Thấy bà con trong làng bán điều non, nhậu nhẹt, ly dị, bùa ngải… Ông Điểu Va đứng ra khuyên hãy tránh xa. Bằng uy tín và tấm lòng vì mọi người, ông đã “cứu” nhiền người thoát ra từ “vũng lầy”.

Chuyện người già làng đấu tranh chống bùa ngải, hủ tục

Búi Kiệt - CTV anh Mười | 03/02/2020, 14:43

Thấy bà con trong làng bán điều non, nhậu nhẹt, ly dị, bùa ngải… Ông Điểu Va đứng ra khuyên hãy tránh xa. Bằng uy tín và tấm lòng vì mọi người, ông đã “cứu” nhiền người thoát ra từ “vũng lầy”.

Đến thôn 2 (bà con quen gọi là sóc), xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hỏi đến ông Điểu Va, 64 tuổi, người đồng bào S’tiêng, ai cũng biết. Ông là người nổi tiếng trong vận động, khuyên bà con trong sóc đừng bán điều non, đừng cầm cố đất, bán đất, sang nhượng đất, đừng bùa ngải, đặc biệt cách thuyết phục các cặp vợ chồng bên bờ ly dị quay lại yêu thương nhau.

Làm được nhiều việc tốt cho bà con nên năm 2014, ông Điểu Va được phong là người có uy tín trong cộng đồng. Bà con quen gọi ông bằng cái tên thân mật: già Va.

Đừng nghe kẻ xấu bán điều non

Ông Điểu Va nói, những năm trước đây nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người S’tiêng trong sóc nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đã bán điều non, cầm cố đất, bán đất, sang nhượng đất “ì xèo” để có tiền tiêu xài, và từ đó tài sản cứ dần “không cánh mà bay”, đặc biệt đã đẩy nhiều hộ lâm cảnh khốn khó.

Thấy vậy, già Điểu Va đã đứng ra vận động, thuyết phục bà con không nghe theo lời kẻ xấu, từ đó đã “cứu” được nhiều hộ thoát cảnh “vườn không nhà trống”.

“Cách nay 6-7 năm, Điểu Sơn đã bán điều non (bán bông) hơn 3ha điều già của nhà trong 3 năm được 30 triệu cho một người Kinh để mua xe Honda chạy và lấy tiền tiêu xài. Không ngờ năm đó họ thu có một mùa là dư hơn 30 triệu. Thấy vậy tôi nói Điểu Sơn trả lại nửa tiền cho người ta rồi lấy vườn điều về, nhưng họ không chịu vì đã viết bán vào giấy cho người ta rồi. May mà tôi đứng ra thuyết phục riết nên họ thu thêm 1 mùa nữa rồi trả lại vườn điều cho Điểu Sơn. Lấy lại được vườn điều, tôi nói nó “biết mặt chưa?”, từ đó nó sợ đâu dám bán non nữa” - Điểu Va dẫn ra một trường hợp trong sóc bán điều non.

Theo già Va, sở dĩ dẫn đến tình trạng vay nặng lãi, bán điều non, cầm cố đất, bán đất, sang nhượng đất diễn ra dai dẳng, phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hầu hết các hộ đồng bào có đời sống kinh tế khó khăn; một số hộ có thói quen ăn chơi, cần tiền mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ… nên tự dấn thân hoặc bị các đối tượng có tiền dụ dỗ.

Các đối tượng bằng mọi thủ đoạn tinh vi, thời gian đầu làm quen, cho các hộ này mượn tiền từ ít đến nhiều, cho thiếu nợ hoặc mua hàng lâu cùng với cách tính lãi cao, đến lúc đòi nợ không có tiền trả thì cấn nợ, siết đất. Có những hộ bán toàn bộ diện tích đất sản xuất nên trong thời gian bán điều non (bán bông), các hộ không còn nguồn thu phải đi làm thuê hoặc tiếp tục vay nặng lãi để trang trải cuộc sống.

“Thấy được cái xấu nên bằng uy tín của mình, những năm qua tôi đã vận động, thuyết phục được hàng chục hộ gia đình trong thôn thoát cảnh bán điều non, cầm cố, sang nhượng, bán đất” – Điểu Va nói.

Già Điểu Va tặng gạo cho một hộ dân khó khăn trong sóc

Uống bia phí tiền

Già Va còn là người đi đầu trong việc hòa giải của thôn. Những năm qua, nhờ sự hòa giải của già, nhiều cặp vợ chồng ở sóc bên bờ vực ly dị đã quay lại chung sống với nhau thuận hòa.

