Hơn 1 thập niên trước khi sự kiện Oscar đầu tiên được tổ chức, trước thời kì hoàng kim của minh tinh màn bạc như Meryl Streep hay Marylin Monroe, Hollywood đã có một ‘biểu tượng sex’ với dấu ấn khó thay thế.

Chuyện kỳ ảo về 'ma nữ Theda Bara' - biểu tượng sex đầu tiên của điện ảnh Mỹ

nhu y | 11/03/2018, 19:39

Hơn 1 thập niên trước khi sự kiện Oscar đầu tiên được tổ chức, trước thời kì hoàng kim của minh tinh màn bạc như Meryl Streep hay Marylin Monroe, Hollywood đã có một ‘biểu tượng sex’ với dấu ấn khó thay thế.

Theda Bara không chỉ là nữ diễn viên phim câm quyến rũ hàng đầu trong lịch sử điện ảnh Mỹ. Sự nghiệp ngắn ngủi nhưng sáng chói, đầy ly kỳ, khiến bà vẫn được nhắc nhớ ngày nay như một huyền thoại.

Khái niệm ‘hào quang Hollywood’ nhen nhóm từ lúc những tựa phim màn ảnh rộng đầu tiên xuất hiện và phổ biến đầu thế kỉ 20. Tuy nhiên, kinh đô điện ảnh tìm kiếm gương mặt tài năng có vẻ không theo quy luật nào.

Nhiều năm trước khi lễ trao giải Oscar lần thứ nhất mở ra thời đại mới cho thị trường giải trí Bắc Mỹ, Theda Bara - người bấy giờ được mệnh danh ‘nàng ma nữ’ lôi cuốn, đã vụt sáng tại Hollywood nhờ chuỗi vai diễn ít ai ngờ đến.

Với phần lớn khán giả yêu thích thể loại phim câm kinh điển - sản xuất những năm 1910, Bara là cái tên không thể bỏ qua. Bà tham gia hơn 40 bộ phim trong vỏn vẹn 4 năm sự nghiệp. Và ‘tấn hào quang’ Bara để lại liên tục là đề tài được báo chí, dư luận Hoa Kỳ bàn tán, tận sau ngày bà qua đời năm 1955.

Giống như nhiều mỹ nhân Hollywood khác, Theda Bara khởi đầu sự nghiệp khá chật vật. Bà sinh ngày 29.7.1885, ở thành phố Cincinnati, bang Ohio. Bara tên thật là Theodosia Goodman, có bối cảnh gia đình không mấy khá giả.

Tròn 18 tuổi, cô gái vóc dáng nhỏ bé Theodosia lên đường tới New York, mang theo mong ước cố hữu của bao diễn viên trẻ: trở thành ngôi sao điện ảnh.

Thế nhưng, 10 năm trôi qua, nữ nghệ sĩ còn mãi trăn trở tìm lấy chỗ đứng vững chắc hơn trước máy quay. Cuối cùng, ở tuổi 29 (bà phải khai gian là 25 để được phép thử vai) Bara có cơ hội tham gia dự án phim mới do đạo diễn Frank Powell sản xuất, ‘A Fool Was There.’

Trong tác phẩm bứt phá này, Bara đảm nhận vai chính, một phụ nữ xinh đẹp và sắc xảo, ‘nàng ma nữ’ quyến rũ nhân tình gia trưởng để rồi nhanh chóng bỏ đi khi đã làm cuộc đời ông ta suy sụp.

Bara thể hiện ngoạn mục vai diễn đầu tay, nhưng trước khâu phát hành phim, xưởng Fox (tiền thân hãng 20th Century Fox) mắc phải khó khăn lớn. Khi ấy, không ai biết gì về Theda Bara. Vậy làm cách nào họ thuyết phục khán giả mua vé xem phim?

Chiến dịch truyền thông quy mô đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Hollywood được xây dựng vì Bara. Năm 1915, Fox tiến xa hơn bất kì xưởng phim nào thời bấy giờ nhằm quảng bá cho dự án tiềm năng. Họ quyết định dệt nên một câu chuyện huyền bí về xuất thân của Bara, thứ gì đấy giúp nữ minh tinh ‘gắn kết’ thật sự với tạo hình vai diễn đầy sức hút, đậm chất kỳ ảo.

Phóng viên chuyên ngành Lịch sử điện ảnh Addison Nugent mô tả cụ thể sự kiện: “Họ khiến công chúng tin rằng Bara là con lai giữa một phụ nữ Ả rập và một nghệ sĩ Pháp. Rằng bà được sinh ra ‘ngay dưới bóng tượng nhân sư’ Ai Cập. Rõ ràng, nhóm làm truyền thông ở hãng phim đã đầu tư công sức chỉ để giúp bà có một hình tượng kỳ bí hiếm thấy”.

