Sống ở khu vực nghĩa địa Triều Châu (P.8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nhiều người gắn bó với nghề bốc mộ (lấy cốt) thuê cho biết, họ gắn bó hàng chục năm với nghề này. Thậm chí, chính nghề này đã nuôi sống bản thân và gia đình họ. Cũng có người, xem việc lấy cốt thuê như một việc làm tốt, tích thêm công đức, nhờ đó, được người cõi âm phù hộ về sức khỏe.

Chuyện mưu sinh bằng nghề lấy cốt thuê

Trần Khải | 26/11/2019, 10:34

Sống ở khu vực nghĩa địa Triều Châu (P.8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nhiều người gắn bó với nghề bốc mộ (lấy cốt) thuê cho biết, họ gắn bó hàng chục năm với nghề này. Thậm chí, chính nghề này đã nuôi sống bản thân và gia đình họ. Cũng có người, xem việc lấy cốt thuê như một việc làm tốt, tích thêm công đức, nhờ đó, được người cõi âm phù hộ về sức khỏe.

Nghề bốc mộ thuê, được xem là nghề nhạy cảm, nhiều rủi ro về bệnh tật. Bởi người làm nghề này luôn phải tiếp xúc với thi hài đã chết hàng chục năm, khi bốc lên, mùi tử khí sẽ theo gió hòa vào không khí, nếu hít phải sẽ tổn hại cho sức khỏe rất nhiều. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều trường hợp bất chấp sự nguy hiểm về sức khỏe, cố bám nghề đến hơi thở cuối cùng.

Sống bằng nghề lấy cốt thuê

Một người đàn ông chuyênsống bằng nghề bốc mộ thuê, hiện đang sống ở khu vực nghĩa địa P.8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, nói: “Ở đây tới mùa là tôi lấy cốt thuê không đó chớ”. Ông cho biết, khi lấy cốt, chủ nhà tự van vái, ciúng kiếng, làm sao thì tùy. Đại khái là để xin di dời thi hài người đã khuất đi nơi khác được suôn sẻ. Còn ông, chỉ ra công để đào lấy cốt lên và rửa ráy sạch sẽ, rồi lấy tiền công…

Theo ông, nếu có người đến thuê lấy cốt 1 ngôi mộ đó, thì người thân của ngôi mộ đến van vái rồi bày biện trà, hoa quả, bông hoa, vịt gà gì đó để cúng vái, sau đó xin phép lấy hài cốt lên đem đi chỗ khác. Khi nghi thức đã xong xuôi, thì người thân của ngôi mộ đến thỏa thuận hợp đồng với ông là lấy cốt ngôi mộ đó thì giá là bao nhiều tiền.

Một góc nghĩa địa Triều Châu - Ảnh: Khải Trần

“Nếu mộ lâu rồi, cũ rồi thì mình ăn rẻ một chút, còn mả mới, thi thể chưa tan rã thì tính giá khác nữa. Thậm chí, nếu hòm hư, người nhà họ thuê mình móc cốt lên, chuyển sang hòm khác thì ăn giá khác. Tất cả, đều khác nhau hết, tuy theo mình hợp đồng. Thấp nhất là 5 triệu đồng/lần lấy cốt và cao nhất là trên 10 triệu lận”, ông nói.

Ông này cho biết thêm: “Khi lấy cốt lên, mùi hôi, tanh… mùi kỳ dữ lắm, nhưng người ta có thuốc xử lý. Bây giờ, người ta có chai nước ngộ lắm, chỉ cần tưới xuống là thịt tiêu tan hết, mùi hôi thối cũng không còn luôn. Chỉ còn xương thôi, rồi mình chỉ việc lấy lên, rửa sạch, sắp xếp đâu vào đó cho người thân họ là xong hết việc. Thuốc đó, tôi nghe đâu, họ mua ở tận miền Bắc”.

Tiềm ẩn nguy hại về sức khỏe

Theo những người bốc mộ thuê, công việc làm rất vất vả, khổ cực và nhiều nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, nên họ chấp nhận đánh cược sức khỏe của mình, trong những lần bốc mộ.

“Nếu có khách hàng, mỗi ngày tôi lấy cốt 4 - 5 cái là chuyện thường, ăn thua có người thuê hay không. Mình làm một lát thôi là xong hết à, xoay qua xoay lại là chuyển sang lấy cái khác rồi. Nặng nhọc nhất là việc đập đá, rồi đào đất thôi, còn không có việc đó thì nhanh cấp kỳ luôn. Đội bốc cốt tới 3 - 4 người làm, chứ một mình làm không được đâu. Tôi chẳng sợ gì đâu, đó là cái nghiệp nuôi sống mình mà, đâu ăn cắp, ăn trộm của ai đâu mà sợ, có người kêu là tôi lấy”, mộtngười đàn ông khẳng định.

