Chuyển giá và định giá là hai việc có tên gọi khác nhau, nhưng liên quan với nhau rất chặt chẽ. Xin được chia sẻ một vài kinh nghiệm về việc này để hiểu rõ thực chất của công việc và vấn đề. Các chia sẻ được kể lại là kinh nghiệm thật hai mươi năm trước từ những công ty đa quốc gia rất lớn, có tên trong danh sách 50 công ty lớn nhất thế giới thời đó.

Chuyển giá trong bối cảnh tự do thương mại

11/07/2019, 06:40

Chuyển giá và định giá là hai việc có tên gọi khác nhau, nhưng liên quan với nhau rất chặt chẽ. Xin được chia sẻ một vài kinh nghiệm về việc này để hiểu rõ thực chất của công việc và vấn đề. Các chia sẻ được kể lại là kinh nghiệm thật hai mươi năm trước từ những công ty đa quốc gia rất lớn, có tên trong danh sách 50 công ty lớn nhất thế giới thời đó.

Mục tiêu của chuyển giá là tối đa hóa lợi nhuận sau thuế - Ảnh: minh họa.

Định nghĩa và mục tiêu của việc Chuyển Giá

Định Nghĩa: Chuyển Giá được xem như định giá các sản phẩm trên chuỗi giá trị gia tăng để chuyển từ thành viên này sang thành viên khác của cùng một tập đoàn, một công ty đa quốc gia.

Chúng ta sẽ thảo luận trường hợp các thành viên là những công ty cùng do vốn của một công ty đa quốc gia và được thành lập tại các quốc gia khác nhau.

Mục tiêu của chuyển giá là tối đa hóa lợi nhuận sau thuế.

Ai phụ trách và ai góp phần trong việc Chuyển Giá?

Thông thường, một công ty có 3 nhánh hoạt động chính:

a) Nhánh Cung ứng và Sản xuất

b) Nhánh Kinh doanh, chủ yếu là Sales và Marketing

c) Nhánh Hỗ trợ, gồm tất cả các phần hỗ trợ hai nhánh trên. Trong đó có Tài chính kế toán, Nhân sự, Mua sắm, Pháp lý...

Việc Chuyển Giá và Định Giá do Giám đốc kinh doanh lãnh đạo, với sự tham gia chính yếu của Tài chính và Pháp lý.

Các việc cụ thể cần làm

Xin có các giả sử sau:

a) Công ty đa quốc gia tên ABC, công ty con đặt tại quốc gia X là ABC-X, công ty con đặt tại Việt Nam là ABC-Viet

b) Công ty đó sản xuất hàng bán thành phẩm (semi-fimished product) tại quốc gia X với công đoạn phối chế (formulation), rồi xuất sang Việt Nam để đóng gói cho ra thành phẩm (finished product). Giá bán thành phẩm mà công ty ABC-Viet mua từ công ty ABC-X chính là Giá Chuyển (Transfer Price).

b) ABC định mức lời kể từ khâu sản xuất bán thành phẩm (tại ABC-X) cho tới lúc giao thành phẩm cho nhà phân phối tại Việt Nam là 40% sau thuế. Và giả sử mức thuế doanh nghiệp tại X là 10%, tại Việt Nam là 26%. Ta thấy mức chênh lệch thuế là 16%.

Việc phải làm đầu tiên là thu thập thông tin tại các quốc gia có liên quan, cụ thể là X và Việt Nam. Thông tin về thuế, về các đối thủ cạnh tranh và đối tác, về tập quán kinh doanh, về tiềm năng phát triển kinh doanh... trong đó quan trọng nhất và bao trùm là chính sách thuế. Một bản so sánh mức thuế giữa hai quốc gia được đặt ra và sau đó là một chương trình mô phỏng thích hợp nhất.

Công ty ABC có hai nấc có thể thu lời. Nấc đầu là sản phẩm bán từ ABC-X cho ABC-Viet, nấc thứ hai là sản phẩm bán tại Việt Nam cho các nhà phân phối. Nhóm trách nhiệm sẽ cho các thí dụ mô phỏng chia lợi tức, từ rất thấp bên X và rất cao bên Việt Nam cho tới rất cao bên X và rất thấp bên Việt Nam.

Chương trình mô phỏng sẽ cho biết lợi tức gộp sau thuế là bao nhiêu. Do thuế của X thấp hơn thuế của Việt Nam, lý tưởng nhất là để tất cả lợi tức bên X, không để lợi tức nào bên Việt Nam. Tuy nhiên còn các mặt khác cần cân nhắc. Thí dụ có phù hợp về mặt pháp lý không, nếu có thì dứt khoát phải tránh. Do đó, Giá Chuyển là một giá cân bằng đáp ứng nhiều khía cạnh, nhưng chắc chắn Giá Chuyển có khuynh hướng để lại phần nhiều bên X, nơi có mức thuế thấp, và chỉ phần ít để lại bên Việt Nam, nơi có mức thuế cao.

Bản chất của vấn đề

Rõ ràng, bản chất của vấn đề Chuyển Giá là tối đa hóa lợi nhuận sau thuế của công ty. Công ty có đầy đủ tính chính đáng để lại ích của mình nơi thuế lợi tức thấp hơn.

Trong bất kỳ hoạt động nào cũng có những người gian lận. Gian lận thì luật pháp có cách xử lý riêng. Nếu xét về những thành phần và yếu tố hợp pháp trong hoạt động Chuyển Giá, ta sẽ thấy bản chất vấn đề chính là sự cạnh tranh giữa các quốc gia, trong đó chính sách thuế đóng vai trò quan trọng bao trùm. Có thể nói là sự cạnh tranh giữa các quốc gia bằng chính sách thuế.

Cho nên, để giải quyết vấn đề Chuyển Giá sao cho có lợi nhất cho Việt Nam, giải pháp tốt và lâu dài nhất là chính sách sách thuế hợp lý và cạnh tranh. Chính phủ có thể thậm chí phải chấp nhận thu thuế thấp một chút vì món lợi chung cho đất nước. Về lâu dài, chắc chắn chính sách thuế thích hợp không chỉ thúc đẩy Chuyển Giá chuyển lợi nhuận về Việt Nam, mà còn thu hút thêm đầu tư, thúc đẩy các ngành sản xuất phụ trợ do chi phí sản xuất thấp... đưa trình độ sản xuất công nghiệp của đất nước lên cao. Lúc đó thu từ thuế sẽ tăng lên, cùng lúc sự giàu mạnh chia đều hơn cho các thành phần trong đất nước, tạo nền kinh tế vững chắc hơn.

Muốn làm được việc này, bộ máy công phải liêm chính và có năng lực. Phải cắt giảm tối đa các chi phí không hiệu quả, phải kiểm soát tham nhũng và nhũng nhiễu doanh nghiệp dưới nhiều dạng khác nhau... để quốc gia có đủ nguồn lực cạnh tranh với các quốc gia khác.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển giá trong bối cảnh tự do thương mại