Nhồi Hoa công chúa là tên Việt của nàng trong các phong sắc thời nhà Nguyễn. Hiện ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình còn lăng mộ và đền thờ nàng rất cổ kính và linh thiêng, một di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng.

Chuyện ít người biết về nàng công chúa Lào trên đất Ninh Bình

Nguyễn Văn Lạng | 12/11/2023, 15:21

Nhồi Hoa công chúa là tên Việt của nàng trong các phong sắc thời nhà Nguyễn. Hiện ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình còn lăng mộ và đền thờ nàng rất cổ kính và linh thiêng, một di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng.

Nhồi Hoa công chúa là tên Việt của nàng trong các phong sắc thời nhà Nguyễn. Theo truyền khẩu bao đời nay tại Độc Trang Trại thuộc huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình xưa, nay là thôn Thái Sơn xã Sơn Lai huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình (gần khu chùa Bái Đính), từ những năm 1460 -1497 triều vua Lê Thánh Tông, khi đó nhà Lê rất hùng mạnh. Vua tôi đồng lòng, quân dân đoàn kết khiến các nước Chăm Pa, Chân Lạp, Ai Lao đều chịu quy phục, ngay cả triều nhà Minh nước Tàu cũng kính nể, kiêng dè.

Vua Ai Lao - Vạn Tượng từng nhiều lần cử người mang nông lâm đặc sản sang dâng vua nhà Lê. Chuyện kể rằng năm đó vua Ai Lao sai con gái yêu cùng binh mã tùy tùng mang mấy con voi chiến thuần thục sang dâng tặng vua Lê. Đoàn còn cử các nài voi chiến giỏi sang giúp huấn luyện đội tượng binh.

Sau khi việc dâng voi, huấn luyện hoàn tất, đoàn sứ giả Ai Lao về nước. Trên đường đi tới Độc Trang Trại (thôn Thái Sơn xã Sơn Lai huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình) đoàn nghỉ chân tại đây. Không may công chúa Ai Lao lâm bệnh nặng. Các quan quân tùy tùng quyết định dừng lại và tìm mọi cách chạy chữa cho công chúa. Đoàn dựng trại tại hai địa điểm là đồi Đập thôn Chàng và đồi Đền xã Phúc Lai khi đó, sau đổi thành Sơn Lai. Lại có một khu gò đất rộng cả vài mẫu gọi là Trại, rồi đồi Lều, đồi Phướn không biết có liên quan tới cuộc di chuyển đặc biệt của công chúa Ai Lao hay không? Nhưng có một cái tên còn mãi trong dân gian trong sử sách tới bây giờ, là Đường Cái Quan, con đường chạy qua những đất ấy. Sau bao vật đổi sao dời, qua mấy trăm năm, nay hình dáng con đường vẫn còn như xưa.

Theo truyền thuyết thì các lang y, ngự y cả Đại Việt và Ai Lao đều đã hết lòng cứu chữa nhưng bệnh tình công chúa không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng. Cuối cùng là cái kết buồn, công chúa đã băng hà ngay ở chân đồi Đền xã Phúc Lai, tại nơi có tên Dinh thuộc Độc Trang Trại. Cần nói thêm rằng trước kia các triều đại phong kiến đặt tên làng tôi là Độc Trang Trại, có lúc có người có thời gọi thành Lộc Trang. Sau ngày hòa bình lập lại 1954 người ta đổi lại tên thành thôn Thái Sơn, và xã Phúc Lai thành xã Sơn Lai như ngay nay.

cong-chua-3.jpg
Lăng mộ Nhồi Hoa công chúa tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình - Ảnh: Tác giả

Sau khi công chúa mất, vua Lê Thánh Tông và vua Ai Lao ra chiếu chỉ lo hậu sự, truy điệu an táng, chôn cất nàng Nhồi Hoa trên đồi Đền ngay sát núi Mỏ Phượng, rồi dân chúng quen gọi là Đền Thượng cho tới bây giờ. Cũng phải nó thêm rằng làng tôi - làng Thái Sơn, có địa hình, phong thủy rất tốt: làng xưa ở gần bờ sông Rịa, con sông bắt nguồn từ vùng rừng núi Cúc Phương chảy ra sông Hoàng Long gặp sông Đáy ở ngã ba Gián Khẩu. Làng có dãy núi dài hơn 2 cây số với những cái tên ấn tượng: đồi Phướn, cửa Hang, đồi Lều, đồi Ma Cả, đồi Chùa, hóc Vụng, hang Để Của, gồ Vàng... gắn với khá nhiều giai thoại trong hàng trăm năm mà người ở đây không mấy ai không biết.

