Hiếm có vị võ sư nào trong lịch sử vừa thông thạo Đông Tây kim cổ, lại thanh sắc toàn tài như Hồng Long. Đến nỗi, tuy thanh niên tráng kiện, oai phong dũng mãnh nhưng giới võ học Sài Gòn vẫn quen gọi Hồng Long là “người đẹp Gò Công”.
Thầy của những “võ sĩ bất bại”
Về xứ võ Gò Công, hỏi các bậc cao niên, hay các môn sinh nhà võ về Hồng Long thì không ai là không biết. Bởi Hồng Long chính là người có công rất lớn trong việc “phát dương quang đại” hệ phái võ Kinh xứ Gò Công.
Ông đã dùng tài thương thảo, thuyết phục được Tổng cục võ thuật cho môn sinh của mình được thi đấu với võ sĩ nước ngoài, nhằm đưa tên tuổi võ thuật cổ truyền Việt Nam vươn ra tầm quốc tế. Và cũng nhờ Hồng Long mà Việt Nam rạng danh với cái tên Trần Bình Long, người đã đánh bại Lý Diệu Quang, môn đồ của Lý Tiểu Long.
Chúng tôi có cơ duyên được gặp “võ sĩ bất bại” Trần Bình Long, người học trò ưu tú của võ sư Hồng Long. Bên ly trà nóng, chén rượu nồng, ông Bình Long bắt đầu kể những giai thoại thú vị về vị võ sư có biệt danh là “người đẹp Gò Công” này.
Hồng Long, tên thật là Phạm Văn Thời, thường gọi là Bảy Thời, con trai của võ sư Phạm Văn Chí, người sáng lập ra võ đường Triệu Tử Long. Ông được đi học ở Sài Gòn và có quãng thời gian dài làm việc, sinh sống tại nơi đây.
Năm 1972, võ sư Phạm Văn Chí không may bị một tai nạn nghiêm trọng và mất bất đắc kỳ tử. Nghe tin cha, Bảy Thời lập tức khăn gói về Tiền Giang. Võ sư Phạm Văn Chí mất lúc 61 tuổi, tuy tuổi cao nhưng ông vẫn còn tinh tường, cường tráng như lúc trung niên, do vậy, sự ra đi của tổ sư võ đường Triệu Tử Long khiến giới võ học bấy giờ không khỏi bàng hoàng.
Võ sư Hồng Long trong hình ảnh lưu giữ của học trò Trần Bình Long |
Năm 30 tuổi, Hồng Long được mời về làm huấn luyện viên võ thuật cho Sở Thể Dục – Thể thao tỉnh Tiền Giang (nay là Sở VH, TT&DL tỉnh). Lớp vận động viên dưới tay Hồng Long “thiện chiến” vô cùng, nên chẳng mấy chốc võ thuật Tiền Giang được bạn đồng môn từ Nam chí Bắc nghe danh.
Đây được đánh giá là giai đoạn đỉnh cao nhất của võ thuật cổ truyền tỉnh Tiền Giang. Võ đường Triệu Tử Long, dưới “bàn tay” của vị chưởng môn “thanh sắc, thao lược toàn tài” Hồng Long chính là trang vàng son, rực rỡ nhất của lịch sử võ kinh xứ Gò Công.
Thanh sắc toàn tài
Cái tài của Hồng Long thì không ai bàn cãi, nhưng ông còn nổi tiếng trong giới võ thuật vì … thanh sắc hơn người. Và trong lúc cao hứng, võ sĩ Trần Bình Long, đã kể những chuyện kỳ thú về cái sự “hết sức đẹp trai” của thầy mình.
Thuở ấy, Hồng Long rất hiếm khi thượng đài, nhưng một khi ông đã lên sới võ thì thể nào cũng có các cô gái chen chúc lấy vé đi xem. Thời xưa thường vậy, nơi sới võ dường như chỉ có cánh đàn ông quan tâm, nhưng khi có Hồng Long lại khác, “nhan sắc” của ông đã khiến không ít cô gái cũng tập tành đến khán đài hay vào võ đường luyện tập.
