa. Tại nhà ông Nhãn, mới khoảng 8h sáng nhưng đã có rất nhiều đến mong được chiêm ngưỡng cây dừa. Nghe qua cách khách đối đáp thì hầu hết họ đều là người ngoại tỉnh. Trong số đó có người đang bị bệnh nặng. Họ nghe nói trái cây dừa có khả năng chữa bệnh nên tìm đến. Còn ông Nhãn thì đang giới thiệu về cây dừa đặc biệt của mình với vẻ tự hào.Tuy nhiên lão nông này chỉ khoe về "lý lịch"đặc biệt của nó. Còn nếu ai đó có hỏi nước dừa chữa được bệnh gì thì ông trả lời: "Thực ra, tôi cũng không biết rõ thực hư công dụng của nó như thế nào. Nhưng nhiều người bị bệnh dạ dày, thấp khớp bảo uống nước trái cây dừa này thì thấy đỡ và khỏi bệnh". Nghe vậy, một số người ngỏ ý muốn mua vài quả về uống thử nhưng tiếc rằng trái vẫn còn quá non: "Những cây dừa bình thường mỗi năm cho khoảng trên dưới 70 trái nhưng cây này mỗi năm thu hoạch được trên dưới 200 trái. Đặc biệt vào mùa mưa, trái cây dừa này nhiều hơn mùa khô. Dù vậy, tôi cũng không bán bao giờ, nếu ai muốn thưởng thức thì tôi biếu", ông Nhãn giải thích.
Phải đợi đến giữa trưa, khi khách đã về gần hết, chúng tôi mới được nghe gia chủ kể lại cơ duyên với cây dừa đặc biệt. Theo ông Nhãn, cây dừa có ba ngọn này thuộc giống dừa thường (dừa ta - PV). Vào khoảng năm 1985, ông Nhãn tình cờ vứt bỏ một trái dừa khô ra sau vườn. Nào ngờ gặp đúng mùa mưa nên dừa hút ẩm và mọc mầm nhanh trông thấy. Cây lớn nhanh và cho nhiều quả. Khoảng 10 năm sau, vào một đêm mưa gió, cây dừa đang xanh tốt bỗng bị một vệt sét khổng lồ cắt ngang thân làm ngọn dừa đổ xuống, ông Nhãn và gia đình tiếc ngẩn ngơ, cứ nghĩ cây dừa đã chết. Mọi người đã tính tới chuyện sẽ đào phần gốc để thế vào cây khác. Tuy nhiên việc đốn cây, đào gốc gặp khá nhiều khó khăn bởi những cây trồng xung quanh mọc khá rậm rạp. Thầm nghĩ họ nhà dừa thân xốp, dễ khô, nhanh mục nên ông Nhãn để vậy cho đến khi cây chết mục sẽ tự đổ. Nhưng điều kỳ lạ là gần 2 năm trôi qua, thân dừa không ngọn vẫn đứng sừng sững như một cái cột, vỏ cây vẫn tươi, thân cây vẫn còn sức sống cho những đám rêu bao quanh.
