Mới đây, lãnh đạo nhà máy giấy Hậu Giang khẳng định không dùng chất xút (NaOH) trong hoạt động sản xuất, nhưng đó là lời nói dối không ngượng miệng. Lật lại hồ sơ, còn nhiều điều kỳ lạ về nhà máy giấy có nguy cơ "giết" cả miền Tây này…

Chuyện ly kỳ về nhà máy giấy Hậu Giang

25/06/2016, 14:06

Mới đây, lãnh đạo nhà máy giấy Hậu Giang khẳng định không dùng chất xút (NaOH) trong hoạt động sản xuất, nhưng đó là lời nói dối không ngượng miệng. Lật lại hồ sơ, còn nhiều điều kỳ lạ về nhà máy giấy có nguy cơ "giết" cả miền Tây này…

Nhà máy giấy Hậu Giang bên dòng sông Hậu.

Trước đó, ngày 23.6.2016, trong cuộc họp báo do Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tổ chức, lãnh đạo công ty này nói sẽ không sử dụng chất xút (NaOH) khi đi vào sản xuất. Tuy nhiên, nhà máy sẽ sử dụng hoá chất gì để tẩy trắng thay thế xút, tính chất của nó ra sao và liều lượng sử dụng như thế nào thì phía công ty nói: “Chưa trả lời được vì không nhớ”.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (ĐH Cần Thơ) cho rằng đó là "nói dối" bởi ĐBSCL không có nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất giấy nên nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập từ những thứ đã sử dụng rồi về tái chế, tẩy trắng lại.

“Có giấy nào được tẩy trắng mà không sử dụng xút và cũng không có công nghệ tẩy nào trên thế giới mà không sử dụng xút cả. Nếu công ty nói không sử dụng xút thì phải công khai các hoá chất khác, còn nếu không công khai được thì là không minh bạch, có sự lập lờ”, ông Tuấn khẳng định.

Vào năm 2007, nhà máy giấy này từng đăng quảng cáo trên 1 tờ báo, mời thầu cung cấp đến 40 loại hóa chất mà sau này sẽ sử dụng khi hoạt động. May mắn là sau đó do khó khăn về kinh tế nên dự án này bị đình trệ cho đến nay.

Cũng trong năm 2007, Cục Lâm nghiệp từng kiến nghị Thủ tướng xem xét, có thể cho dừng dự án này. “Có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng ngay việc xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man khi còn chưa muộn để cứu lấy vùng ĐBSCL và nguồn tài nguyên vô cùng quý của tổ quốc ở khu vực này”, đó là một phần trong nội dung văn bản số 1311/CV- SDR do Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khi đó - ông Nguyễn Ngọc Bình, ký ngày 6.9.2007, báo cáo lên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về dự án nhà máy giấy và bột giấy ở Hậu Giang.

Theo văn bản này, Cục Lâm nghiệp cho rằng, nếu nhà máy sử dụng 80% nguyên liệu là giấy phế liệu nhập từ nước ngoài thì sẽ xảy ra 2 khả năng. Thứ nhất là Việt Nam sẽ thành nơi tiếp nhận phế thải của các nước trong khu vực và đẩy ô nhiễm môi trường cho nhân dân trong vùng hứng chịu. Khả năng thứ hai là lượng phế thải tiếp nhận đó sẽ bấp bênh, không ổn định khi các nước khác có kế hoạch tái chế. Do đó, Cục Lâm nghiệp không chấp nhận phương án này.

Khi đó, Cục Lâm nghiệp từng đề cập đến chuyện sử dụng xút tại nhà máy này. Theo Cục Lâm nghiệp: “Vùng đặt nhà máy là vùng trũng thấp nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn (để sản xuất một tấn giấy cần 50kg xút làm chất tẩy và nếu quy theo công suất thì sẽ có 28.500 tấn xút đổ ra môi trường hàng năm từ nhà máy giấy và bột giấy của Hậu Giang). Nếu đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ tiêu diệt nguồn thủy sản ở sông và biển phía Nam, đồng thời ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản trong khu vực ĐBSCL… Một điều chắc chắn là khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường nặng nề và hủy hoại môi trường sống ở ĐBSCL”.

Ngay sau khi Cục Lâm nghiệp có ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khi đó là ông Nguyễn Phong Quang, "hoảng hốt" tổ chức 2-3 cuộc hội thảo để phía nhà máy giấy biện hộ. Ông Quang có lẽ không muốn mất 1,2 tỉ USD thu hút đầu tư nhờ dự án này, bất chấp nó nguy hiểm thế nào đến người dân Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và phong trào nuôi trồng thủy sản của cả vùng.

Sau nhiều nỗ lực của ông Bí thư Tỉnh ủy như tổ chức hội thảo, mời tham quan nhà máy ở Trung Quốc… thì nhà máy giấy Hậu Giang được "ngó lơ" về thảm họa môi trường. Thậm chí hiện nay, sau gần 10 năm triển khai dự án, các đánh giá tác động môi trường mà Lee & Man lập và xin phê duyệt là chỉ cho từng hạng mục chứ chưa có phê duyệt cho tổng thể nhà máy.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, từng cho rằng tình trạng ô nhiễm "nóng" trên sông Hậu từ các khu công nghiệp hiện nay chính là cái giá phải trả của quan niệm: “Thấy nhà đầu tư vào là mừng, còn "vụ" môi trường tính sau”.

Sự ào ạt, nôn nóng và thiếu quy hoạch tổng thể vì áp lực tăng trưởng và công nghiệp hóa đã khiến sông Hậu đang oằn mình gánh chịu hậu quả vì nước thải từ các khu công nghiệp của An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang… Nay thêm nhà máy giấy Hậu Giang khiến người dân ngày càng lo. Cái quý của nước sạch, hàng triệu người đã thấu hiểu qua đợt hạn mặn vừa qua. Thế còn sắp tới, khi nhà máy giấy xả thải, ai có thể kiểm soát?

Nguyễn Hồ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ly kỳ về nhà máy giấy Hậu Giang