"Tui nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Miên nữa. Tui đã bán nước ở cái vỉa hè này đã 37 năm, từ hồi còn là con gái, lúc chưa có cái tòa nhà cao cao kia. Tui đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay của Sài Gòn" - lão bà Trần Thị Định nói.

Chuyện lạ Sài Gòn: Bà cụ bán nước vỉa hè nói thạo mấy thứ tiếng

Một Thế Giới | 21/08/2015, 12:42

"Tui nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Miên nữa. Tui đã bán nước ở cái vỉa hè này đã 37 năm, từ hồi còn là con gái, lúc chưa có cái tòa nhà cao cao kia. Tui đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay của Sài Gòn" - lão bà Trần Thị Định nói.

Người nhỏ thó, lưng còng, tóc bạc nhưng dì ba Định vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Ngồi ở vỉa hè nhộn nhạo thuộc khu phố Tây, góc đường Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM, dì ba kể về cuộc đời mình.
Dì cười móm mém, không ngần ngại nói về quãng đời còn lại của mình: "Năm nay tui đã 87 tuổi rồi đó. Già nhưng tui không chịu nằm một chỗ ngửa tay xin tiền con. Tui sống vài năm nữa thì cũng ngủm củ tỏi. Tui đã mua đất để lo hậu sự cho mình hết rồi. Đời tui không muốn làm phiền ai hết".
Lao ba, tieng Anh, troi chay
 "Bây giờ tui bớt điệu rồi đó, chứ thời con gái tui còn đánh kem, thoa son nữa. Ngày xưa có nhiều ông theo tui lắm mà tui không có chịu", dì ba Định bảo vậy. Ảnh: Thảo Hương
Nói về cái chết mà nghe nhẹ hều. Dì ba tiếp tục câu chuyện: "Tui chỉ học đến lớp nhứt (tương đương lớp 5 bây giờ - PV). Trước giải phóng tui có mần việc cho mấy bà đầm Tây nên tui biết nói tiếng Anh chút đỉnh. Sau này mấy bả về nước, họ nói với tui: Mày theo tao về bển luôn, coi nhà cho tao. Chồng mày tao cho làm tài xế, mấy đứa con mày tao nuôi luôn".
Dì ba giải thích lý do mình ở lại Việt Nam: "Tui nói với mấy bả chồng tui ổng không chịu đi. Ai đời bỏ xứ sở của mình mà đi sang xứ khác. Mồ mả ông bà ai coi. Vậy là tui ở lại, bán nước, thuốc lá ở cái vỉa hè này, cắc củm kiếm tiền nuôi con. Ở đây khách du lịch có đủ Tây, Tàu và cả Miên nữa, tui đã mày mò tự học các thứ tiếng để giao tiếp. Tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhựt Bổn khó quá tui không học được, chứ  tui cũng muốn học lắm".
Chúng tôi thử tài nói tiếng Anh của dì ba: "Nếu có người nước ngoài hỏi dì đường đến chợ Bến Thành, dì nói tiếng Anh thế nào?".
Dì ba chỉ tay ra hướng chợ Bến Thành nói ngay: "Bến Thành market over there" (Chợ Bến Thành ở đằng kia kìa). Thấy chúng tôi cười vui, dì ba hào hứng: "Để tui nói tiếng Tàu, tiếng Pháp và tiếng Campuchia cho cô chú nghe". Dì ba nói liên hồi, rồi ngồi phiên dịch lại.
Dì nói: "Trong các thứ tiếng tui biết, tiếng Anh là tui biết chút đỉnh thôi, nhưng cũng đủ nghe, nói được. Mấy ông bà Tây hay ghé quán của tui hỏi thăm đường, tui chỉ cho họ hết trơn".
Chúng tôi đùa: "Dì giao tiếp với người nước ngoài, có ông Tây sồn sồn nào nói câu I love you (tôi yêu bà) chưa?". 
Lao ba, tieng Anh, troi chay
"Tui gắn bó cái vỉa hè này đã 37 năm rồi, từ lúc chưa có khách sạn New World, Sài Gòn toàn là xe đạp, chứ không có xe máy rần rần, kẹt xe". Ảnh: Thảo Hương
 Dì ba cười sảng khoái, nói bằng tiếng Anh:"No, no, I don t love". (Không, không, tôi không yêu).
Có một ông Tây ghé vào, kéo ghế ngồi. Câu chuyện bị đứt quãng. Dì ba nhanh nhẹn bước ra nói bằng tiếng Anh, hỏi khách uống gì. Lấy chai trà xanh bưng ra cho vị khách Tây, dì ba bước vào, cười: "Mấy ông Tây coi vậy chứ sộp lắm. Có ông mua gói thuốc 20 ngàn, nhưng đưa luôn cho tui 30. Thỉnh thoảng cũng có ông Tây cho tui 200 ngàn luôn. Chắc họ thấy tui già, tội nghiệp tui đó".
Dì ba tâm sự mình có 4 người con, gồm 3 trai 1 gái. Một người con trai của dì đã mất từ lúc nhỏ. Dì ba tự hào: "Tui và ổng tuy nghèo nhưng lo cho mấy đứa con đàng hoàng. Đứa nào cũng học tới nơi tới chốn. Thằng lớn hiện giờ đang làm giáo viên ở trường Nguyễn Huệ. Thằng út thì làm trưởng phòng ở nhà sách Fahasa, từ cái thời nhà sách này mới mở một cái, chưa nở rộ nhiều chi nhánh như bây giờ. Con con gái học xong thì lấy chồng, chồng nó cũng khá giả nên nó ở nhà giữ con cho chồng đi mần".
"Cách đây 6 năm, ông nhà tui mất. Hồi xưa ổng làm thợ máy giỏi ở xưởng tàu Ba Son à nghen! Từ ngày ổng mất, mấy đứa con tui  nói gia tài còn có mình tui, sợ tui cực khổ, kêu tui ở nhà cho tụi nó nuôi, nhưng tui không chịu. Tui nói với tụi nó: Má biết các con thương má, nhưng tụi bây để cho tao đi bán, kiếm chút tiền xài, đừng có cản. Tao nằm ở nhà buồn lắm. Làm lụng quen chân, quen tay rồi, nghỉ một ngày là tui muốn bịnh", dì ba kể.
Lao ba, tieng Anh, troi chay
 Dì ba nhớ lại thời xa cũ - Ảnh: Thảo Hương