Lăng mộ công chúa được xây dựng ngay cạnh đền thờ nàng, dân gọi là đền Thượng hoặc đền Mẫu, rất cổ kính, linh thiêng.

Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ cách đây gần 70 năm hằng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch làng có lễ cúng rước kiệu bức chân dung công chúa từ đền Thượng tới đình làng nơi thờ Thành hoàng Quý Minh Đại Vương, rồi sau đó quay về khu sân đền thờ-lăng mộ công chúa làm lễ tế rất linh đình. Mỗi lần tế lễ, khách thập phương, nhất là các làng xung quanh đến tham dự chỉnh tề và thụ lộc. Người ta vào dịp lễ tết hoặc ngày rằm mùng một vẫn lên dâng lễ thắp hương xin công chúa phù hộ, nghe kể lại rằng rất linh ứng. Đó là chốn linh thiêng. Cảnh đền, đình rất đẹp vì vẫn các thế hệ vẫn giữ được nguyên sơ khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Có nhiều lim xanh, dã hương, thông, muỗm, sưa đỏ...

Thật đáng buồn, sau đó vào những năm cuối thập niên 50 thế kỷ trước, người ta đã tháo phá dỡ phần tiền đường của ngôi đền và đình làng để lấy gỗ, ngói, gạch xây trụ sở thôn và... chia nhau. Toàn bộ khu thờ tự công chúa chỉ còn trơ phần hậu cung và lăng mộ. Các hoạt động thờ cúng bị cấm và sao nhãng mấy mươi năm, rơi vào cảnh tiêu điều, lạnh lẽo.

Đất nước vào thời kỳ đổi mới (sau năm 1986), là người con quê hương, khi còn là doanh nhân từ Tây Nguyên về, tôi đề xuất với các cụ bô lão và chính quyền thôn chuyện công đức xây dựng dần lại di tích lịch sử-văn hóa này. Mọi việc diễn ra khá thuận lợi, khởi công từ năm 1992 tới 2008 thì hoàn thành, rồi có được như ngày nay. Cùng với trùng tu phục chế các công trình, tôi đã liên hệ với các cấp chính quyền địa phương khôi phục, phục hồi lại những nghi lễ, múa chăm pa, lễ thành hoàng làng, giỗ lễ công chúa… Năm 2008, sau 2 năm được Thủ tướng chính phủ điều ra Hà Nội công tác, tôi đã có thư gửi Đại sứ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, và cũng từng trao đổi trực tiếp với ngài Thongloun Sisolith khi đó là Phó thủ tướng (sau là Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư) về di tích lịch sử-văn hóa này. Sau khi về hưu, tôi có điều kiện hơn về thời gian để tham gia cùng với lãnh đạo xã Sơn Lai, thôn Thái Sơn, nhất là ban khánh tiết làng, cho công trình và hoạt động lễ hội. Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình cũng quan tâm ủng hộ chỉnh trang di tích, xây dựng thêm các hạng mục, trồng thêm cây và làm thủ tục để trình UBND tỉnh Ninh Bình cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh... Năm 2010 tôi đã tài trợ chính cho ông Lã Đăng Bật và bà Nguyễn Thị Kim Khánh viết, xuất bản cuốn sách Nho Quan miền đất cổ, trong sách viết rõ về đền Hạ, đền Thượng thôn Thái Sơn, có cả đề cập về lịch sử, kiến trúc, văn hóa của ngôi đền-lăng mộ Nhồi Hoa công chúa.

cong-chua-2.jpg
Tác giả (giữa ảnh) và người dân trong dịp lễ giỗ công chúa Nhồi Hoa

