Bất cứ một lĩnh vực nào (kể cả giáo dục) nếu thiếu sự đối thoại, phản biện thì sẽ trở nên già nua, độc đoán, hạn chế sự phát triển. Do vậy, muốn xây dựng một nền giáo dục tiến bộ thì trước hết phải xây dựng một môi trường học thuật thật sự dân chủ, cởi mở để thầy và trò tự do thảo luận, tranh luận...

Đối thoại thầy - trò: Cần đi vào thực chất

24/11/2016, 11:06

Bất cứ một lĩnh vực nào (kể cả giáo dục) nếu thiếu sự đối thoại, phản biện thì sẽ trở nên già nua, độc đoán, hạn chế sự phát triển. Do vậy, muốn xây dựng một nền giáo dục tiến bộ thì trước hết phải xây dựng một môi trường học thuật thật sự dân chủ, cởi mở để thầy và trò tự do thảo luận, tranh luận...

Quan hệ thầy trò cũng cần có nhiều đổi mới để giáo dục phát triển - Ảnh: Internet

Trong nhiều năm qua (theo ý tôi và nhiều người quan tâm đến giáo dục), mặc dù có ý thức và đã nỗ lực thực hiện nhưng xã hội ta về cơ bản vẫn chưa xây dựng được một môi trường giáo dục thật sự dân chủ, khai phóng, tự do để có thể phát huy mạnh mẽ sự năng động và sức sáng tạo của cả thầy và trò khi tham gia vào hoạt động giáo dục.

Ở nước ta, quan hệ giao tiếp giữa thầy và trò trong giờ học nhìn chung vẫn là quan hệ một chiều theo kiểu thầy độc quyền truyền đạt kiến thức, trò chăm chú lắng nghe, ghi chép và đến giờ kiểm tra thì trình bày lại gần như nguyên vẹn những gì thầy đã giảng. Giữa thầy và trò có rất ít, nếu không muốn nói là cực kỳ hiếm, những phút giây trao đổi, phản biện, tranh luận một cách cởi mở, thẳng thắn để qua đó nâng mục tiêu bài học lên một tầm cao mới.

Vì lẽ đó mà phần nhiều học sinh chúng ta đào tạo ra dường như chỉ giỏi ghi nhớ một cách máy móc những điều được thầy cô giáo trang bị, còn sự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập thì lại rất kém. Những hình thức dạy học tích cực như thuyết trình, thảo luận nhóm… tuy có được thực hiện nhưng chưa đi vào thực chất, một số trường hợp khá sống sượng và giả tạo vì nó được đem ra “diễn” trong những giờ thao giảng hoặc để đối phó với thanh tra.

Sự mờ nhạt trong đối thoại thầy - trò xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Từ phía học trò, dấu ấn tư tưởng giáo dục Khổng giáo ăn sâu trong tâm trí khiến các em quen xem thầy như một đấng, bậc thiêng liêng; lời thầy nói ra là khuôn vàng thước ngọc chỉ được phép gật gù nghe mà không được phép hoài nghi hay phản biện. Thành ra có những trò giỏi biết thầy mình nói sai nhưng vì kính thầy, sợ thầy mà không dám trao đổi. Từ phía thầy giáo, sĩ diện của một người thầy theo quan niệm thầy là “cây cao bóng cả” khiến thầy khó chấp nhận và cảm thấy khó chịu khi học trò chỉ ra cái sai của mình. Như một đặc trưng thuộc về văn hóa, mặc dù được dạy từ nhỏ rằng “con hơn cha là nhà có phúc” nhưng người Việt lại khó chấp nhận chuyện “trứng khôn hơn vịt”. Nhiều người cho rằng thầy là thầy, trò là trò, phải có tôn ti, trật tự rõ ràng, đề ra đối thoại thầy – trò tạo nên sự dân chủ trong giáo dục là để học trò leo lên đầu mình còn gì. Quan niệm như thế thật sai lầm và sẽ dẫn đến kìm hãm sự phát triển của giáo dục bởi vì tình thầy trò là chuyện đạo lý; còn đối thoại, tranh biện ở đây lại là chuyện học thuật. Về đạo lý thì trò phải thương thầy, kính thầy; còn trong khoa học thì đúng là đúng, sai là sai, thầy sai thì trò có quyền trao đổi, phản biện chứ làm gì có chuyện làm thầy sai mà thành đúng được.

Thực tế chỉ ra rằng, ở Việt Nam, phần đông thầy và trò chưa được trang bị những triết lý giáo dục tiên tiến và dân chủ cũng như chưa hình thành được thói quen đối thoại, thảo luận, tranh luận trong dạy học. Họ đã “quen mất nết đi rồi” việc thầy say sưa “độc diễn” còn trò thì tiếp nhận một cách thụ động, máy móc từ đó dẫn đến ngại trao đổi, lười suy nghĩ, lười tư duy độc lập. Thành ra hàng trăm bài văn na ná một khuôn mẫu như nhau, hàng trăm bài toán sử dụng một cách giải như nhau. Đó đơn thuần là sự trả bài chứ tuyệt nhiên không phải là sản phẩm do học sinh sáng tạo thông qua quá trình tư duy tích cực.

Cần thấy rằng, bất cứ một lĩnh vực nào (không loại trừ giáo dục) nếu thiếu sự đối thoại, phản biện thì sẽ trở nên già nua, độc đoán, hạn chế sự phát triển. Do vậy, muốn xây dựng một nền giáo dục tiến bộ thì trước hết phải xây dựng một môi trường học thuật thật sự dân chủ, cởi mở để thầy và trò tự do thảo luận, tranh luận; tha hồ sáng tạo qua đó nâng cao chất lượng dạy học. Điều này có lẽ phải bắt đầu từ sự thay đổi trong tư tưởng, quan niệm của những người trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục.

Hồ Tấn Nguyên Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đối thoại thầy - trò: Cần đi vào thực chất