Biển Đông có hàng chục hòn đảo, nhưng không đâu như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), có hàng ngàn ngôi mộ chôn những pho tượng đất, mà không có xác chết.

Chuyện kỳ dị và đau thương về hòn đảo có hàng ngàn ngôi mộ gió

25/03/2019, 14:32

Biển Đông có hàng chục hòn đảo, nhưng không đâu như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), có hàng ngàn ngôi mộ chôn những pho tượng đất, mà không có xác chết.

Huyền thoại mộ gió

Lẫn trong những luống tỏi, trên những bãi cát trắng hoang hoải, là những nấm mộ không có xác người, mà người dân nơi đây gọi là mộ gió. Gió biển quanh năm kiên trì gặm mòn những nấm mộ đắp sơ sài bằng cát trắng.

Trong ráng chiều vàng vọt, khi tán dừa đổ dài vắt qua hòn đảo, người đàn bà trẻ vẫn quỳ lạy bên nấm mồ trông như đụn cát với khói hương nghi ngút. Thi thoảng chị lại nhìn ra phía đại dương. Những ngọn sóng bạc đầu vẫn đuổi nhau bất tận. Trên đầu sóng ngọn gió, chồng chị cùng với hàng ngàn người trên hòn đảo này đã ra đi mà không trở về.

Nấm mồ chị đang vái lạy là mộ gió, chôn cái xác giả được nặn bằng đất trên đỉnh núi Giếng Tiền. Hài cốt thực của chồng chị không biết ở phương nào. Chắc rằng, xương thịt chồng chị đã tan vào muối mặn biển khơi.

Đó là hình ảnh của những câu chuyện bi hùng về con người trước biển cả mênh mông.

Ở Lý Sơn có hàng ngàn ngôi mộ gió kỳ lạ như thế. Và, người cả đời âm thầm nặn những cái xác tượng trưng bằng đất sét đó là một ông thầy cúng kỳ lạ. Mấy chục năm nay, ông lặng lẽ lên núi Giếng Tiền đào đất về “nặn xác”, gọi hồn người chết trở về.

Ông Võ Văn Toại năm nay 70 tuổi. Tướng mạo không có gì đặc biệt, ngoài mái tóc bạc trắng như cước. Ông dẫn tôi ra ngôi miếu linh thiêng thờ hải đội Hoàng Sa nằm giữa đảo. Sau ngôi miếu thờ có nấm mộ gió dài ngoằng của cai đội Phạm Quang Ảnh và lính hải đội Hoàng Sa từ thời vua Gia Long cách nay gần 200 năm.

Mộ gió của hải đội Hoàng Sa

Theo tại liệu còn lưu trữ trong ngôi miếu, năm 1815, hồi vua Gia Long trị vì, muốn khẳng định chủ quyền biển, đã phái Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính ra đảo Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn bây giờ) để giám sát khu vực Hoàng Sa, Trường Sa.

Cứ đến tháng 3, cai đội Phạm Quang Ảnh lại cùng 25 lính với 5 chiến thuyền, dong buồm chạy ra khu vực Hoàng Sa. Ngoài nhiệm vụ chính là trấn giữ hòn đảo, khẳng định chủ quyền biển Đông, hải đội Hoàng Sa còn làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý cung tiến triều đình.

Mỗi chuyến đi Hoàng Sa rồi ngược xuống Trường Sa kéo dài khoảng 6 - 7 tháng. Ra đi tháng 3 thì đến hết tháng 9 mới về để tránh mùa biển động. Phương tiện hải hành khi đó chỉ là những chiến thuyền nhỏ. Chuyến đi dài ngày, sóng to gió lớn, bão gió thường xuyên, lại không ít lần gặp cướp biển, nên nhiều chiến thuyền đã ra đi mãi mãi, không một người trở về.

Đoàn thuyền của cai đội Phạm Quang Ảnh sau nhiều chuyến đi về thành công, cũng đã không tránh được phận bạc đời biển. Ông cùng hải đội của mình đã gặp bão, rồi mất tích giữa biển khơi.

Vua Gia Long đau lòng, ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Trong đoàn tùy tùng phục vụ lễ chiêu hồn có một thầy phong thủy nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Thầy phong thủy sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về, nhào nặn cho nhuyễn, rồi tự tay ông ta nặn đất thành hình các tử sĩ. Ông ta cứ nặn đến khi nào những người thân thấy giống người chết mới thôi.