Trần Bình Long người đã đánh bại Lý Diệu Quang học trò của Lý Tiểu Long |
Thầy giáo Nguyễn Văn Chính, giáo viên Trường THPT Bình Long, huyện Gò Công Tây, người từng là môn đồ của Hồng Long tâm đắc kể lại: “Thầy Hồng Long lạ lắm, tuy ngày đêm luyện võ nhưng sắc vóc, cốt cách của thầy lại không hề “gân guốc” như những võ sĩ khác. Đã vậy, thầy lại còn viết chữ rất đẹp, nhiều sư huynh đệ của tôi vẫn còn lưu giữ “bút tích” của thầy đã tặng”.
Ông Chính còn chặc lưỡi khen cái sự đẹp trai của thầy mình: “Thầy cao gần 1m80, da trắng, mắt sáng, sống mũi cao thanh tú và đặc biệt là thầy nói chuyện rất có duyên, bởi vậy ai đối diện cũng dễ sinh lòng cảm mến”.
Và theo lời Trần Bình Long kể lại, ngoài tướng mạo hơn người, Hồng Long còn có cách nói chuyện hết sức thông minh sắc sảo. Có lần Hồng Long đã “thương thảo” với ban tổ chức giải “Người cày có ruộng” cho Bình Long đấu với võ sĩ mạnh nhất giải là Nguyễn Hoàng Điểm (võ đường Tần Hớn), nhưng lại khôn khéo không công bố danh hiệu của Trần Bình Long.
Sau khi Bình Long chiến thắng, võ sư Hồng Long nhảy lên võ đài, cầm mic giơ tay ổn định đám đông đang hết sức ồn ào náo nhiệt. Ông cất giọng dõng dạc nói: “Trần Bình Long chính là võ sĩ đương kim vô địch. Hồi giờ đánh đâu thắng đó, dường như không có đối thủ nên từ bây giờ Trần Bình Long không nhận lời thách đấu với võ sĩ Việt Nam nữa mà chuyên tâm luyện tập để đấu võ với võ sĩ nước ngoài. Nhằm góp phần mang tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.
Tức thì nhận được sự vỗ tay nhiệt liệt của toàn thể khán đài. Riêng Trần Bình Long, thời ấy còn non dại không thể nào hiểu được người vừa là huynh vừa là sư sao lại không muốn mình nhận lời thách đấu nữa. Bởi, Trần Bình Long thật sự còn đang rất sung sức, và muốn đấu thêm với nhiều võ sĩ khác.
Sau, ông về thắc mắc với Hồng Long. Hồng Long trầm ngâm bảo: “Trùng dương sóng sau xô sóng trước, em có nghĩ là mình sẽ chiến thắng được cả đời hay không? Giờ đang thành công rực rỡ, chiến đấu từ Nam ra Bắc bất bại như vậy cũng đủ rồi, mình dừng lại để giữ uy danh cho môn phái, vả lại chuyên tâm luyện tập để đấu với các võ sĩ nước ngoài mà học hỏi thêm”. Nghe đến đó, Trần Bình long lại càng khâm phục người sư huynh tài mạo vẹn toàn Hồng Long.
Nhưng trớ trêu thay, người tài hoa lại thường bạc phận. Năm 2001, trong một lần chơi tenis, không may, võ sư Hồng Long bị đột quỵ. Cơn tai biến bất ngờ khiến ông không thể đi lại, đến nói năng cũng khó, nhưng trí tuệ của ông vẫn mẫn tiệp, sáng suốt.
Kể từ đó, ông quyết định “đóng cửa” với cuộc đời. Chúng tôi được Trần Bình Long thịnh tình, đưa đến nhà của võ sư Hồng Long nằm cạnh khu Ao Trường Đua, Gò Công, Tiền Giang. Tuy nhiên, người nhà của Hồng Long chỉ biết lắc đầu buồn bã, vì ông cương quyết không gặp ai, kể cả người học trò cưng của mình…
Bá Nguyễn