Tôi tin rằng, trong cuộc sống mỗi người có một hoàn cảnh, một số phận, một định mệnh đã được thượng đế vô tình hay cố ý sắp đặt. Và người phụ nữ với giọng trầm ấm, khô khốc, đặc sệt từng câu chữ rất đặc trưng của người con miền Trung mà tôi đã gặp trên chuyến xe trở về nhà cũng đã được thượng đế sắp đặt trước...

Chuyến xe đặc biệt

24/11/2016, 18:37

Tôi tin rằng, trong cuộc sống mỗi người có một hoàn cảnh, một số phận, một định mệnh đã được thượng đế vô tình hay cố ý sắp đặt. Và người phụ nữ với giọng trầm ấm, khô khốc, đặc sệt từng câu chữ rất đặc trưng của người con miền Trung mà tôi đã gặp trên chuyến xe trở về nhà cũng đã được thượng đế sắp đặt trước...

Ảnh minh họa

Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở vùng biển nghèo xơ xác quanh năm với cá, tôm. Tôi hiểu được làn da rám nắng của những ngư dân quê tôi là do đâu mà có, tôi biết được “tứ linh” - Long, Lân, Quy, Phụng của quê mình nằm ở đâu, tôi cũng hiểu được vì sao nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam lại được xây dựng trên quê hương tôi… Và tôi hiểu thế nào là nghèo khó, thế nào là nằm ngủ trong những căn nhà mà xung quanh là nước chỉ còn trơ lại cái giường là có thể ngả lưng được hay những hôm bão về phải đắp tấm chăn còn hôi mùi nấm mốc bởi nước mưa xuống mà chưa kịp giặt...

Cuộc sống nghèo khó vậy mà những người dân quê tôi còn phải chịu sự ép giá của thương lái trong những phiên chợ buổi sớm. Thế nhưng, với những ngư dân quê tôi, chuyện thức trắng đêm để đánh cá, phải chống chọi với thiên nhiên nghiệt ngã hay có bị thương lái ép giá cũng chẳng là gì khi họ nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn của con em họ. Với họ, dù có vất vả bao nhiêu mà bọn trẻ được đến trường học cái chữ, được ăn cơm ngày ba bữa, được ngủ ngon giấc từng đêm không lo giật mình khi mưa bão kéo thì họ vẫn thấy ấm áp. Khi nhớ về nơi tôi sinh ra, tôi luôn tìm thấy mình trong đó. Tôi thấy mình chỉ là một hạt cát giữa biển cả bao la, một giọt nắng giữa cái nắng vàng rực rỡ của biển cả… tôi nhỏ bé là thế, giản đơn là thế, nhưng tôi không bao giờ cô đơn vì khi lùi một bước về phía sau tôi sẽ nhìn thấy biển và khi bước lên một bước tôi sẽ nhìn được những người luôn yêu mến tôi, tình yêu của tôi đối với quê hương sẽ không bao giờ phôi pha.

Miền Trung của tôi ơi! Năm thứ hai Đại học là một quãng thời gian không ngắn nhưng đủ dài để tôi cảm nhận được tôi trong mắt người khác, người khác trong mắt tôi và “tôi trong mắt tôi” là như thế nào? Ngày đầu bước chân ra Đà Nẵng, tôi từ hết bỡ ngỡ này đến bất ngờ khác bởi hàng vạn biến đổi xung quanh mình và nó càng khiến tôi nhớ nhà da diết. Thế là, hàng tuần tôi về quê, về với biển cả, với làn da rám nắng của những người thương yêu hết mực. Những người đã dành trọn tình yêu của mình cho tôi và tôi biết rằng, khi tôi chông chênh, vấp ngã hay tuyệt vọng, họ luôn sẵn sàng lắng nghe những tâm sự của tôi, giang tay đón nhận tôi trở về cái tổ ấm thân thương, cái “tế bào” mà thượng đế đã sắp đặt ấy.

Tôi thấy mình thật may mắn, hạnh phúc bởi được sống trong tình yêu thương, che chở, bao bọc của mẹ cha. Điều này tôi thực sự biết ơn, tôi sẽ sống hết mình, cố gắng hết mình để chứng tỏ tình yêu mà tôi luôn ao ước được mang lại cho cha mẹ mình một cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở một tương lai không xa.