Cũng theo người này, việc lấy cốt rất tâm linh, vì vậy, người thân phải coi giờ, ngày, tháng rồi mới lấy, chứ không thể lấy khơi khơi được. Nếu tự ý lấy cốt mà không di dời, rất có thể gia đình người đó sẽ gặp vận xui xẻo. Còn nếu muốn lấy cốt mà không coi ngày, thì vào ngày chánh của thanh minh mới được lấy cốt, chứ những ngày khác cũng không được lấy, đó là điều kiêng kỵ.

Một người phụ nữ hành nghề bốc mộ quả quyết rằng, khi lấy cốt phải sử dụng khẩu trang, găng tay… Lý do bà đưa ra là không biết người xưa, khi chết họ có bệnh gì hay không, nên tốt nhất mình bảo vệ cho mình trước. “Làm nghề này nhạy cảm, tôi sợ nhiễm bệnh tật dữ lắm, nhưng mà mình nghèo, nên phải liều vì cuộc sống. Liều trên sự chính đáng, pháp luật cho phép, miễn sao không ăn cắp, ăn trộm là được rồi, vả lại mình làm thuê, người ta thuê chính đáng thì mình làm bằng cái tâm, cái sức của mình”, người phụ nữ tâm tình.

Bà luôn tâm niệm, bà theo nghề này không đơn thuần là vì cuộc sống, mà bà còn muốn làm một điều gì đó có ít cho xã hội, cho người quá cố. Mặc dù, đã gần 70 tuổi, nhưng bà Th. chưa muốn nghỉ ngơi, hễ khi nào bà còn khỏe là bà còn gắn bó với nghề bốc mộ thuê. Với bà, bà làm nghề này luôn được người cõi âm phù trợ về sức khỏe.

“Trước khi làm tôi đều khấn vái, việc làm là chính đáng vì người thân mướn thì tôi làm, chớ không động phá mồ mả, có ý gì khác ngoài việc mưu sinh vì sự sống. Vì vậy, mong người khuất độ cho tôi có sức khỏe để gắn bó lâu dài với việc làm này”, người phụ nữ trải lòng.

Kỳ lạ người bốc mộ với giác quan thứ 6

Bà Th. - người bốc mộ thuê ở nghĩa địa Triều Châu, cho biết, bà là người rất tâm linh, có cả giác quan thứ 6 nên khi làm việc gì, bà cảm nhận biết trước được rất nhiều điều. Thậm chí, biết trước luôn việc có người thuê bốc mộ. “Nhiều khi tôi linh tính sẽ có người đến thuê mình bốc mộ là vài ngày sau có thiệt. Tôi để ý nhiều lần rồi, tâm linh vậy đó. Khi đó, tôi đều ra giá, nhận việc và phân công cho đội bốc mộ làm, rồi chia nhau tiền công”, bà Th. cho hay.

Bà chia sẻ thêm: “Ở đây, việc gương hòm hư bốc lên di dời có rất nhiều, khi đem lên, nếu hòm hư mà đem đi thì rất là khó xử, rung rinh, nên người thân họ không an tâm. Vì vậy, họ đi mua hòm khác để chuyển qua. Công việc này cực khổ lắm, giá cả là vậy, nhưng nhiều khi người ta thấy mình cực khổ quá nên người thân họ có cho thêm. Ghê nhất là việc rửa cốt, mình rửa bằng rượu, vệ sinh sạch sẽ rồi mình bỏ vào cái quách cho người thân họ đem đi, lúc rửa mùi hôi rất khó chịu”.

Theo bà Th. thi hài người mất sau khi đem chôn cất, nhiều năm ở trong lòng đất nên không khí không thâm nhập vào được và cũng không thể thoát ra bên ngoài được nên khi bốc lên thì mùi hôi này gặp điều kiện thuận lợi ra bên ngoài và sẽ phất lên, phảng phất theo không khí nên hôi rất khó ngửi. Có những bộ hài cốt, khi còn ở dưới huyệt mộ vẫn còn nguyên hình hài, nhưng khi đem ra khỏihòm, gặp gió một lúc thì hình hài người quá cố đều tan biến hết, chỉ còn trơ lại bộ xương, trông rất kỳ lạ.