Mộ gió ở ven biển, hướng ra biển Đông

Nặn xong 25 tử sĩ của hải đội, ông lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt một đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất, rồi đem an táng như người chết bình thường, cũng quần dài, áo the, khăn xếp, cũng quan quách đầy đủ.

Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 chiến sĩ, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ. Sau này, qua nhiều lần mưa gió, xói mòn, đắp lại, 25 ngôi mộ riêng biệt đã biến thành một ngôi mộ lớn, dài hơn chục mét như ngày nay.

Người “nặn xác” giữa đảo

Xưa kia, khi cai đội Phạm Quang Ảnh và binh lính chết ngoài biển khơi, được thầy phù thủy nặn tượng làm lễ chiêu hồn. Giờ những người đi biển chết thì được ông Võ Văn Toại nặn tượng, cúng chiêu hồn. Ông là người duy nhất trên đảo Lý Sơn làm công việc kỳ quặc này. Người dân trên đảo đồn rằng, ông là người nối nghiệp của thầy phong thủy xưa. Tôi hỏi ông lời đồn đó có đúng không, ông chỉ cười. Rồi ông kể miên man những câu chuyện cứ như duyên nghiệp, định mệnh đã rơi trúng đầu ông.

Từ ngày có tập tục làm mộ gió, cách nay đã gần 200 năm, đảo Lý Sơn luôn có một người duy nhất làm công việc này. Trước khi ông thầy cúng chết, bao giờ họ cũng gọi một người tin cậy, không nhất thiết là người thân, đến bên cạnh và trao lại tất cả những tài liệu hướng dẫn cách nặn tượng, cúng chiêu hồn. Người được giao phó trọng trách đều dốc hết tâm sức làm việc

Ông Võ Văn Toại, người nặn tượng kỳ lạ ở Lý Sơn

Theo ông Toại, hồi ông nhận trọng trách kỳ lạ này, cứ như thể ông là người khác, ngày đêm ông miệt mài vùi đầu vào đống sách cúng và không hiểu sao cái đầu của ông khi ấy sáng suốt đến vậy, cứ đọc đâu thuộc đấy.

Với 30 năm làm thầy cúng, ông Võ Văn Toại đã là chủ tế của vài trăm ngôi mộ gió, chết khắp biển Đông, từ Hoàng Sa đến tận Trường Sa. Trung bình, mỗi năm ông nặn tượng, gọi hồn từ biển về, làm lễ an táng cho trên dưới chục người chết mất xác ngoài biển. Thế mới biết biển nghiệt ngã thế nào.

Đau lòng nhất là sau những trận bão lớn, có khi ông Toại phải làm lễ an táng một lúc cho cả chục ngư dân. Người ta dựng lều trước biển, sắp cả dãy quan tài. Ông Toại thâu đêm suốt sáng nặn tượng trong khói hương nghi ngút và gió biển lồng lộng. Tiếng khóc ai oán như tiếp thêm cho ông sức mạnh, khiến ông có thể làm việc liên tục mấy ngày đêm không ngã.

Việc nặn tượng thay hình người chết cũng lắm nhiêu khê, phức tạp. Ông phải lên đỉnh núi Giếng Tiền, là miệng núi lửa đã nằm im từ hàng triệu năm trước để lấy đất sét. Số lượng đất sét lấy được phải đủ để đắp một hình nhân có kích thước như người thật. Cũng chính vì lý do dùng đất sét nặn hình người chết mà từ xưa đến nay người dân đảo Lý Sơn không bao giờ dùng đất sét làm nhà.

Ông Toại bảo rằng, cây dâu, con tằm là biểu tượng kỳ lạ của cuộc sống thiên biến vạn hóa, sự xoay vần của trời đất. Con tằm ăn dâu, nhả ra tơ, đan thành kén, đẻ ra nhộng, sinh ra bướm, mới hóa con tằm. Cũng chính vì vậy mà thầy chủ tế Võ Văn Toại dùng tơ tằm làm những sợi gân cho hình nhân. Cành dâu chẻ đôi xếp vào bụng tượng đất làm xương sườn. Đàn ông có 7 nhánh, đàn bà có 9 nhánh xương sườn mỗi bên.

