Trải qua thời thanh xuân rực rỡ, cô sinh viên sư phạm ra trường và đi dạy. Màu hồng của cuộc sống ngỡ như đang chờ cô phía trước, nhưng căn bệnh quái ác đã khiến cuộc đời cô rẽ sang một hướng khác.

Chuyện tình cổ tích của người phụ nữ bị mù từ năm 30 tuổi

Nguyên Việt | 14/04/2021, 11:16

Trải qua thời thanh xuân rực rỡ, cô sinh viên sư phạm ra trường và đi dạy. Màu hồng của cuộc sống ngỡ như đang chờ cô phía trước, nhưng căn bệnh quái ác đã khiến cuộc đời cô rẽ sang một hướng khác.

Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thúy Liễu (43 tuổi) và chồng là anh Nguyễn Văn Thiện (40 tuổi), hiện mua bán ở chợ Trường Long, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ.

1-chi-lieu.jpg
Chị Liễu kể về tình yêu cổ tích của đời mình - Ảnh: Nguyên Việt

Ánh sáng lụi tàn trong đôi mắt đầy nước

Đưa tay lần mò cạnh bàn để đi từ nhà sau ra nhà trước, chị Nguyễn Thị Thúy Liễu nở nụ cười hiền lành chào khách. Chị bảo, đã quen với bóng tối, tinh thần không còn u uất, bi thương như mười mấy năm trước nữa. Cuộc đời của chị là một câu chuyện dài đầy biến cố nhưng cũng có những đoạn sáng bừng như câu chuyện cổ tích.

Nghĩ lại đoạn đường đã qua, người phụ nữ ấy bảo ông trời cũng không đến nỗi bạc đãi mình. “Ổng lấy đi của tôi đôi mắt, nhưng bù lại cho tôi 1 người chồng, 2 đứa con gái. Một gia đình hạnh phúc như vậy, có khi phải tìm kiếm cả đời mới thấy”, chị nói.

Hai bàn tay đan vào nhau trong cảm xúc bồi hồi, người phụ nữ kể lại khoảng thời gian đen tối của cuộc đời. Chị Liễu sinh ra và trưởng thành khỏe mạnh. Thời còn là sinh viên ngành sư phạm, chị là một cô gái mạnh mẽ đầy hoài bão. Ra trường chị là cô giáo dạy cấp 2 ở trường làng, nhiệt huyết với nghề, tương lai rộng mở phía trước.

“Dạy được mấy năm, một ngày nọ tôi thấy mắt mình cứ xốn xốn. Trong một buổi dự giờ của đồng nghiệp, tôi ngồi bàn cuối và không nhìn thấy rõ những gì trên bảng viết nữa. Dự cảm không lành, tôi đi khám và ra bệnh viêm màng bồ đào. Tôi chữa bệnh nhiều năm liền, từ lúc mắt tôi mờ dần cho đến khi không thấy gì hẳn phải đến hơn 1 năm. Đó là khoảng thời gian đầy tủi nhục của tôi”, chị Liễu kể.

Làm sao người con gái đang tuổi thanh xuân rực cỡ có thể chịu được cảnh mắt đang sáng lại dần mù lòa? Đó là chuỗi ngày tuyệt vọng kéo dài, gia đình luôn túc trực cạnh bên, sợ chị nghĩ quẫn. Còn chị, mỗi lần cầm chén cơm, được ba mẹ gắp thức ăn bỏ vào chén, nước mắt chị cứ ngắn dài tuôn.

“Đến việc ăn tôi cũng phải nhờ người giúp, cay đắng lắm”, chị kể. Chị Liễu quanh quẩn trong nhà năm này tháng nọ, vô ra bệnh viện không biết bao nhiêu lần kể xiết. Từ bệnh viện ở Cần Thơ rồi lại ngược lên TP.HCM, nhiều lần nằm trên bàn mổ, ánh sáng trong đôi mắt của người phụ nữ này ngày một lụi tàn. Những chuỗi ngày trong bóng tối khiến tâm trí chị Liễu ngày một u uẩn. Nếu không có người thân vực dậy, và không gặp được người đàn ông của đời mình, hẳn cuộc đời của chị chỉ đầy bi thương.

Ngày ấy, khi đôi mắt đã mù lòa, chị Liễu đã học được cách chấp nhận số phận của mình. Đứa em trai hiền lành thương chị gái bệnh tật, thường dẫn bạn đến nhà trò chuyện, mong chị gái khuây khỏa. Chị kể: “Có lần đám bạn của em trai kéo tôi ra ngoài TP.Cần Thơ chơi cho bằng được. Có đi đâu tôi cũng chỉ biết ngồi một chỗ thôi. Nhưng cảm giác trong mình có khác đi”.

2-chi-lieu-va-cac-con.jpg
Hai đứa con gái, kết tinh tình yêu của chị Liễu và chồng - Ảnh: Nguyên Việt

Rồi chị được người quen giới thiệu vào làm hội viên Hội Người mù TP.Cần Thơ. Xuất thân là người có trình độ, chị được động viên đi học chữ nổi để công tác tốt hơn. Năm 2008, chị được bầu làm Phó chủ tịch Hội người mù TP.Cần Thơ. Cũng trong giai đoạn này, chị gặp được người đàn ông của đời mình.

Chuyện tình của anh thợ hàn với cô gái mù

Chị Liễu kể: “Nhà tôi ở H.Phong Điền, đi làm ở hội khá xa. Không muốn phiền ai, nên tôi đi xe ôm ra bến rồi bắt xe buýt đi làm. Bữa đó, khi tôi xuống xe, tính bắt xe ôm về nhà thì anh ấy chạy lại hỏi thăm”. Người con trai đến hỏi thăm chị Liễu là anh Nguyễn Văn Thiện, nhỏ hơn chị 3 tuổi, ngụ cùng H.Phong Điền.

