Chuyên quyền, hách dịch, sách nhiễu, sa đoạ, chỉ lo “vinh thân phì gia”… Đó là hình ảnh một bộ phận các cán bộ tha hoá, biến chất khiến cho dư luận xã hội phải hình dung đến hiện tượng “lại giống” trở về với thời quan lại, phong kiến của bộ phận này…

Có chăng hiện tượng 'lại giống' quan quyền?

18/11/2016, 10:40

Chuyên quyền, hách dịch, sách nhiễu, sa đoạ, chỉ lo “vinh thân phì gia”… Đó là hình ảnh một bộ phận các cán bộ tha hoá, biến chất khiến cho dư luận xã hội phải hình dung đến hiện tượng “lại giống” trở về với thời quan lại, phong kiến của bộ phận này…

Ảnh minh họa

Xuất hiện tương đối thường xuyên trên các phương tiện truyền thông vài năm gần đây là từ “quan” để chỉ các cán bộ có biểu hiện tha hoá đó. Thậm chí trong một bức biếm hoạ gần đây trên một tờ báo, người ta thấy có một ông quan mặc áo vest nhưng đội mũ cánh chuồn hẳn hoi, đang “ngậm miệng ăn tiền”.

Cứ như là chuyện làm quan thời phong kiến chỉ toàn là làm điều xấu. Ấn tượng này đã trở nên đậm nét hơn từ cái thời mà xã hội nêu rõ quyết tâm là “quét sạch tàn dư phong kiến” cho đến nay. Nhưng thực chất thì một chế độ tồn tại cả ngàn năm ấy có phải là được xây dựng trên toàn những chuyện xấu xa, mục nát, không có lấy một điểm tốt đẹp so với thời nay?

Hãy đơn cử chuyện “thế tập”, “cha truyền con nối”, “cả họ làm quan” hay “tìm người nhà” trong bổ nhiệm chức vụ đang có xu hướng phổ biến trong xã hội ta hiện nay, một hiện tượng thường được cho là sản phẩm đặc trưng của thời phong kiến, làm ví dụ. Thực tế thì ngay từ thời Lý, cụ thể là năm 1075, triều đình đã cho mở các khoa thi Tam trường để chọn người hiền tài ra làm quan.

Đó là những kỳ “thi tuyển công chức” rất gắt gao mà nhà triết sử Will Durant ca ngợi là “sự phối hợp tuyệt vời giữa chế độ dân chủ và quý tộc, lý tưởng của sự hình thành nhà nước”. Đương nhiên là chuyện thế tập vẫn phổ biến, nhưng những người nông dân có ý chí thời trước vẫn có cơ hội, vẫn có thể trau giồi sách thánh hiền để thi cử đỗ đạt và ra làm quan chăn dân trị nước.

Cả chuyện “cả họ làm quan” trong cùng một địa phương cũng không thể xuất hiện, ít nhất là sau thời Hồng Đức bởi luật hồi tỵ. Từ cách đây hơn 500 năm, vua Lê Thánh Tông đã nhận ra: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến hoạ loạn”.

Ông vua minh triết này đã đặt ra một luật lệ nghiêm khắc quy định rằng không được bổ nhiệm một ông quan huyện, tỉnh ở nơi ông ta xuất thân hay có họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo; trong thời gian tại nhiệm ông quan đó không được lấy vợ hoặc thiếp là người của địa hạt đó; một viên quan không được tại vị quá lâu tại địa phương hay cùng một viện, bộ chức năng.

Chúng ta có thể nói gì về hiện tượng “cha truyền con nối”, “cả họ làm quan” trong nhiều bộ, ngành, địa phương hiện nay? Nói gì về hiện tượng một cơ quan có 46 nhân sự đã có đến 44 “ông quan”? Nói gì về các hiện tượng hống hách, sa đoạ, suy thoái đạo đức của các ông quan thời hiện đại so với thời phong kiến?

Không hiếm những “ông quan” hống hách như ông quan thanh tra (giao thông) đánh nữ nhân viên hàng không hay ông quan ngoại vụ đánh toé máu cụ tiến sĩ già. Mới đây, tỉnh Cà Mau đã quyết định kỷ luật… khiển trách một ông quan văn hoá về cái tội “khám điền thổ” một nữ tạp vụ giữa ban ngày ban mặt, hệt như trong vở tuồng cổ “Nghêu sò ốc hến”…

Một ông quan tỉnh chỉ vì ham mê “ngựa xe võng lọng”, đi chiếc xe Lexus biển số xanh, đã để lòi ra cái quá khứ “ăn hại” làm lỗ lã mấy ngàn tỉ đồng của dân đến nỗi phải trốn chui trốn nhủi ở nước ngoài. Một ông quan “ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao” cũng nhanh chân theo dấu ông quan trước “biệt mù tăm cá” ngay trước cả khi bị quy trách nhiệm.

Có thể thấy, những biểu hiện tiêu cực của các trường hợp nêu trên có một mẫu số chung: đó là quyền lực được giao nhưng không bị kiểm soát. Như vụ làm thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng của Trịnh Xuân Thanh chỉ được quan tâm truy xét từ việc tình cờ phát hiện ra việc ông ta đi xe tư nhân biển số xanh.

Quyền lực, nếu không bị kiểm soát, rất dễ đưa dẫn người ta đến con đường tha hoá như Lord Arton đã chỉ rõ, thậm chí còn dẫn đến cái ác như Jacob Buckhardt đã nói.

Phải chăng, hiện tượng tha hoá, “lại giống” quan quyền, phong kiến ở những mặt tiêu cực đã hình thành trong một bộ phận cán bộ nước ta? Và cơ chế nào, luật lệ nào, “quy trình” nào cần phải được đặt ra để ngăn chặn và loại bỏ phần nào đám sâu dân mọt nước ấy?

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
7,2 tỉ USD có thể chảy vào Việt Nam ngay khi thị trường chứng khoán được nâng hạng
4 giờ trước Tài chính và đầu tư
Ước tính, khoảng 7,2 tỉ USD vốn gián tiếp nước ngoài sẽ chảy vào thị trường Việt Nam ngay sau khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Việc này cũng mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có chăng hiện tượng 'lại giống' quan quyền?