Chuyên gia Phát triển khu vực tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Donald Lambert khuyến nghị 3 chiến lược mấu chốt để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng trong kế hoạch 5 năm tới và những năm tiếp theo.
Theo ông Donald Lambert, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới cho giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới cho giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, để đạt được tham vọng này, Việt Nam cần áp dụng những cách thức tiếp cận mới để tài trợ cho phát triển.
Năm 2015, Việt Nam là nước đứng thứ 5 nhận hỗ trợ phát triển chính thức ròng lớn nhất và đủ tiêu chuẩn được nhận hỗ trợ ưu đãi nhất từ ADB và các nhà tài trợ khác.
Nhưng câu chuyện giờ đây đã khác. Theo dữ liệu mới nhất hiện có, đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã gia tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 6,3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam hiện đã xác lập vững chắc vị thế quốc gia thu nhập trung bình và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, thành công này cũng có nghĩa rằng các nhà tài trợ sẽ bắt đầu phân bổ các khoản viện trợ không hoàn lại và các nguồn vốn hỗ trợ nhiều ưu đãi cho các quốc gia có nhu cầu cấp bách hơn. Năm 2017, Việt Nam đã “tốt nghiệp” phân loại quốc gia được hỗ trợ ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và 18 tháng sau cũng ra khỏi danh mục phân loại tương đương của ADB.
Chuyên gia từ ADB cho rằng Việt Nam cần theo đuổi 3 khuyến nghị chiến lược. Chiến lược đầu tiên là sử dụng xúc tác nhiều hơn cho hỗ trợ phát triển. Điều này đòi hỏi một tư duy khác.
“Việt Nam không còn là một quốc gia thu nhập thấp nữa, nhưng cũng chưa sẵn sàng tự tài trợ thông qua đầu tư tư nhân và thị trường vốn trong nước. Một giai đoạn chuyển tiếp là cần thiết khi Việt Nam sử dụng sự trợ giúp của các nhà tài trợ để làm xúc tác cho đầu tư tư nhân và nếu không có xúc tác này, đầu tư tư nhân sẽ không tự đến”, ông Lambert nói.
Tuy nhiên, theo ông thì giai đoạn chuyển tiếp này sẽ đòi hỏi các công cụ mới, bao gồm phát hành các khoản bảo lãnh đối ứng cho ADB và các đối tác phát triển khác để họ có thể sử dụng xếp hạng tín nhiệm quốc tế cao của mình nhằm giảm rủi ro cho các dự án.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên ưu tiên sử dụng hỗ trợ phát triển để tăng cường cho khu vực tài chính, cung cấp những cơ chế dự phòng hoặc các hoạt động tăng cường khác nhằm giúp các doanh nghiệp nhà nước được giao các dự án lớn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí phù hợp. Cùng với đó là cho phép các đối tác phát triển phát hành trái phiếu liên kết tiền đồng để giảm chi phí vốn cho các bên vay của Việt Nam.
Trên đây là tất cả những biện pháp mà ADB và các bên khác đã áp dụng ở nhiều quốc gia thu nhập trung bình khác. Nhưng theo chế định hoặc theo chính sách, hiện tại những biện pháp này vẫn chưa thể áp dụng tại Việt Nam.
Cũng theo ông Lambert, cần sử dụng hỗ trợ phát triển mang tính xúc tác để thu hút đầu tư tư nhân có mối quan hệ chặt chẽ với ưu tiên chiến lược thứ hai: thông qua đạo luật mạnh về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
“Luật này cần giảm thiểu rủi ro tốt hơn khi nhu cầu đối với một dự án cơ sở hạ tầng thấp hơn so với dự báo. Thực tế là Việt Nam đã thực hiện điều này với biểu giá điện hỗ trợ cho các dự án sản xuất điện năng. Luật PPP cần có khả năng đảm bảo tương tự cho các lĩnh vực khác, nhất là giao thông. Điều này có thể đạt được thông qua bảo lãnh doanh thu tối thiểu hoặc bảo đảm rằng các khoản thanh toán khả dụng sẽ được tự động gia hạn vượt quá mức trần hiện thời là 5 năm”, chuyên gia của ADB nhận định.
Tuy nhiên, có một quan ngại khác trong PPP là luật áp dụng. Nghị định hiện hành về PPP cho phép phạm vi sử dụng luật pháp nước ngoài trong giải quyết tranh chấp các hợp đồng PPP rộng hơn so với dự thảo luật PPP.
Các khoản đầu tư theo hình thức đối tác công tư đòi hỏi những hợp đồng pháp lý phức tạp, và các nhà đầu tư thường dựa vào những hệ thống pháp lý có bề dày án lệ để diễn giải chúng. Cuối cùng là rủi ro chấm dứt hợp đồng cần phải được tính đến.
Một khi dự án được xây dựng, các nhà đầu tư cần sự bảo đảm rằng họ sẽ được trả tiền ngay cả khi chính phủ chấm dứt hợp đồng. Nếu không có những thay đổi này, thành công của luật PPP mới là không chắc chắn, và các dự án đấu thầu trong lĩnh vực đường bộ và các lĩnh vực khác nhiều khả năng sẽ chỉ nhận được sự quan tâm hạn chế từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Ưu tiên chiến lược cuối cùng là huy động tốt hơn các thị trường vốn trong nước. Việc thông qua Luật Chứng khoán mới vào tháng 11.2019 là một bước đi hữu ích, cũng như những thay đổi pháp lý gần đây khuyến khích các công ty tìm đến thị trường trái phiếu thay vì ngân hàng để tài trợ cho các khoản nợ dài hạn.
Tuy nhiên, vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa. Các quỹ hưu trí tư nhân, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm, tất cả đều cần lớn mạnh để tạo ra nền tảng vững chắc cho nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, quỹ hưu trí nhà nước - cơ quan bảo hiểm xã hội - trước hết phải có khả năng quản lý thận trọng và thứ hai là bắt đầu đầu tư vào nợ doanh nghiệp.
“Việt Nam cần thành lập một cơ quan xếp hạng tín dụng và chính phủ nên chủ động tiếp thị cơ hội đầu tư này tới những tổ chức xếp hạng quốc tế. Những bước đi này sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, tạo ra cơ hội cho trái phiếu dự án, đặc biệt nếu có sẵn các cơ chế nâng hạng tín nhiệm cho những công cụ này”, ông Lambert nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng việc Việt Nam tốt nghiệp các nguồn tài trợ ưu đãi hiển nhiên là tích cực. Vấn đề giờ đây là quản lý thành công này bằng việc xây dựng chiến lược tài trợ cho kế hoạch 5 năm tiếp theo và hy vọng rằng Việt Nam sẽ không bao giờ quay lại là một trong những quốc gia nhận viện trợ lớn nhất của thế giới.
Lam Thanh