Điểu Va nhớ lại cách nay 5 năm, gia đình anh Điểu Siêng, 29 tuổi, luôn trong tình trạng “dầu sôi lửa bỏng”, vợ chồng luôn lục đục, mất hạnh phúc. Hay tin hai vợ chồng đòi ly di, cứ tối đến, già Va đích thân đến nhà anh Điểu Siêng, rồi mời đến nhà mình dò hỏi.

Sau vài lần tìm hiểu, già Va biết rằng nguyên nhân chính do Điểu Siêng theo các “đồng nghiệp” suốt ngày nhậu nhẹt, sau đó về chửi mắng vợ con, bỏ bê công việc. Biết được tính xấu, già Va khuyên anh Điểu Siêng bớt nhậu nhẹt, dành thời gian lao động, chăm lo cho vợ con. Mưa dầm thấm lâu, sau thời gian khuyên răn, thuyết phục, anh Điểu Siêng thấm và dần bỏ rượu, có uống cũng chỉ vài ba ly là “giải lao”.

“Trước đây nó (Điểu Siêng) chứng lắm, nó có hơn 1 mẫu điều, cứ nhặt được đến đâu là nó mang bán hết lấy tiền mua rượu, mua mồi về nhậu, rồi bỏ mặc vợ con bữa đói bữa no. Tôi nói một két bia mua được biết bao nhiêu gạo sao lại uổng thế, để tiền mà nuôi gia đình. Rồi cứ uống vào là đầu óc nó không tỉnh táo, chửi bới lung tung, mỗi lần vậy tôi chờ nó tỉnh lại rồi khuyên nó.

Mất cả tháng nó mới nghe. Nay thì ngon rồi. Chỉ khi nào lễ tết, nhà có việc gì quan trọng hay trong xóm mời nó mới uống, nhưng cũng chỉ vài ba ly thôi là nghỉ. Từ lúc nó nghỉ nhậu là hai vợ chồng nó yêu nhau lắm, bỏ nhậu được vài tháng vợ nó mang bầu rồi sinh thằng cu, nay gần được 6 tuổi rồi”.

Trong lúc Điểu Va nói, chị Điểu Thị Nhi, 23 tuổi, vợ anh Điểu Siêng đế vào: “Nay ông xã hết ý rồi, ổng ít nhậu và có nhậu thì nhậu cũng ít thôi. Vườn điều của nhà giờ ổng lo hết. Nhặt điều về bán được đồng nào cũng đưa vợ hết. Lúc nào nhà không có việc gì thì ổng đi làm thuê, người ta trả tiền cũng mang về cho vợ. Cũng nhờ già Va mà nhà tôi hạnh phúc lắm như hôm nay. Cả sóc ai cũng xem già Va như người cha”.

Đám cưới xong nợ ngập đầu

Điểu Va được nhiều người biết đến và quý trọng bởi ông luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động tuyên tuyền đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Điểu Va chẳng nhớ nổi đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở sóc. Chỉ biết rằng, những nơi ông đến, hủ tục lạc hậu, bùa ngải, đói nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống mới với ấm no, hạnh phúc.

Điểu Va sinh ra giữa rừng già, từ nhỏ, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình phải khốn khổ, tiêu điều vì những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Nhiều gia đình nghèo khi có ma chay, cưới hỏi phải lo đi vay tiền khắp nơi mua sắm đồ lễ với số lượng lớn. Hệ quả là các gia đình phải bán ruộng nương, đất đai nên nợ nần, nghèo khó cứ chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Mặc dù không khá giả gì nhưng trước đây có những đám cưới tốn kém đến hơn 100 triệu, ăn nhậu ròng rã mấy ngày. Đám cưới xong là thấy nợ nần ngập đầu, chồng chất. Thấy vậy tôi đến tận nhà hay tổ chức họp buôn làng để tuyên truyền, vận động bà con không nên hoang phí vô ích thế. Làm riết nên nay đã giảm nhiều, chỉ còn số ít gia đình cố chấp không chịu nghe góp ý. Nhưng tôi sẽ tiếp tục để xóa chuyện này” – già Va chia sẻ.

Quyết tâm thay đổi hủ tục lạc hậu, già Va đến từng nhà vận động để thuyết phục về việc thực hiện nếp sống mới. Cứ như vậy, ông kiên trì với cách làm của mình, lần đầu không nghe ông đến tiếp lần hai, lần ba. Trong các buổi họp thôn hay dịp lễ tết gặp mặt đông đủ bà con, ông cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền cho mọi người hiểu. Năm này qua năm khác, nhận thức của nhiều người dân trong vùng nơi ông đến đã được nâng cao, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã giảm nhiều. Đặc biệt là bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ lạt, cưới hỏi được tổ chức ít tốn kém hơn trước đây.

