Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng của Bộ Tài chính là “đơn giản đến lạnh lùng và vô cảm. Một chính sách tác động lên sinh kế của hơn 90 triệu người lại được tính toán và hoạch định giản đơn hơn bài toán thống kê của sinh viên năm nhất”.

Chuyên gia nói giảm trừ gia cảnh ở mức 11 triệu đồng là 'lạnh lùng và vô cảm'

03/03/2020, 16:09

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng của Bộ Tài chính là “đơn giản đến lạnh lùng và vô cảm. Một chính sách tác động lên sinh kế của hơn 90 triệu người lại được tính toán và hoạch định giản đơn hơn bài toán thống kê của sinh viên năm nhất”.

Bộ Tài chính dự tính điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh - Ảnh minh họa

Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo Nghị quyết, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) với đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng mỗi tháng (tức 132 triệu đồng một năm). Mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng mức GTGC (cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng) sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013.

Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao. Như vậy, người có thu nhập dưới 15 triệu đồng kèm một người phụ thuộc phải nộp thuế 120.000 đồng mỗi tháng. Nếu áp dụng điều chỉnh thì nhóm đối tượng này không phải nộp thuế.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, cách Bộ Tài chính làm là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23% để ra con số làm tròn 11 triệu đồng. Ông cho rằng đây là cách làm “đơn giản đến lạnh lùng và vô cảm. Một chính sách tác động lên sinh kế của hơn 90 triệu người lại được tính toán và hoạch định giản đơn hơn bài toán thống kê của sinh viên năm nhất?”.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Bảo nói khi người ta lấy giá trị của một hàng hoá điều chỉnh theo CPI là để quy về trạng thái ngang giá của tài sản cơ sở ở quá khứ và hiện tại. Nói dễ hiểu hơn, giả sử bữa cơm của 1 gia đình 4 người vào năm 2017 có trị giá 100.000 đồng thì với cách tính trên năm 2019 là 123.000 đồng. Nghĩa là thành phần, số lượng và chất lượng bữa ăn không có gì thay đổi.

“Với cách tiếp cận vấn đề của Bộ Tài chính, lẽ nào sau gần 10 năm chất lượng cuộc sống của nhân dân ta vẫn giậm chân tại chỗ, không thêm được tí rau tí thịt nào? Trong khi lãnh đạo đất nước đang lạc quan về hiện trạng kinh tế nước nhà, thành quả tăng trưởng kinh tế, chất lượng đời sống, xã hội được cải thiện từng ngày?”, ông Bảo nêu câu hỏi.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cách tính của Bộ Tài chính chỉ nhằm một mục đích duy nhất là tối đa hóa số thuế thu được và vi phạm nguyên tắc bồi dưỡng nguồn thu.

“Nếu muốn tính cho gọn thì phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì đây là ngưỡng thu nhập chịu thuế nên phải điều chỉnh bằng tốc độ tăng thu nhập, chứ không được đánh tráo khái niệm bằng tốc độ tăng CPI”, ông nói.

Theo đó, cứ cho rằng tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân 6,5% trong giai đoạn 2013 - 2019 thì để luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 thì mức tăng trưởng thu nhập tích lũy là hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu đồng. Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn là 6 triệu đồng/người. Nghĩa là một người có thu nhập bình quân 1 tháng 20 triệu đồng, phải nuôi thêm 1 người phụ thuộc thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Nhưng theo chuyên gia này, tốt nhất là ngưỡng thu nhập chịu thuế cũng phải được điều chỉnh hằng năm để bám sát thực tiễn cuộc sống. Bộ Tài chính nên tính toán kỹ thời điểm và phương pháp để truyền thông chính sách này sao cho hiệu quả. Muốn thu tiền dân thì hãy đợi lúc họ vui chứ không phải lúc mà mặt mũi người nào cũng đang kín mít khẩu trang! Ông Bảo nhấn mạnh cần khoan thư sức dân.

Trả lời báo chí, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng cho đến nay Bộ Tài chính vẫn đang loay hoay gọt đẽo thuế thu nhập cá nhân khi không rõ triết lý và nguyên tắc đánh thuế thu nhập cá nhân.

Theo ông Đức, về nguyên tắc, nhà nước phải đánh thuế đối với mọi khoản và mọi mức thu nhập. Tuy nhiên để đơn giản, nhà nước loại trừ bớt số phải nộp ở mức thấp, do đó mới có mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh lại không dựa vào mức sống tối thiểu, không dựa vào thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.

Nếu căn cứ vào mức sống hay mức lương tối thiểu thì mức giảm trừ gia cảnh là quá cao. Còn nếu tính hợp lý thì phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu (có hoá đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý).

Chuyên gia này dẫn ví dụ, một người tuy thu nhập khá cao, nhưng sống vẫn khó khăn do phải chi phí cho học hành, bệnh tật, thuê nhà ở, mà vẫn phải nộp thuế nhiều hơn người sống sung sướng có thu nhập thấp hơn thì điều đó là quá bất công.

“Nếu theo đề xuất mới nhất là giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng thì 2 vợ chồng nuôi 2 đứa con nhỏ, phần thu nhập từ trên 30,8 triệu đồng/tháng mới bắt đầu phải nộp thuế. Như vậy, mức thu nhập dưới 11 triệu đồng chưa tính người phụ thuộc và bình quân dưới 7,7 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc không phải nộp thuế.

Đặt ra mức đó với hàm ý: nếu chỉ có mức thu nhập tối thiểu bảo đảm cuộc sống thì chưa phải đóng thuế. Vậy làm sao có thể lý giải được trong khi tại thời điểm này nhà nước chỉ trả cho người lao động của mình mức thu nhập tối thiểu chung để bảo đảm cuộc sống là 1.490.000 đồng/tháng, chưa kể còn phải nuôi người phụ thuộc”, ông Đức nêu.

Nói về quy định chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát trên 20%, ông Đức nói: “Con số lạm phát là do nhà nước công bố, vậy khi nào đạt mức ấy thì nó phải mặc nhiên được áp vào việc thu thuế hằng năm theo thông báo của Tổng cục Thuế hoặc cùng lắm là Bộ Tài chính, chứ sao phải trình qua Chính phủ lên tận Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định?".

“Chưa kể, con số lạm phát trên 20% mới điều chỉnh là quá cao, cần giảm xuống một nửa. Nếu 1-2 năm vượt mức này thì còn đỡ, nhưng giả sử xảy ra trường hợp, lạm phát đã tăng 20%, nhưng không vượt hơn trong nhiều năm thì người nộp thuế sẽ bị thiệt dài hạn. Với thực tế như trên, việc quy định lạm phát 20% mới giảm trừ gia cảnh như trong thời gian qua thật là vô lý”, ông Đức bình luận.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia nói giảm trừ gia cảnh ở mức 11 triệu đồng là 'lạnh lùng và vô cảm'