Năm 2015, tôi tiếp tục viết thư gửi Đại sứ Lào tại Hà Nội và các cơ quan nghiên cứu lịch sử, văn hóa , du lịch cũng như chính quyền các cấp ở Ninh Bình. Nhiều nhà sử học như Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc..., các nhà chính trị, nhà báo đã về tận nơi thăm, tìm hiểu, viết bài về Nhồi Hoa công chúa. Từ đó, công trình và các hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống được nâng tầm, nhiều người biết tới. Mấy năm gần đây, hằng năm Đại sứ quán Lào và Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình thường xuyên cử đại diện về dự lễ giỗ Nhồi Hoa công chúa... Quỹ Văn hiến Việt Nam của cố GS-Anh hùng lao động Vũ Khiêu cùng Doanh nghiệp Xuân Trường đã tổ chức Hội thảo khoa học về Nhồi Hoa công chúa, có Đại sứ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào dự, phát biểu. Tại hội thảo, tôi đã có bài đề dẫn chính khá công phu, tâm huyết. Nhân kỷ niệm 60 năm tình hữu nghị Việt - Lào, năm nay 2023, Thường vụ Quốc hội tổ chức mít tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội cũng đã đưa vào chương trình bộ phim phóng sự về đền Nhồi Hoa công chúa Lào ở Ninh Bình .

Đền Nhồi Hoa công chúa hiện còn lưu giữ 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn. Tôi đã thuê Viện Hán Nôm dịch ra chữ quốc ngữ.

Việc Quỹ Văn hiến Việt Nam tháng 2.2020 tổ chức tọa đàm và nay lại tổ chức hội thảo khoa học lịch sử, bàn việc tôn tạo và xây dựng làng văn hóa Việt - Lào tại xã Sơn Lai là điều rất quý, rất hữu ích. Tôi rất đồng tình, ủng hộ. Đây sẽ là công trình lưu giữ về một chặng lịch sử lâu đời, sớm về quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Lào.

cong-chua-4.jpg
Các đại biểu, nhà nghiên cứu... dự hội thảo khoa học về Nhồi Hoa công chúa, do Quỹ Văn hiến Việt Nam tổ chức

Tôi chỉ tham gia vài ý kiến ban đầu như sau:

- Trước hết phải phối hợp, kết hợp với các bạn Lào nghiên cứu thật sâu, kỹ lưỡng, có phương pháp khoa học khách quan, thiết thực, đủ căn cứ minh chứng về lịch sử quan hệ giữa hai nước, hai triều đại, và nhất là những thân nhân hậu sinh, vật chứng liên quan tới Nhồi Hoa công chúa, nắm được thời gian, tên tuổi, sự kiện… trong suốt quá trình lịch sử để có thể đề nghị nâng cấp nơi này thành khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Cần mời các nhà khảo cổ, nghiên cứu Hán Nôm, sử học, nghiên cứu văn hóa tham gia, cho ý kiến.

- Khi đã đủ chứng cứ khoa học lịch sử và được công nhận thì nên tiếp tục xây dựng các dự án nâng cấp nơi thờ tự cũng như những công trình hoạt động văn hóa tâm linh, căn cứ theo những quy định pháp luật hiện hành, nhất là luật về bảo vệ di sản văn hóa lịch sử. Việc thực hiện cần quan tâm, tôn trọng thực tế, phong tục tập quán đã tồn tại hàng trăm năm nay của chính quyền và dân chúng nơi đây.

- Không nên can thiệp và phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và lịch sử một cách quá mức, mà cần tôn trọng, bảo tồn.

- Nên tham khảo nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan hữu quan của cả hai nước để dự án có hiệu quả về văn hóa lịch sử tâm linh và lòng dân.

- Nên kết nối với các dự án khác trong địa phương để tạo ra thế mạnh trong chuỗi giá trị nhiều mặt của công trình, nhất là với chuỗi các di sản thờ các vua thời Đinh - Lê, Tràng An, Vũ Lâm, Bái Đính, đền thờ Đức Thánh Nguyễn...

TS Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
5 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ít người biết về nàng công chúa Lào trên đất Ninh Bình