|
Cây dừa 3 ngọn được thêu dệt chữa được một số bệnh |
Kể từ lúc cây dừa bị sét đánh, ông Nhãn không nhòm ngó đến nó nữa. Cho đến một buổi sáng đẹp trời năm 1997, ông Nhãn bất ngờ thấy cây dừa trồi lên 3 mầm xanh mơn mởn. Ông tìm hiểu thì được biết, dừa là một loại cây thuộc họ cau, thân đơn trục. Vì vậy một khi bị gãy ngang thân thì nhất định cây dừa sẽ chết. Tuy nhiên, cây dừa của gia đình ông lại không tuân theo quy luật như vậy. Bến Tre nổi tiếng là xứ dừa nhưng từ trước tới nay cũng chưa từng ghi nhận một trường hợp nào đặc biệt như thế. Hơn nữa, tập tính của dừa sinh trưởng tốt ở điều kiện khí hậu ẩm ướt, trong khi đó Bình Phước là vùng đất đỏ bazan nắng và khô.Lấy làm lạ, gia đình ông cố giữ nguyên cây dừa lại để xem xét. Theo thời gian, cả 3 ngọn dừa ấy lớn lên nhanh chóng, ra rất nhiều trái, khiến ai ai cũng phải ngỡ ngàng. Cả 3 ngọn dừa đều có chiều cao trung bình là 13m. Bán kính gốc là 30cm. Đoạn từ gốc tới 3 ngọn dừa cao 5m và từ mỗi nhánh lên đến ngọn cây cao khoảng 7m. Đến nay cây dừa đã tròn 30 năm tuổi, cứ mỗi ngọn cho ra từ 6 đến 8 buồng dừa, mỗi buồng có khoảng 10 quả", ông Nhãn cho biết. Lúc đó, những người đi qua nhìn thấy cây dừa có 3 ngọn đã vô cùng ngạc nhiên. Đặc biệt hơn, nước trái dừa ở 3 nhánh này lại có mùi vị hoàn toàn khác nhau. Quả dừa ở ngọn thứ nhất, nước có vị ngọt mát, đậm đà, ngọn thứ 2 nhạt hơn còn ngọn thứ 3 thì hơi chua.
Để xác minh "công năng" của cây dừa đặc biệt này, chúng tôi đã liên hệ với những người từng khỏi bệnh nhờ ăn và uống nước dừa. Theo như danh sách bệnh nhân mà ông Tư Hai (phó ấp - PV) cung cấp thì có khoảng gần 30 người khẳng định là đã hết bệnh sau khi uống nước vài trái dừa nhà ông Nhãn. Bệnh nhân mới nhất đó là anh Nguyễn Văn Tuyến (35 tuổi). Theo lời kể của người đàn ông này, cách đây khoảng 2 tháng, anh đi nhậu bên nhà cha mẹ vợ, về thì bị tiêu chảy. Vợ anh (chị Hương) vốn là dược sỹ, đã kê cho chồng vài liều thuốc để uống. Tuy nhiên, kết quả vẫn không khả quan. Không những vậy anh còn bị mất nước, người bơ phờ mệt mỏi. Lúc đó, anh Tuyến nghe bà Hai (mẹ ruột- PV) mách nước là trái dừa nhà ông Nhãn có thể chữa bệnh. "Tôi công tác ở UBND huyện, vợ lại hoạt động trong ngành y nên không tín chuyện này. Nhưng đúng là sau khi uống hết một quả dừa nhà ông Nhãn, tôi thấy có tác dụng ngay, uống đến quả thứ 3 thì khỏi hẳn",
Theo nhiều người dân địa phương thì cây dừa 3 ngọn này chứa nhiều điều kỳ lạ mà không ai có thể lý giải được.
Cây dừa lạ từ hình dáng bên ngoài cho đến nước của trái dừa. Họ còn xì xào nhau rằng, gia đình nào có được cây dừa này thì sẽ gặp nhiều may mắn.
Chính điều này đã khiến người dân hiếu kỳ từ khắp nơi tìm đến để được chiêm ngưỡng cây dừa có một không hai này. Bà Nguyễn Thị Định (88 tuổi, sống gần nhà ông Nhãn kể: "Cây dừa này có nhiều điều kỳ lạ rất khó hiểu. Cả đời tôi đây là lần đầu tiên được chứng kiến cây dừa có tới 3 ngọn như vậy. Tôi bị đau dạ dày, chân tay lại thường hay nhức mỏi. Bởi vậy tháng 8 vừa qua, thấy cây dừa ra nhiều trái, tôi đã bảo mấy đứa cháu sang mua vài trái về uống nước. Nhưng ông Nhãn không bán, ai có nhu cầu thì ông ấy hái xuống cho uống thưởng thức". Theo lời kể của bà Định thì sau khi bổ trái dừa ra, bà thấy nước dừa có vị rất lạ, chua và nhạt như có mùi ga uống xong được gần tiếng đồng hồ, bà Định thấy người khỏe hẳn, chân tay đỡ nhức mỏi hơn.
