“Việt Nam cần khiêm tốn học hỏi Thái Lan về quản trị, về cách làm ăn tử tế, bền vững, về đoàn kết trong kinh doanh… để sau này phát triển lên, có thể mua lại những cổ phần này từ tay họ”, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: ‘Phải học Thái Lan vươn lên, rồi mua lại cổ phần từ tay họ’

Trí Lâm | 19/12/2017, 05:29

“Việt Nam cần khiêm tốn học hỏi Thái Lan về quản trị, về cách làm ăn tử tế, bền vững, về đoàn kết trong kinh doanh… để sau này phát triển lên, có thể mua lại những cổ phần này từ tay họ”, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.

Chiều 18.12, Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343,66 triệu cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ.

Tại phiên đấu giá, có hai lệnh mua được đưa vào hệ thống, một lệnh gom toàn bộ 343,66 triệu cổ phần với giá 320.000 đồng/cổ phần (một tổ chức) và một lệnh mua 20.000 cổ phần với giá 320.500 đồng/cổ phần (cá nhân).

Giá đặt mua thành công bình quân là 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng giá khởi điểm chào bán.Tổng giá trị cổ phần bán được là hơn 109.972 tỉđồng.

Tổ chức đăng ký mua cổ phần và đặc cọc khoản tiền lớn trước đó chính là Công ty TNHH Vietnam Beverage.Vietnam Beverage là một công ty nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% có trụ sở tại HongKong. Doanh nghiệp này được phép mua với tỷ lệ tối đa 51%.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về thương vụ này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, khi hội nhập, mở cửa nền kinh tế thì phải chấp nhận việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Trước nay, hệ thống bán lẻ của Việt Nam bị nước ngoài mua rất nhiều, nhất là Thái Lan.

“Quan trọng là phải mình bạch, công bố rộng rãi thông tin chứ đừng sợ cổ phần hóa, đừng lồng cá nhân vào, đừng lợi dụng cổ phần hóa mà đút túi. Nhà nước cũng phải chấp nhận cổ phần hóa, thu hồi vốn chứ nếu Nhà nước mà kinh doanh ở tất cả các mảng thì không hiệu quả, bằng chứng là nhiều tập đoàn nhà nước thời gian qua bung bét ra”, ông Phú nói.

Vị này cũng nhấn mạnh: “Họ vào làm cho lợi nhuận cao lên, lương công nhân cao, chấp hành chính sách tốt thì có vấn đề gì đâu? Tới đây còn bán nhiều lĩnh vực khác. Ví như xăng dầu có thể bán bớt một phần để bớt độc quyền đi".

Chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần khiêm tốn học hỏi Thái Lan về quản trị, về cách làm ăn tử tế, bền vững, về đoàn kết trong kinh doanh… để sau này phát triển lên, có thể mua lại những cổ phần này từ tay họ.Đồng thời, phải xây dựng được những tập đoàn mạnh trong nước để vươn lên trong hệ thống phân phối.

“Vai trò Nhà nước phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, ngăn chặn gian lận, tạo điều kiện cho người ta làm ăn tử tế để họ đóng thuế vào ngân sách; phải uốn họ theo quy định pháp luật của mình, đừng để trốn thuế, chuyển giá… chứ không cần phải giữ tất cả lại để kinh doanh”, ông Phú nói.

Bên cạnh việc nhà nước nhận thức đúng và chú trọng phát triển hệ thống phân phối nội địa thì các doanh nghiệp cũng học hỏi và phát triển lên. “FDI vào thì mình phải phấn đấulàm được linh kiện cho nó, chứ không chỉ làm bao bì”.

Trả lời báo chí về việc thoái vốn Sabeco lần này, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết Sabeco là một khoản đầu tư trọng điểm của Chính phủ, Nếu bán vốn thành công thì khoản thu về ngân sách để tái đầu tư phát triển rất lớn.

Đặc biệt, bán vốn tại Sabeco có ý nghĩa rất lớn đó là thực hiện lời hứa với nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước rằng Nhà nước không đầu tư những lĩnh vực tư nhân làm được, củng cố niềm tin thị trường với thông điệp “Chính phủ nói là làm”.

Vị này cho rằng, theo nguyên tắc thì ai trả giá cao thì người đó mua được, rất bình đẳng. Xét về tư cách cá nhân, nếu họ thực hiện hợp pháp, đúng quy định, quy chế đấu giá thì tất nhiên họ được mua. Nếu doanh nghiệp độc quyền, thâu tóm giá... thì sẽ xử lý theo luật pháp.

Trong một ngành mà nhà nước không có chủ trương nắm giữ, họ phải cam kết giữ thương hiệu theo quy định, thì không nên hạn chế. Nhà đầu tư phải cam kết với Chính phủ giữ thương hiệu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có 4, 5 cuộc kêu gọi đầu tư, có tác động tích cực thu hút nhà đầu tư với môi trường chính sách ổn định, sự nhất quán của Chính phủ. Chưa bao giờ dòng tiền nước ngoài vào thị trường nhiều như vậy, do đó đây là cơ hội để doanh nghiệp thoái vốn, cổ phần hoá, cung gặp cầu.

“Có thể nói quá trình cổ phần hoá đã thực sự thay đổi về chất, sân chơi của Việt Nam đã phù hợp với một số nguyên tắc cơ bản của thị trường như về thông lệ thị trường, công khai, minh bạch, quản trị… Chúng tôi đang nghiên cứu phương pháp bán vốn, thoái vốn theo thông lệ quốc tế, như hình thức dựng sổ (book building). Đặc biệt, Chính phủ cũng đã quyết tâm trong việc yêu cầu sau khi cổ phần hoá phải niêm yết ngay", ông Đặng Quyết Tiến nói.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: ‘Phải học Thái Lan vươn lên, rồi mua lại cổ phần từ tay họ’