Vai diễn ‘nàng ma nữ’ cuốn hút nhưng lạnh lùng đã tạo nên một Bara kiều diễm trên màn ảnh, với vô số vai diễn tương tự thành công về sau.

Trả lời trên The Day Book (thời báo địa phương cũ của Chicago) năm 1916, Bara lý giải: “Trong điện ảnh (dòng phim câm hiện thời), ảnh hưởng quan trọng của tiếng nói con người luôn thiếu vắng. Vì thế, chúng tôi tận dụng mọi kỹ năng có thể trước ống kính nhằm khắc phục điều đó. Cả phục trang cũng phải truyền đạt tính chất nhân vật họ thể hiện. Như chiếc áo choàng mỏng, gợi cảm tôi khoác trong ‘A Fool Was There’ một phần nói lên cá tính đen tối ở một ‘ma nữ”.

Bara dùng chính phương thức này khi xuất hiện trước truyền thông, nhằm chinh phục khán giả theo cách riêng. Dẫu phần lớn tác phẩm phim bà tham gia nay đã thất lạc hoàn toàn, vẫn còn hàng ngàn bức ảnh chụp tạo hình, ảnh hậu trường cho thấy Bara trong nhiều trang phục lôi cuốn lạ lẫm, ‘hở bạo’ và đặc biệt thách thức tiêu chuẩn thời trang bấy giờ.

Hiện diện lộng lẫy nơi đám đông, đôi mắt bà luôn được trang điểm kĩ, kèm theo mái tóc dài đen tuyền được tạo kiểu sang trọng. Chưa kể, mỹ nhân phim câm biết chính xác phải làm gì để trở nên hút hồn người đối diện.

Tờ báo văn hóa The New York Dramatic Mirror từng nhận xét về lối diễn xuất thu hút độc đáo chỉ có ở Bara: “Bà là người phụ nữ với nét hấp dẫn khó diễn đạt, gợi cảm dẫu quá đỗi kiêu kì”.

Dù được biết đến như thiên tài trước máy quay với hình tượng quyến rũ, tài sắc, Bara không hề đón nhận nghiệp diễn dễ dàng như hình dung chung. Trong một buổi phỏng vấn trên radio năm 1936, bà hồi tưởng nỗi khó khăn ở kỉ nguyên làm phim câm: “Chúng tôi phải thể hiện đủ kiểu xúc cảm, hờn ghen, căm hận, yêu thương, đam mê,.. tất cả thông qua cử chỉ - điệu bộ. Cùng lúc ấy, đạo diễn đứng ngoài bắt nhịp để bạn hòa vào phân cảnh, hệt như dụng cụ đếm nhịp giúp đỡ một nghệ sĩ dương cầm.”

Năm 1919, Bara quyết định dừng đóng phim, sau hàng loại căng thẳng giữa phía quản lý xưởng Fox. Bà chuyển sang biểu diễn kịch nghệ Broadway thêm vài năm. Thời điểm này, mọi dự án nghệ thuật của Bara vẫn không ngừng được báo chí Mỹ theo sát. Năm 1926, bà quyết định rút lui hẳn khỏi ngành giải trí.

Trái ngược ấn tượng sắc xảo - phức tạp nơi phim ảnh, đời thực, Bara lại là người phụ nữ điềm đạm với cuộc sống đơn giản mà hạnh phúc bên một người chồng sẵn lòng ở cạnh bà suốt 34 năm.

Khi ngôi sao nổi tiếng như Mary Pickford và Charlie Chaplin kiên trì cùng sự nghiệp diễn xuất tại Hollywood phồn hoa, Theda Bara tựa một đóa hoa đẹp sớm bị thời gian vùi lấp. Vụ cháy lớn tại xưởng Fox cuối những năm 1910 tiêu hủy gần như toàn bộ tác phẩm phim câm đình đám nhất Bara từng tham gia.

Thế nhưng, bất kể dấu ấn đã nhạt nhòa, hình ảnh Bara tỏa sáng trên màn bạc năm xưa vẫn tiềm ẩn sức hút kì lạ với bao thế hệ người yêu điện ảnh. Như dòng kết trong bài viết cáo phó tờ New York Times thực hiện, tri ân đến Bara: “Bà đã luôn giúp khán giả say mê cùng những bộ phim để quên đi khó khăn cuộc sống: đấy chẳng phải di sản đáng ngưỡng mộ sao?”

Như Ý

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện kỳ ảo về 'ma nữ Theda Bara' - biểu tượng sex đầu tiên của điện ảnh Mỹ