Câu chuyện của dì ba xen giữa những tiếng ồn ào của xe cộ qua lại. Xoa xoa đôi bàn tay nhăn nhúm, dì ba khoe: "Hai thằng con trai tui lo cho tui chu đáo lắm. Sáng thằng út chở ra đây dọn hàng, chiều thằng lớn đi làm ra, xẹt qua đây dọn hàng vô, chở tui về. Tui bán đến 4 giờ chiều là về, chứ không bán khuya. Về chơi với 2 đứa cháu nội và hai đứa cháu ngoại nữa. Tui lớn tuổi, có xài chi cho nhiều, ngày kiếm vài chục ngàn là mừng. Cách đây vài ba năm, tui bán được lắm, có ngày vô khoảng ba, bốn trăm ngàn. Năm nay bán ế hơn nhiều".
Trong ký ức của dì ba vẫn còn đọng lại hình ảnh Sài Gòn những ngày mới giải phóng. Dì ba trầm ngâm nhớ lại: "Tui gắn bó cái vỉa hè này đã 37 năm rồi, từ lúc chưa có khách sạn New World, Sài Gòn toàn là xe đạp, chứ không có xe máy rần rần, kẹt xe. Hồi đó, tui bán cà phê còn pha bằng vợt, chớ không pha phin như bây giờ, và khu này còn nhơn nhởn xì ke, mấy đứa làm gái mại dâm, giật dọc".
"Mấy đứa sống lang thang gần công viên 23.9 hay ra đây uống nước. Tui hay nói với tụi nó: Tụi bây có trôm cắp ở đâu thì trộm, chứ đến gần chỗ tao buôn bán làm bậy là coi chừng tao à nghen. Tụi nó sợ tui lắm, kêu tui bằng má đó. Bây giờ mấy đứa làm gái, nghiện xì ke ma túy, giật dọc cũng bớt rồi", dì ba hóm hỉnh.
Trước khi chia tay, chúng tôi đùa: "Dì ba sành điệu ghê, ngồi gần mà tụi con nghe mùi nước hoa thơm phức".
Dì ba cười thích thú, phân trần: "Tui làm nghề bán nước, phải thơm tho để khách không gớm. Khách nước ngoài họ kỹ tính lắm. Bây giờ tui bớt điệu rồi đó, chứ cách đây vài chục năm tui còn đánh kem, thoa son nữa. Ngày xưa có nhiều ông theo tui lắm mà tui không có chịu".
Lao ba, tieng Anh, troi chay
Dì ba trả tiền thừa cho khách Tây - Ảnh: Thảo Hương

Vài vị khách Tây bước vào. Dì ba bỏ lửng câu chuyện, sành điệu chào chúng tôi bằng tiếng Anh: "Bye...bye...See you again!" (Tạm biệt, hẹn gặp lại).
Dương Cầm - Thảo Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện lạ Sài Gòn: Bà cụ bán nước vỉa hè nói thạo mấy thứ tiếng