Xương sống, xương ống tay, ống chân đều được làm bằng thân cây dâu. Một vốc đất đen lấy ở chỗ ngã ba đường được nhào nước cho dẻo rồi nặn thành lá gan. Đốt cây thụ đao, một giống cây bông trắng, trái chùm mọc nhiều trên đảo Lý Sơn để lấy than làm phổi. Than củi thụ đao rất lạ, cứ quánh vào nhau, lỗ rỗ trông như cái phổi bị ung thư vì hút nhiều thuốc lá.

Ở Lý Sơn có cả ngàn mộ gió, bởi đã có cả ngàn người chết mất xác ngoài biển.

Mọi bộ phận của con người, từ mắt, mũi, miệng, tai, đến cả hậu môn, bộ phận sinh dục cũng có đầy đủ. Số đất sét lấy về phải được nặn bằng hết, bởi người ta tin rằng, đất sét còn thừa, rơi vãi, cũng như xương thịt của người chết vẫn còn thất lạc. Những nét cơ bản của người chết phải được thể hiện rõ trên tượng.

Bước cuối cùng là dùng lòng đỏ trứng gà quét lên khắp hình nhân. Khi trứng khô, trông da tượng như da người thật. Tượng nặn xong thì được mặc quần áo, đồ liệm giống như người thật, linh vị đặt trên mặt, rồi người ta khiêng đặt vào quan tài, để ông Toại làm lễ chiêu hồn.

Lễ cúng chiêu hồn diễn ra rất dài. Ông Toại ngồi đọc hết mấy cuốn sách cúng trong khói hương nghi ngút.

Lời cúng gọi hồn nhập tượng rù rì trước sóng biển ào ào như những áng văn đầy mộng mị: “Cõi u minh khó lòng tưởng tượng/ Chất trong chất đục phong hóa từ đầu/ Ngoảnh sang Đông, ngóng về Tây/ Hướng đi mơ màng dễ lạc bến/ Ôi sắc nước hương trời xa đôi nẻo, lòng dễ mến yêu/ Thủy phủ khiến sức nước ngưng/ Buổi sáng trong veo như trang điểm/ Cho hồn các vị tựa hàng tiên/ Tiếng sóng động đông đài/ Tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt/ Ngóng hồn thiêng xa vời vợi mong được hàm ơn…”.

Một cỗ thuyền mô hình, với những mâm lễ ăm ắp vàng bạc, lương thực được thả xuống biển cúng linh hồn cùng các vị thần ngự ngoài biển khơi.

Cúng chiêu hồn xong, người ta tin rằng linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống.

Người ta thả quan tài xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Ngày giỗ, người thân ra mộ thắp hương, lễ thanh minh cũng đi tảo mộ như những ngôi mộ khác.

Ông thầy cúng Võ Văn Toại khẳng định rằng, những ngôi mộ gió rất linh thiêng. Ông đã chứng kiến nhiều trường hợp người thân đến trình bày với ông rằng, nhiều đêm họ mộng thấy người chết về kêu đau và trong giấc mơ họ nhìn rõ tay, chân, hoặc cơ thể người đã chết có vết rách, rỉ máu.

Gặp những trường hợp đó, ông Toại phải đào mộ lên và lần nào cũng thấy vết nứt trên tượng, đúng như mô tả của người gặp mộng. Khi đó, ông Toại phải vá những vết thương cho hình nhân, rồi đắp lại mộ.

Với khí hậu khô nóng, mưa ít, nắng nhiều, nên những tượng đất dưới mộ ở đảo Lý Sơn được bảo vệ rất tốt. Theo ông Toại, nhiều nấm mộ gió được chôn từ hàng trăm năm trước, khi cải táng ra chỗ khác, tượng hình nhân vẫn nguyên vẹn.

Đi khắp đảo Lý Sơn, đến bãi tha ma nào cũng gặp mộ gió. Không có đất, người ta đắp mộ gió cả trong ruộng tỏi, ngay trong vườn nhà.

Những buổi chiều sóng yên bể lặng, tôi gặp rất nhiều đàn ông thắp hương quỳ lạy trước mộ gió. Họ tưới rượu trắng lên nấm mồ để cầu vong hồn phù hộ cho chuyến đi biển lúc rạng đông.

Những ngày biển động, sóng to gió lớn, những người đàn bà quỳ lạy trước mộ từ chiều đến nhọ mặt người mới đứng lên. Họ cầu linh hồn người đã chết phù hộ cho chồng, con về được đất liền…

Theo Phạm Dương Ngọc/VTC

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện kỳ dị và đau thương về hòn đảo có hàng ngàn ngôi mộ gió