Trong những chuyến về quê, đi một mình tôi thấy lo lắng vì mọi người đối với tôi tất cả đều xa lạ và với họ tôi cũng vậy, chẳng khá hơn, họa may gặp được người cùng huyện và dù chỉ là những câu xã giao bình thường nhưng làm tôi thấy thú vị và thích thú biết bao. Tôi nhìn họ với ánh mắt dè dặt rồi nở nụ cười và tôi thấy tâm trạng mình tốt hơn, giống như một nhà hiền triết nào đó đã từng tâm niệm: “Rồi nụ cười sẽ hong khô tất cả”. Những cuộc nói chuyện chóng vánh nhưng để lại trong tôi nhiều xúc cảm lạ lẫm.

Một người phụ nữ trung niên, xách chiếc túi màu đỏ, dạng hộp, làm bằng giấy, màu xanh lục thường sử dụng trong những cửa hàng bán đồ chính hãng nhưng bên trong là những bộ quần áo cũ được gấp gọn gàng. Tôi thấy lạ bèn cất tiếng hỏi:

- Cô ơi! Sao cô đem đồ về quê nhiều thế? Cô đi làm ở Đà Nẵng sao?

Người phụ nữ quay mặt sang nói với giọng trầm ấm, khô khốc không lẫn vào đâu được của người miền Trung đặc sệt từng câu chữ.

- Ừ, cô đi làm ngoài này, được nghỉ một tuần nên cô về quê thăm gia đình.

Người phụ nữ tỏ vẻ ái ngại nhìn túi đồ nói:

- Đây là quần áo cô mua về cho con nhà cô đấy! Lâu lâu về mua chút gì mới mẻ cho tụi nó chứ con nít hay thích quần áo mới mà, bánh kẹo mãi không được đâu. Vừa nói cô vừa mở đồ cho tôi xem.

Và câu chuyện của tôi với cô bắt đầu từ lúc xe khởi hành đến lúc tôi xuống. Cô kể, gia đình cô rất khó khăn, chồng chết vì bị giật điện, con trai đầu của cô đi bụi đời cùng bạn bè, nay chẳng có thông tin gì, cô còn ba đứa con nhỏ đang đi học. Cuộc sống quê nhà khó khăn nên cô phải ra Đà Nẵng kiếm việc để có tiền gửi về cho bọn trẻ. Gần ba tiếng đồng hồ chuyện trò, cũng đến lúc tôi phải xuống xe. Trước khi từ biệt, tôi không quên động viên cô mau chóng vượt qua khó khăn. Tôi tiếp tục bắt xe buýt về nhà, trên xe tôi suy nghĩ về nhiều điều trong cuộc sống và nhớ về người đàn bà trên chuyến “xe chợ” ấy. Điều đọng lại trong tôi là gương mặt người phụ nữ đen sạm, hốc hác, quầng thâm mắt có thể nhìn thấy rõ, hàm răng trắng là nơi tươi tắn nhất trên khuôn mặt.

Với cảnh ngộ của người phụ nữ ấy tôi thấy mình còn hạnh phúc hơn những đứa trẻ kia - những đứa con của cô. Tôi thấy mình cần phải nắm giữ chặt hơn mái ấm của gia đình mình và cầu mong sự bình an luôn đến với cha mẹ tôi - những người tôi yêu thương nhất. Qua câu chuyện xúc động của người phụ nữ kia, tôi càng thấy mình thương hơn những người phụ nữ phải bươn chải cuộc sống để những đứa con không bị thiếu cái ăn, không phải bỏ dở việc học giữa chừng.

Tuy tôi thương, xót xa trước cảnh đời của người phụ nữ ấy nhưng hiện tại tôi chỉ là sinh viên, tôi không đủ sức cưu mang họ và việc tôi có thể làm được trong lúc này là động viên họ. Tôi biết rằng sức mạnh con người không chỉ nằm ở hành động mà còn ở những lời nói xuất phát từ trái tim.

Lâm Vi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyến xe đặc biệt