Không biết từ bao giờ, chuyện CR7 và Messi ghi bàn kiến tạo bao nhiêu lần đã trở thành một khía cạnh của Champions League. Nhưng liệu rằng những thống kê khủng khiếp của hai siêu sao có làm cho bóng đá đẹp hơn?

Chuyện Ronaldo - Messi: Khi “kỷ lục” đã mất ý nghĩa

Một Thế Giới | 18/09/2015, 07:00

Không biết từ bao giờ, chuyện CR7 và Messi ghi bàn kiến tạo bao nhiêu lần đã trở thành một khía cạnh của Champions League. Nhưng liệu rằng những thống kê khủng khiếp của hai siêu sao có làm cho bóng đá đẹp hơn?

Danh thủ Gary Lineker khi nhận xét về Ronaldo, đã nói rằng: “Một cầu thủ như Ronaldo có ghi 5 bàn vào lưới đối phương cũng là chuyện bình thường, không có gì bất ngờ”. Lineker nói vậy vừa là khen Ronaldo, nhưng cũng có thể hiểu ông khuyên người ta không nên đắm chìm vào những con số - hay nói cách khác, những kỷ lục.

Kể từ khi yếu tố thương hiệu trở nên nổi bật trong bóng đá thì kết quả trận đấu không còn là độc tôn trong mối quan tâm của khán giả. Một cá nhân chơi bóng như thế nào, phong cách ra sao, mẫu áo đội này đẹp hay đội kia đẹp... đều lần lượt trở thành những thông tin quan trọng. Kế đến, người ta cũng lại muốn thấy những tượng đài của thế hệ trước bước xuống vũ đài, nhường chỗ cho những ngôi sao thời hiện đại. Thế là họ bắt đầu quan tâm đến kỷ lục. Một cầu thủ giỏi theo mốt bây giờ là phải có một kỷ lục nào đấy!

Kỷ lục không là gì khác ngoài những con số khủng khiếp, hoặc là con số đánh dấu một cái mốc trong lịch sử. Những cái “nhất” để khuếch trương sự vĩ đại của một cá nhân. Đó là một yếu tố cần thiết cho thể thao: người ta luôn luôn có nhu cầu thấy con người vượt qua giới hạn của người khác, hay ít nhất là giới hạn chính mình.
Chuyen Ronaldo - Messi: Khi “ky luc” da mat y nghia-hinh-anh-1
Quan trọng hơn kỷ lục cá nhân là những gì Ronaldo làm được cho CLB của anh. Ảnh: GettyImages
Tuy nhiên, với sự nở rộ của truyền thông, khuôn mặt của kỷ lục đã thay đổi. Trước kia, kỷ lục là một yếu tố giúp làm đẹp hồ sơ của một cầu thủ. Nhưng bây giờ nhiều cầu thủ phấn đấu để được làm kỷ lục gia, thậm chí gán ghép nhiều yếu tố để tạo ra một cái kỷ lục.

Trong hồ sơ ngày càng dày lên những kỷ lục của Messi, ta thấy có những kỷ lục kiểu như “Cầu thủ duy nhất ghi bàn trong 6 giải đấu khác nhau trong cùng một mùa giải” rồi “cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong 4 mùa liên tiếp trên sân Nou Camp”. Ronaldo cũng vừa làm ra một kỷ lục mới: ghi bàn nhiều nhất ở Champions League với 80 bàn thắng. Trước đó chỉ vài ngày, Ronaldo trở thành “cầu thủ Real Madrid ghi nhiều bàn nhất ở La Liga”. Kỷ lục của họ xuất hiện với tần số dày đặc, với những dòng miêu tả phức tạp, đến nỗi người ta cần lập danh sách thống kê. Và rồi cũng chẳng cần lưu giữ làm gì vì sang năm họ lại có kỷ lục mới.

Đương nhiên Messi và Ronaldo là hai ngôi sao lớn nhất thế giới thời điểm hiện tại. Họ đã phá nhiều kỷ lục, gặt hái nhiều danh hiệu và giúp những CLB của mình trở nên vĩ đại. Thế nhưng kỷ lục không phải là điều lớn nhất họ làm được. Việc hai siêu sao phá hàng loạt kỷ lục, không phải vì họ đã làm như vậy, mà bởi truyền thông đã “đẻ” ra nhiều kỷ lục để họ phá. Nhưng kỷ lục ấy không còn là vẻ đẹp để chiêm ngưỡng nữa, mà đích đến của nó lại là việc so sánh hai siêu sao này với nhau. Nói cách khác, Messi Ronaldo đã làm “mất ý nghĩa” những kỷ lục, để đưa nó vào một “cuộc đua kỷ lục” mà rốt cuộc toàn là tranh cãi không hồi kết.

Bóng đá không đẹp vì những con số khủng khiếp mà ai đó cứ thích nhấn mạnh. Bóng đá cũng không đẹp vì lần đầu tiên một cầu thủ làm được chuyện gì đó, kiểu như “Cầu thủ Frankfurt đầu tiên đốn ngã một tiền đạo mang áo số 99”. Giờ đây khi Messi và Ronaldo của chúng ta phá kỷ lục, bao giờ cũng có những khán giả bảo họ là “giỏi kiếm Penalty”. Sự kết tội vô lý này không phải do họ ghét Messi hay Ronaldo: có lẽ họ chỉ đang tìm cách phản ứng với những kỷ lục và những con số mà truyền thông đã ấn vào tai mình, đính kèm theo hai thương hiệu trên.

Có những nét đẹp trong bóng đá mà không thể có con số thống kê. Ngoài việc Ronaldo lập hat-trick vào lưới đội bóng yếu hơn, ở loạt trận đầu tiên cúp C1, ta thấy một Cuadrado cố gắng chạy và chạy để tìm lại bản năng của mình, cũng để cứu vãn Juve đang chìm nghỉm. Ta cũng thấy một Mourinho hay các CĐV Lyon vỗ tay khen ngợi, động viên Hazard và Lacazette bỏ lỡ quả phạt đền. Kỷ lục đẹp nhất có lẽ là vượt qua sự tự ái, yếu đuối của chính mình hay ít nhất: cố gắng để tìm lại mình.

Đức Anh


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện Ronaldo - Messi: Khi “kỷ lục” đã mất ý nghĩa