Hầu hết các tuyến đường kiểu mẫu về văn minh đô thị ở TP HCM vẫn còn tình trạng nhếch nhác, lộn xộn và mất an toàn giao thông.

Lấn chiếm vỉa hè - Bát nháo đường kiểu mẫu!

Một Thế Giới | 19/08/2015, 04:56

Hầu hết các tuyến đường kiểu mẫu về văn minh đô thị ở TP HCM vẫn còn tình trạng nhếch nhác, lộn xộn và mất an toàn giao thông.

Chiếm dụng làm nơi trông giữ phương tiện, kinh doanh buôn bán, vi phạm hành lang an toàn giao thông… là tình trạng đang diễn ra trên nhiều tuyến đường kiểu mẫu (được các quận, huyện cam kết không để lấn chiếm lòng lề đường) ở TP HCM.

“Bờ kè” của dân nhậu

Có tất cả 159 tuyến đường kiểu mẫu đã được UBND của 24 quận, huyện trên địa bàn TP cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các tuyến đường này đều không đạt yêu cầu và chẳng khác lúc trước là bao!

Là tuyến đường kiểu mẫu của TP nhưng đường Trường Sa và Hoàng Sa (chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), đoạn thuộc quận 3, từ lâu được biết đến với tên gọi “bờ kè” của dân nhậu. Vỉa hè của 2 tuyến đường này đã bị chiếm dụng một cách “không thương tiếc” để kinh doanh quán nhậu, cà phê và làm nơi trông giữ phương tiện.

Lan chiem via he - Bat nhao duong kieu mau!-hinh-anh-1
 Quán nhậu lấn chiếm lề đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, TP HCM - Ảnh: Hoàng Triều

Khoảng 18 giờ mỗi ngày, dọc 2 tuyến đường này luôn tấp nập cảnh kê, dọn hàng quán. Những bộ bàn ghế được các chủ quán nhậu bày ra sát mép vỉa hè, không còn chỗ trống cho người đi bộ. Hễ có người đi qua là nhân viên của các quán nhậu lại lao thẳng ra giữa đường vẫy tay, í ới mời chào khiến khu vực này hết sức bát nháo. Đến 19 giờ, hầu hết các quán nhậu ở đây đều kín chỗ. Khách trên các bàn nhậu cứ vô tư ném đồ ăn thừa xuống vỉa hè, lòng đường.

Ăn theo quán nhậu, những xe hàng rong cũng tấp nập đến khu vực này bán đồ cho khách. Đến khuya, vẫn còn hàng chục xe kẹo kéo vác theo loa thùng, hát hò ầm ĩ khiến nhiều hộ dân ở khu vực này bức xúc. “Mỗi lần tôi đi qua khu vực này là thấy bực mình vì lề đường thì bị lấn chiếm, nhân viên của những hàng quán ra chào mời, rất mất an toàn giao thông” - chị Phan Thị Kim Oanh (ngụ quận 3) nói.

Đoạn dưới chân cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) trên cả đường Trường Sa và Hoàng Sa cũng có hàng chục quán nhậu, chiếm trọn phần vỉa hè. Khách vào những quán này có thể ngồi xuyên đêm. Cách đó không xa là 1 quán nhậu hải sản, người chủ tận dụng vỉa hè làm nơi nấu đồ ăn, rửa chén rồi cứ vô tư đổ nước thải chảy lênh láng xuống đường.

Chưa thực hiện đúng cam kết

Tại khu vực quận 1, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm chỗ đậu xe, kinh doanh buôn bán cũng diễn ra phổ biến. Đường Nguyễn Thị Minh Khai, từ sáng sớm đã nhan nhản những hàng quán, xe hàng rong... lấn chiếm vỉa hè. Đường Lý Tự Trọng, đoạn qua phường Bến Nghé, một bãi giữ xe của Bệnh viện Nhi Đồng 2 nằm “án ngữ” trên vỉa hè, chiếm trọn phần đường của người đi bộ.

Tương tự, hàng loạt tuyến đường như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Chí Thanh (quận 5); Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ (quận 3)…, tình trạng chiếm dụng vỉa hè cũng diễn ra một cách công khai.

Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn qua Công viên Lê Thị Riêng (giáp ranh quận 10 và Tân Bình), lâu nay trở thành “trung tâm thương mại” của những người buôn bán hàng rong. “Trước đây, khu vực này tập trung những người bán xôi, bánh mì… thì giờ có thêm những xe đẩy bán các phụ kiện điện thoại, máy tính, hải sản… khiến càng trở nên bát nháo, phức tạp. Thậm chí, đội ngũ này còn xả nước thải xuống lòng đường gây hôi tanh nồng nặc” - chị Hương (ngụ tại khu vực này) bức xúc.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, để xảy ra tình trạng trên là do địa phương chưa thực hiện đúng như cam kết. Việc chấn chỉnh chỉ là những giải pháp tạm thời, không đạt hiệu quả. Chính quyền địa phương ra quân xử lý được thời gian đầu nhưng sau đó thì tình trạng chiếm dụng lề đường, vỉa hè lại diễn ra.

Một cán bộ thuộc UBND quận 3 cho biết địa phương đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh trật tự lòng lề đường nhưng vẫn không đạt hiệu quả. “Những nhà hàng, khách sạn đều phải đóng thuế kinh doanh, chi phí mặt bằng, đào tạo an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong khi đó, nhiều quán tự phát hoặc buôn bán hàng rong lại không phải chịu những chi phí trên. Nếu ra quân xử phạt, họ lập tức chuyển địa điểm sang nơi khác nên rất khó xử lý triệt để” - cán bộ này lý giải.

Bôi đen biển cấm

Một điều khá hy hữu là các biển cấm trên đường Bình Chiểu (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) đã bị bôi đen nhiều lần trong gần 1 năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Đây là tuyến đường dân sinh nối giữa quận Thủ Đức, TP HCM với tỉnh Bình Dương, cấm ô tô lưu thông theo hướng từ khu công nghiệp Bình Chiểu ra Quốc lộ 1. Tuyến đường này có 2/3 biển cấm ô tô lưu thông đã bị sơn đen và hoàn toàn mất hiệu lực.

Chỉ trong khoảng 15 phút chiều 18.8, phóng viên ghi nhận có hàng chục xe ben, xe tải lưu thông vào đường Bình Chiểu, hướng từ đường số 21 (phường Bình Chiểu) đi ra. Những xe này chạy ào ào trên đường, chung làn với xe máy nhưng không thấy ai xử lý.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ đường Bình Chiểu, cho biết các biển cấm trên tuyến đường này đã bị sơn đen vào khoảng cuối năm 2014. Vịn vào cớ không rõ thông tin trên biển báo, các tài xế ô tô cho xe chạy thường xuyên trên tuyến đường này gây tình trạng hỗn loạn và mất an toàn giao thông.

Theo bà Trương Hồng Yến, Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu, trước đây phường đã kiến nghị với Phòng Quản lý Đô thị quận Thủ Đức thay thế những biển cấm đã bị bôi đen. Tuy nhiên, tình trạng trên lại tái diễn nên phường đang kiến nghị với Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - đơn vị quản lý tuyến đường Bình Chiểu - để thống nhất hạ tải trên tuyến đường này.

Theo Gia Minh - Đình Thi/ Người Lao Động

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấn chiếm vỉa hè - Bát nháo đường kiểu mẫu!