Vào mùa khai thác gỗ, người thợ rừng xứ U Minh Hạ lại bận rộn chuẩn bị đồ nghề máy móc để cắt cây thuê. Công việc khai thác cây rừng tuy vất vả, nhưng cho thu nhập tương đối tốt.

Chuyện ít biết về nghề khai thác cây rừng ở U Minh

Trần Khải | 02/11/2023, 21:00

Vào mùa khai thác gỗ, người thợ rừng xứ U Minh Hạ lại bận rộn chuẩn bị đồ nghề máy móc để cắt cây thuê. Công việc khai thác cây rừng tuy vất vả, nhưng cho thu nhập tương đối tốt.

Hiện nay, nhiều khu vực ở lâm phần rừng tràm U Minh Hạ đang bước vào mùa khai thác. Đó cũng là lúc nhiều lao động ở địa phương có thêm việc làm. Nghề cắt cây rừng đã tồn tại từ nhiều năm nay ở xứ này.

Vào vụ khai thác, những lao động có chuyên môn bắt đầu đem đồ nghề được cất giữ ở một góc nào đó trong nhà ra mài cho sắc bén, rồi xịt dầu nhớt cho trơn tru, chuẩn bị vào vụ khai thác mới.

6(1).jpg
Nhiều người chọn vào rừng cắt cây vào ban đêm

Người làm nghề khai thác cây rừng ở U Minh Hạ có thể lựa chọn khung giờ làm việc ban ngày hay đêm đều được, miễn sao công việc hoàn thành đúng cam kết với chủ rừng. Công cụ mang theo vào rừng của người thợ gồm máy cưa, dây thừng, xăng dầu, cơm nước, nhang trừ muỗi, đèn pin… là có thể làm việc cả ngày hoặc đêm.

2.jpg
Giá lâm sản hiện nay ở mức thấp

Mùa khai thác cây rừng, ở những khu vực lâm phần được cấp phép khai thác, bất kể ngày đêm, người dân địa phương đều có thể nghe tiếng cưa máy. Nhiều người đã quá quen với âm thanh ồn ào này, nên khi không còn tiếng cưa ở một góc rừng nào đó thì hiểu rằng “khu vực đó đã khai thác xong”.

3.jpg
Công việc cắt cây thường làm theo nhóm để tiện phân công giao việc

Anh Lê Minh Luân ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau) cho biết anh thường chọn làm việc buổi tối, bởi thời gian này đỡ bị tiêu hao sức lực như khi nắng nóng và ít bị côn trùng cắn.

“Người làm nghề đốn cây rừng phải có sức khỏe dẻo dai. Đặc biệt, phải có nhiều kinh nghiệm trong việc cắt hạ cây bởi nếu chỉ cần một bất cẩn nhỏ là nguy hiểm sẽ xảy ra”, anh Luân nói.

4.jpg
Khuân vác, sắp xếp vận chuyển cây sau khi đốn hạ

Theo anh Luân, người làm việc cắt cây rừng thường đi theo nhóm từ 3 - 4 người. Mỗi người đều được phân công nhiệm vụ cụ thể. Khi vào việc, ai cũng thao tác rất nhanh gọn và hiệu quả. “Khi bắt đầu công việc, anh em đều phải tập trung, mọi việc đều nhanh lẹ, dứt khoát. Làm lúc đêm tối càng cần cẩn thận, chú ý quan sát”, anh Luân cho hay.

Đối với nhóm anh Luân, vào mùa khai thác, nhóm thường lựa chọn khung giờ bắt đầu công việc từ lúc 2 giờ và kết thúc khoảng 10 giờ sáng. Giá cả cắt cây được tính theo hecta và đã được thỏa thuận trước đó với chủ rừng. Công việc của họ chỉ được xác nhận hoàn thành khi lâm sản được vận chuyển ra ngoài rừng đến nơi tập kết.

5.jpg
Xếp gỗ đầy ghe rồi vận chuyển ra nơi tập kết

Anh Nguyễn Văn Nhanh ngụ xã Nguyễn Phích cho hay trước đây anh làm việc ban ngày, nhưng do tốn sức nhiều mà năng suất không cao nên anh chuyển sang làm đêm.

“Mình bắt đầu công việc từ 2 giờ đến 10 giờ sáng là được 2 ghe gỗ, thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/người. Nghề này vất vả lắm, nếu chẳng may gặp mưa đêm thì khổ. Khi đó xuất hiện nhiều loại côn trùng như muỗi, vắt cắn rất khó chịu. Người làm nghề đốn cây rừng đòi hỏi phải nhanh nhạy, linh hoạt và có kinh nghiệm. Công việc cắt cây nặng nhọc, tiềm ẩn nguy hiểm từ rừng sâu như bị ong đốt, rắn cắn, cây đổ…”, anh Nhanh kể.

7.jpg
Cắt cây vào ban đêm

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện U Minh cho biết, để đảm bảo tốt công tác phòng cháy rừng nên địa phương chọn mùa mưa là thời gian cao điểm khai thác cây.

“Vào mùa khai thác, lực lượng kiểm lâm tăng cường kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản, kiểm tra kế hoạch khai thác rừng theo phương án đã thống nhất với chủ rừng”, ông Phong nói.

8.jpg
Người làm nghề cắt cây rừng phải có sức khỏe tốt mới kham nổi

Ông Phong cho biết: “Mùa khai thác cây rừng rất nhộn nhịp, nhiều lao động có thêm việc làm từ việc đốn cây, thu nhập tương đối tốt. Tuy nhiên, giá lâm sản hiện nay giảm mạnh. Gần đây tình hình có khởi sắc nhưng chưa cao, khi dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau triển khai xây dựng thì người dân bán lâm sản có giá hơn. Hiện giá tràm thâm canh được thương lái thu mua với giá từ 70 - 80 triệu đồng/ha, tràm quảng canh khoảng 30 triệu đồng/ha, giảm khoảng 50 triệu đồng/ha so với thời gian trước”.

1.jpg
Hiện nay người dân trồng rừng theo kiểu thâm canh bằng việc đào liếp cao để trồng

Theo ông Phong, cây keo lai hiện có giá hơn 200 triệu đồng/ha. Cây được trồng khoảng hơn 3 năm tuổi là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, chi phí đầu tư trồng keo lai cao gấp nhiều lần so với trồng tràm. “Tràm giảm, nên sau khi thu hoạch, nhiều hộ dân không mặn mà với việc trồng lại rừng, bởi chi phí bán cây không đủ cho việc cải tạo trồng lại rừng”, ông Phong nói.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện U Minh, so với 10 năm trước thì hiện nay đời sống của người dân lâm phần rừng U Minh Hạ đã được khá hơn. Các chính sách, chương trình, dự án, kỹ thuật hỗ trợ cho người dân luôn được chú trọng. Trên diện tích đất rừng được giao, bà con còn trồng hoa màu dưới tán rừng, lấy ngắn nuôi dài để ổn định đời sống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ít biết về nghề khai thác cây rừng ở U Minh