Trước kia, bà Định thường dùng thuốc Tây nhưng từ đó tới nay, mỗi khi nhức mỏi, bà lại sang xin ông Nhãn vài quả dừa về uống.
Dư luận địa phương đồn thổi, đây là cây dừa có khả năng chữa bách bệnh.
Bản thân ông Nhãn cũng không lý giải được điều này, ông chỉ thấy cây dừa của gia đình mình đặc biệt vì có tới 3 ngọn. "Nhưng thấy mọi người khỏi bệnh tôi cũng mừng. Kể từ khi có cây dừa này đến nay, gia đình tôi lúc nào cũng gặp rất nhiều niềm vui và may mắn. Con cháu trong nhà ngoan ngoãn, gia đình làm ăn cũng khấm khá hơn. Tôi luôn xem đây là phước lộc trời ban tặng nên rất quý trọng, cố gắng gìn giữ và bảo vệ nó. Cây dừa 3 ngọn này mang lại lợi ích kinh tế rất cao. Tôi nghĩ các nhà nghiên cứu nên tìm ra cách nhân giống, cấy ghép để có thêm những cây dừa 3 ngọn. Như vậy thì thu hoạch của người nông dân sẽ tăng gấp nhiều lần so với cây dừa thường", ông Nhãn tâm sự.
Theo chuyên gia Đông y: "Trái dừa được xem là dược liệu quý cho sức khỏe"
Lý giải về trường hợp cây dừa lạ này Lương y Lương Bình (Phòng khám chữa miễn phí cho mọi người ở chùa Thiên Phước, tỉnh Bình Dương) cho biết: Trái dừa được xem là loại quả "kỳ diệu" có gần như toàn bộ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nước dừa non (mềm như thạch) chứa nhiều enzym tốt cho tiêu hóa, dùng chữa các bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan, đái tháo đường, lỵ trĩ, viêm đại tràng. Nước quả dừa còn non được các nhà khoa học gọi là nước khoáng thực vật và được dùng làm dịch truyền cho người mất nước trong thời chiến tranh.
Tuy nhiên, nước dừa lấy ra khỏi quả sẽ bị mất khí vị nên cứ để nguyên quả mà uống. Tốt nhất là uống ngay khi vưà chặt, tránh thả dừa xuống đất. Mới đi nắng về, đang đói mệt không nên uống nước dừa, nhất là người đang có bệnh vì dễ bị những tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh... Trước khi thi đấu thể thao, không nên uống nước dừa. Bình thường, mỗi ngày chỉ nên uống một quả. Uống nhiều sẽ gây đầy bụng, nhất là khi có kèm đá lạnh và uống vào chiều tối", lương y Bình khuyến cáo.
Nhân dừa khô có thể được ép thành dầu dừa. Qua nhiều nghiên cứu thực tiễn cho thấy, dầu dừa là lựa chọn ưu việt để dưỡng da mặt, tẩy trắng, dưỡng môi (khi bị nứt, khô), dưỡng ẩm toàn thân, dưỡng da tay, da chân, tẩy tế bào chết, dưỡng tóc- ngăn ngừa tóc khô và chẻ ngọn. Những mái tóc đen mượt óng ả của các cô gái Bến Tre đều được chăm chút hàng ngày từ dầu dừa. Lương y Bình cho biết: "Mỗi sáng ngậm một muỗng dầu dừa rồi nhai thật kỹ thì có thể phòng và chữa được nhiều căn bệnh". Dầu dừa có nhiều công dụng, nhưng phải biết cách dùng và tùy thuộc thể trạng từng người. Những người bị đái tháo đường, cao huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch, cao tuổi, tiêu chảy, suy nhược, phụ nữ mang thai... cần cẩn trọng khi sử dụng dầu dừa
Theo Đời sống & Hôn nhân