Có thời gian rảnh, ông Điểu Va đến thăm hỏi công việc các chị em trong sóc

Làm việc giỏi, dạy con giỏi

Tiếp xúc với già Va nhận thấy, “có thực mới vực được đạo”. Để có cuộc sống như hôm nay, già Va chí thú làm ăn từ nhỏ. Cơ ngơi của già Va hiện có hơn 10ha điều đã cho thu hoạch nhiều năm qua, hơn 1ha cao su đang cho mủ nhiều và 6 sào đất ruộng mỗi năm làm 3 vụ lúa. Già Va luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Ngoài ra, già Va còn xây dựng được ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào khang trang tọa lạc trên diện tích hàng nghìn mét vuông đất. Với những tài sản gây dựng được, mỗi năm gia đình Điểu Va thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Điểu Va có 6 người con, tất cả đều được ăn học, đã có 2 người tốt nghiệp về làm việc tại địa phương, còn lại đang tiếp tục học.“Trong gia đình, tôi đã nhận thức rõ được việc giáo dục và nuôi dạy con cái, tạo điều kiện để con cái mình được ăn học, để có học thức, có mối quan hệ, sau này có cuộc sống tốt, có việc làm ổn định, tránh được các tệ nạn xã hội, cám dỗ của cuộc sống. Từ đó tạo cho con cái mình tính tự lập, biết sống sao cho đẹp, cho tốt với gia đình, biết yêu thương mọi người, biết các chuẩn mực của một công dân trong thời hiện đại.

Lúc rỗi rãi, ông Điểu Va lấy bộ cồng chiêng – nhạc cụ của dân tộc mình ra lau chùi​

Con cái tốt, công việc tốt, có của ăn thì việc vận động, tuyên truyền bà con dân tộc tại chỗ cũng có nhiều cái thuận lợi như họ nhìn vào gia đình mình mà học tập, mà tin tưởng. Mình khuyên họ bỏ những hủ tục không còn phù hợp, không bán điều non mà nên tự làm, phải lao động thì mới có cái ăn, cái mặc.

Nên nay đã có những giảm bớt rõ rệt như không bán đất, không bán điều non, giảm bớt các hủ tục ăn trâu bò trong đám cưới, ma chay không lãng phí. Từ 6 sào đất do cả nhà tự cày cấy, tự xay lúa, những năm qua gia đình tôi đã hỗ trợ hàng ngàn kg gạo cho hàng chục hộ gặp khó khăn đột xuất” – già Va kể về việc làm ăn, nuôi dạy con cái.

Già Điểu Va bên bồ lúa của gia đình​

“Qua bằng đó năm sinh sống, làm ăn ở đây, tôi luôn cố gắng gương mẫu trong sinh hoạt và làm việc. Mặc dù là người dân tộc thiểu số, trình độ còn thấp, nhưng được mọi người tin tưởng, các cấp cho tham gia các lớp học, các buổi tuyên truyền, để phát huy vai trò là người có uy tín trong cộng đồng.

Tự bản thân phải thay đổi suy nghĩ, các hủ tục lạc hậu của dân tộc mình để có thể làm thay đổi cách suy nghĩ của bà con mình để có cuộc sống no đủ, hạnh phúc” – người đàn ông có 7 năm, từ 1973 đến 1980, làm du kích ở địa phương thời trẻ nay đã 64 tuổi, nói.

Với những đóng góp không ngừng, già Va đã được các cấp, các ngành trong tỉnh Bình Phước tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Tiếng nói của ông Điểu Va rất quan trọng, ông nói bà con ai cũng nghe và làm theo. Bằng sự vận động của ông, tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất, sang nhượng đất đã được đẩy lùi; tình trạng ly hôn rất ít diễn ra; các hủ tục lạc hậu trong thôn đã giảm đáng kể; đặc biệt đời sống người dân được cải thiện, nâng cao, nhường chỗ cho đời sống mới với ấm no, hạnh phúc.

Thôn 2 có 332 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Xê – Tiêng chiếm hơn 70%, còn lại các dân tộc Tày, Nùng, Kinh. Hiện thôn còn 6 hộ nghèo. Đời sống người dân thôn 2 sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp với các loại cây trồng chính như: điều, cao su, cà phê - ông Vũ Phú Quang – Phó chủ tịch UBND xã Thống Nhất nói.

Bùi Kiệt
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện người già làng đấu tranh chống bùa ngải, hủ tục