“Bây giờ lấy cốt dễ hơn rồi, chớ ngày xưa khi lấy cốt rất nghiêm túc, người ta còn phải giăng mùng tại ngôi mộ nữa kìa. Vì thân nhân họ sợ gió thổi vào làm mất hình hài người thân của họ. Nói thẳng ra như vầy nè, khi mình còn sống thì ăn cũng có hóa chất, khi chết, muốn lấy lên cũng xài hóa chất luôn”, bà Th. nói.

Khu vực nghĩa địa Triều Châu rất u ám- Ảnh: Khải Trần

Bà Th. kể, bà đã làm việc này đến nay đã hơn 20 năm rồi, lần đầu tiên bốc mộ bà rất sợ, lần đầu ai cũng nhát. Nhưng nghề dạy nghề, theo thời gian dần dà sẽ nguôi ngoai và không còn sợ nữa. Bà nhớ có lần, bà thực hiện việc bốc mộ vào đêm khuya vì người thân họ coi giờ nào tốt, họ thuê bà lấy nên bà thấy sờ sợ vì hình hài người chết tái ngắt, còn nguyên vẹn.

Thấy bà chần chừ, nên khi đó, người thân của ngôi mộ có nói với bà Th. rằng, bà cứ việc lấy lên đi, nhưng khi vừa định bốc lên, thì người thân của ngôi mộ bảo dừng để họ xử lý hóa chất. Bà Th. nói: “Lúc đó, họ lấy nước gì đó tưới xuống, xong đâu đấy tôi kéo lên nhẹ tênh à, chỉ có bộ xương thôi, chứ thịt thà mất hết luôn. Những lần sau đó, tôi hết sợ luôn, nghề dạy nghề à”.

Bà Th. kể, trong quá trình bốc mộ, có trường hợp người chết còn vương vấn mảnh đất nơi chôn cất, nên họ không chịu đi. Sau năm lần, bảy lượt khấn vái, van nài, họ mới chấp nhận việc dời mộ. Cụ thể, là trường hợp cha bà Th. được chôn cất ở phần đất của gia đình, sau này, nhà nước quy hoạch, di dời mồ mả nên họ yêu cầu gia đình lấy cốt.

Bà Th. kể tiếp: “Khi di dời, cha tôi ổng không chịu đi, chứng minh là nhấc cái hòm không lên. Lấy khó khăn vất vả dữ lắm con ơi. Gia đình van vái ổng, đốt nhang hết bó này sang bó khác luôn. Tôi khấn rằng: “Cha ơi, người ta đã không cho mình ở đây nữa, mình phải đi. Thôi thì bây giờ con dời cha vô trong nghĩa địa Triều Châu, đất của nhị tỳ”. Tôi vái hết sức luôn, cuối cùng rút cái hòm lên được rồi, thì đôi chân của ba tôi thong xuống bấu lấy đất, không chịu đi”.

Hàng ngàn ngôi mộ đang yên vị - Ảnh: Khải Trần

Thấy vậy, người thân tiếp tục khấn vái và mong muốn cụ ông rút chân lên để người nhà di quan vào nhị tỳ. Bởi vào đó, cũng gần nhà cửa nên vui vẻ chấp nhận di dời đi. Như vậy, cha bà Th. mới chấp nhận đi. “Tâm linh của người chết nhiều khi ngộ lắm cháu, có nhiều trường hợp lắm. Nếu họ hạp với người nào đó thì xin gì họ cũng chịu, trái lại nếu không hạp thì phát sinh đủ thứ chuyện hết. Nhiều khi thi hài mang đi, nhưng vong linh vẫn còn lưu luyến ở vị trí đó. Chứ cháu đừng nghĩ đem đi rồi là hết là không có đâu”, bà Th. khẳng định.

Nói về việc chôn cất ở nghĩa địa này, nếu ai có tiền đến mua để thực hiện việc chôn cất là người ta đều bán hết. “Hồi đó, 1 vị trí chôn cất chỉ có 3 triệu đồng thôi, còn hiện giờ có giá 35 - 40 triệu đồng rồi. Đất đó, do người trông coi ở đây bán. Riêng những ngôi mộ đã được lấy cốt di dời, thì nơi quản lý nghĩa địa mới thuê mướn người dọn dẹp vệ sinh, xây hộc lại đàng hoàng rồi bán lại cho người có nhu cầu thêm lần nữa”, bà Th. nói thêm.

Khải Trần
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện mưu sinh bằng nghề lấy cốt thuê