SCB có 4.132 cổ đông, trong đó cổ đông nước ngoài là 7 cổ đông, sở hữu 27,91% vốn điều lệ; cổ đông trong nước là 4.125 cổ đông, trong đó có 11 cổ đông, tổ chức sở hữu 15,7% vốn điều lệ và 4.114 cổ đông cá nhân, sở hữu 56,11% vốn điều lệ.
Ông Hoàng Minh Hoàn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chia sẻ với báo chí vào chiều 8.10 xung quanh thông tin ngân hàng này có cổ đông từ Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông.
Sau khi có thông tin chính thức, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức đơn vị có liên quan; đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giám, khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhiều người dân và doanh nghiệp đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) rút tiền, khiến giao dịch tăng đột biến tại các ngân hàng SCB trên địa bàn TP.HCM.
SCB có 4.125 cổ đông trong nước và 7 cổ đông nước ngoài
Về điều này, ông Hoàng Minh Hoàn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khẳng định Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông không phải là cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý điều hành tại SCB. Do đó, việc Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và bà Trương Mỹ Lan không ảnh hưởng gì đến hoạt động của SCB.
“SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền lợi, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật. SCB đặt quyền lợi của khách hàng cao nhất. Các yêu cầu thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý tận tâm, trọn vẹn”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Ông Hoàn thông tin thêm, tính đến ngày 30.9.2022, SCB có 4.132 cổ đông, trong đó cổ đông nước ngoài là 7 cổ đông, sở hữu 27,91% vốn điều lệ; cổ đông trong nước là 4.125 cổ đông, trong đó có 11 cổ đông, tổ chức sở hữu 15,7% vốn điều lệ và 4.114 cổ đông cá nhân, sở hữu 56,11% vốn điều lệ.
SCB đã tăng cường lượng tồn quỹ tiền mặt tại tất cả các điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu thanh toán và rút tiền chính đáng của người dân; tăng tiền gửi tại ngân hàng nhà nước để đảm bảo thanh toán liên ngân hàng.
Do lượng khách hàng đến rất đông và có khách rút số tiền lớn không báo trước nên SCB phải tăng cường nhân sự để phân luồng khách hàng, có nơi số lượng quá đông có nhờ cơ quan địa phương, chính quyền địa phương hỗ trợ để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Công an hay dân phòng thì chỉ để giữ an ninh trật tự. Mọi diễn biến của SCB thì Ngân hàng nhà nước đều nắm rõ và phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo hoạt động thường xuyên liên tục.
“Chúng tôi xin khẳng định đã kiểm soát tình hình, thanh khoản ngân hàng được giữ ổn định; ngân hàng đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền đúng theo quy định pháp luật”, ông Hoàn nói.
Sẽ có biện pháp để SCB hoạt động ổn định, liên tục
Liên quan đến hoạt động của Ngân hàng SCB, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết, về hoạt động của SCB, hiện nay Ngân hàng đang hoạt động bình thường, ổn định và trên website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ có những biện pháp nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục cho SCB.
Về ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, ông Tuấn cho biết Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đã nêu an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn hoạt động chung của các tổ chức tín dụng cũng như của SCB.
Ngoài ra, ông Tuấn khẳng định, tất cả quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân sẽ được đảm bảo.
Hoạt động gửi tiền của người dân bình thường và tiền gửi là tài sản của người dân được đảm bảo đầy đủ. “Chúng tôi đề nghị người dân không nên hoang mang, dẫn đến phải rút trước hạn tiền gửi, làm ảnh hưởng tới tài sản của mình”, ông Tuấn khẳng định.
Về việc các ngân hàng đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn để cạnh tranh, ông Tuấn cho biết, đã có chỉ đạo việc cạnh tranh phải sòng phẳng, theo cơ chế thị trường chứ không được cạnh tranh thiếu bình đẳng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhắc nhở, cảnh báo những đơn vị cạnh tranh không bình đẳng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo trái phiếu của nhà đầu tư tại SCB, ông Võ Minh Tuấn, cho biết, trái phiếu là do một công ty có yêu cầu vay, là họ thực hiện theo quy định của Ủy ban Chứng khoán. Ủy ban chứng khoán thuộc Bộ Tài Chính, khi phát hành ra người nhận tiền gửi là những công ty đấy và những công ty đấy có nghĩa vụ trả lại tiền vào ngày đáo hạn trái phiếu cho các trái chủ là nhà đầu tư.
Còn trái chủ là nhà đầu tư thì căn cứ những quy định của tổ chức phát hành trái phiếu, quyền và trách nhiệm có quy định công ty phát hành trái phiếu quy định.
Đối với người mua trái phiếu thì bên có trách nhiệm trả khoản tiền đầu tư này là công ty phát hành trái phiếu.