Nam thanh niên đến nhà người phụ nữ gửi 1 triệu đồng để xin lại ĐTDĐ thì bị đòi thêm 500.000 đồng.
Nam thanh niên vô tình làm rơi ĐTDĐ trên taxi ở Hà Nội. Camera taxi ghi lại hình ảnh khách đi sau là một người phụ nữ nhặt được ĐTDĐ của anh.
Khi đi theo định vị và đến nhà người phụ nữ xin lại ĐTDĐ, nam thanh niên nhận cú sốc. Cụ thể là anh gửi 1 triệu đồng để xin lại ĐTDĐ nhưng người phụ nữ không chịu và đòi thêm 500.000 đồng, tức 1,5 triệu đồng.
Chị ta viện lý do từng nhiều lần mất đồ và có lần mất hết sạch. Nam thanh niên nói rằng người phụ nữ đòi thêm tiền như vậy chẳng khác gì "trả thù đời".
Sau đó, nam thanh niên xuống nước và nói rằng bình thường người khác chỉ nói lời cám ơn rồi gửi chị ta phong bì 500.000 đồng. Dù vậy, người phụ nữ vẫn thách anh quay video khi tuyên bố: “Em có quay cũng chả làm được gì đâu vì chị nhặt được. Em càng quay càng phải lấy tròn 2 triệu, bởi đây là chị nhặt được chứ không hề lấy. Kể cả công an đến, chị chả ăn trộm ăn cắp”. Song, chị đã sai lầm khi nói vậy.
Nam thanh niên có lý khi khẳng định: “Nếu công an đến thì chị phải trả em luôn”.
Nhặt được của rơi không trả, có thể đi tù
Theo Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Trong đó, người nhặt tài sản buộc phải biết tài sản đó không phải của mình mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm và bán cho người khác là đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
Người chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng; hoặc dưới 10 triệu đồng những tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
“Nhặt được của rơi, trả người đánh mất" là hành động nhân văn mà chúng ta được nghe kể từ lúc nhỏ qua câu chuyện cổ tích, hay học trong môn giáo dục công dân ở trường. Thời gian qua, nhiều học sinh nhặt được vài triệu đến vài chục triệu đều đem trả lại cho người mất. Do đó, hành vi của người phụ nữ trong clip bị dân mạng lên án.
"Đòi thêm 500.000 hay 1 triệu đồng, gia đình chị liệu ăn đủ cả đời hay sao? Chị quá tham lam. Công an mà đến thì chị phải lại ĐTDĐ mà không có đồng nào", một người bình luận.