Anh Thiện lúc bấy giờ là 1 thợ cơ khí với chuyên ngành hàn tiện. Để ý cô gái trẻ mù lòa hay lên xuống xe buýt, anh mạnh dạn tới làm quen. “Lần đầu gặp thì ảnh cũng mời tôi đi xe như bình thường. Tôi và anh còn trả giá tiền xe lên xuống. Trên đường đi, anh cũng hỏi han tôi và kể là mình làm thợ hàn, khi rảnh rỗi thì chạy thêm xe ôm. Gặp thì kì kèo tiền xe, nhưng khi chở tôi tới nhà, anh không lấy một đồng bạc nào, chỉ lặng lẽ quay xe đi”, người phụ nữ hạnh phúc kể.

Anh Thiện có thực sự chạy xe ôm hay chỉ mượn cớ để đưa rước cô gái mù lòa? Chuyện đó chỉ có 2 người biết. Những chuyến xe sau đó của chị Liễu luôn có bóng dáng anh Thiện. Anh từng chút một bước vào tâm trí và trái tim của cô gái mù lòa. Chị Liễu kể, chị không dám trông đợi nhiều vào mối quan hệ tình cảm với anh Thiện. Chị biết thân phận mình, chỉ là gánh nặng cho người khác.

Thế nhưng, ở phía bên kia, người trai trẻ lại không nghĩ vậy. Sau một thời gian tìm hiểu, anh quyết định nên duyên chồng vợ với chị. “Gia đình ảnh hiển nhiên là phản đối mối duyên này. Có ai muốn con trai mình lấy 1 cô gái mù làm vợ. Nhưng anh nói, ý anh đã quyết, bất chấp sự gia đình có ý kiến thế nào”, chị Liễu nhớ lại.

Rồi họ ăn hỏi, đám cưới diễn ra linh đình. Chị Liễu kể, gia đình chị tổ chức đám cưới mà không thể ngờ nhiều vị khách không mời mà cũng đến. Họ đến chung vui vì mừng cho chị. Người phụ nữ cười kể tiếp: “Nhiều bạn bè xưa cũ của tôi đến còn để nhìn mặt anh ấy. Bà con lối xóm xa, gần gì cũng tới dự đám cưới. Họ bảo, để coi thằng chồng của mày là người như thế nào. Gia đình tôi chuẩn bị 65 bàn tiệc mà còn không đủ mời khách. Người ta mừng cho tôi một, bản thân tôi mừng mười. Tôi tin anh ấy là người tốt”.

Và người đàn ông ấy không làm chị thất vọng. Mười mấy năm bên nhau, anh luôn hoàn thành vai trò là một người chồng mẫu mực. Đến khi có 2 đứa con gái, anh đóng 2 vai cả bố lẫn mẹ khi con cần. Từ đi chợ, nấu nướng, giặt giũ…việc gì cũng kinh qua tay anh mà không một lời phàn nàn. Hạnh phúc còn đến với chị Liễu khi ban đầu nhà chồng phản đối hôn sự, nhưng khi về làm dâu rồi, chị còn được cha mẹ chồng thương yêu hơn con ruột.

3-vo-chong-chi-lieu.jpg
Anh Thiện là người ấm áp, có trách nhiệm với gia đình - Ảnh: Nguyên Việt

Anh Thiện là người đàn ông trầm tính ít nói, chúng tôi cố hỏi về cảm xúc những ngày tình yêu của họ đơm hoa kết trái nhưng anh ngại ngùng khéo léo từ chối. Chị Liễu ngồi cạnh bên chồng bảo rằng, anh Thiện là người có phần cộc tính. Nhưng sâu thẳm bên trong, anh là người ấm áp, có trách nhiệm với gia đình.

Hạnh phúc của gia đình nhỏ này luôn đi kèm với những lo toan. Chị kể rằng, sau khi sinh đứa con đầu lòng, chị không còn công tác ở hội người mù nữa mà cố gắng tập trung cho gia đình. Công việc của 2 vợ chồng thu nhập không ổn định, thời gian đầu rất khó khăn. Được người em họ sang lại 1 cửa hàng kinh doanh đồ điện tử ở ngay chợ xã Trường Long với giá 50 triệu đồng, vợ chồng chị đổ sức kinh doanh cho đến nay.

Gọi là tiệm nhưng đó chỉ là căn nhà cấp 4 nhỏ, 4 bề được quây bởi những tấm tôn. Gian trước để bày biện hàng hóa, phần chật hẹp phía sau là chỗ ăn ở, sinh hoạt của gia đình 4 thành viên. “Tiệm nhỏ, vốn ít nên chúng tôi không trữ hàng nhiều, chủ yếu là đổi gas, bán thêm ít đồ điện máy lặt vặt. Tính toán lắm thì mỗi tháng cũng chỉ đủ trả tiền thuê mặt bằng, chi phí gia đình. Còn mặt bằng nếu bất ngờ bị lấy lại, chúng tôi cũng không biết tính sao. Bây giờ chúng tôi chỉ mong có một ngôi nhà cho riêng mình”, vợ chồng chị Liễu chia sẻ.

Nghe tiếng con thơ vui đùa sau nhà, vợ chồng chị Liễu siết tay, thầm động viên nhau cố gắng. Phía trước họ là quãng đường dài và cả cuộc đời của 2 đứa con gái phải lo toan. Trong mỗi người ánh lên một niềm tin rằng, đi bao lâu, bao xa cũng được, miễn là họ đi cùng nhau. Và người chồng vẫn là ngọn đuốc thắp sáng cuộc đời người vợ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện tình cổ tích của người phụ nữ bị mù từ năm 30 tuổi