Qua nghiên cứu hồ sơ, luật sư nhận thấy những cá nhân tại Công ty Arktic chỉ là ghi danh, không có thật, không hưởng phần sở hữu vốn…

Có hay không việc phân chia lợi nhuận tại Công ty Arktic?

Nhã Thanh | 21/06/2022, 17:05

Qua nghiên cứu hồ sơ, luật sư nhận thấy những cá nhân tại Công ty Arktic chỉ là ghi danh, không có thật, không hưởng phần sở hữu vốn…

Chiều 21.6, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục tiến hành xét xử vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C theo trình tự phúc thẩm. Sau khi VKS nêu quan điểm luận tội, bị cáo Nguyễn Đức Chung tự bào chữa.

Trong gần 1 giờ đồng hồ tự bào chữa, cựu Chủ tịch Hà Nội liên tục khẳng định không có việc bàn bạc với Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Arktic), không cử Giang đi cùng đoàn tham quan với tư cách là cán bộ ủy ban; Công ty Arktic không phải là công ty gia đình…

Cụ thể, theo lời tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Đức Chung, khi Nguyễn Trường Giang tham khảo ý kiến, bị cáo có giải thích nhưng hoàn toàn trong khuôn khổ pháp luật, không hề làm lộ bí mật công tác. Ngoài ra, bị cáo Chung cho biết nếu biết được bản nội dung liên quan đến cam kết thỏa thuận của Giang và Công ty Watch Water thì chắc chắn sẽ khuyên Giang không nên làm...

phuc-tham-ndc-3-.jpg
Bị cáo Nguyễn Đức Chung tự bào chữa - Ảnh: N.A

Liên quan đến chế phẩm Redoxy-3C, theo bị cáo Chung, đây là trường hợp mua vật tư hàng hóa của Công ty Thoát nước Hà Nội nên phải mua theo hình thức đặt hàng, không thể mua trực tiếp của Công ty Watch Water. Để kinh doanh Redoxy-3C thì UBND TP cũng không thể cho Công ty Thoát nước mở rộng kinh doanh, không được kinh doanh ngoài ngành. Vì vậy, cựu Chủ tịch đề nghị HĐXX xem xét khách quan, toàn diện nội dung này.

Về những nội dung xoay quanh cáo buộc Công ty Arktic là “công ty gia đình”, bị cáo Chung một lần nữa khẳng định “Chúng tôi (tôi, vợ, con trai) không hề có 1 đồng góp vốn vào vốn điều lệ của công ty này". Theo Luật Doanh nghiệp, không có khái niệm "công ty gia đình”. Như vậy, ở nội dung này, bị cáo Chung tiếp tục đề nghị HĐXX làm rõ xem có hay không việc bàn bạc, ăn chia tại Công ty Arktic.

Theo luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy những cá nhân tại Công ty Arktic chỉ là ghi danh, không có thật, không hưởng phần sở hữu vốn. Suốt từ tháng 7.2016 đến nay, toàn bộ Công ty Arktic chưa bao giờ phân chia lợi nhuận. Từ đó không thể nói Công ty Arktic là công ty gia đình. Vậy lợi ích ở đây là gì?

Tuy nhiên, theo nội dung vụ án, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ của bị cáo Chung) thành lập Công ty Arktic, đã góp đủ 5 tỉ đồng vốn điều lệ nhưng để người khác đứng tên. Tháng 6, 7.2016, bà Hoa làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp để thay đổi thành viên góp vốn, từ 2 người đứng tên ban đầu sang cho Nguyễn Trường Giang. Trong đó, Giang đứng tên sở hữu 60% vốn góp.

Kết quả điều tra xác định không có việc mua bán, không có việc thanh toán tiền giữa các bên chuyển nhượng phần vốn góp. Ngay sau khi Arktic thực hiện thủ tục nhập mẫu chế phẩm Redoxy-3C thì Nguyễn Đức Chung đã đề nghị ông Lê Hoàng Thanh (bạn của Chung) lấy tên vợ của ông Thanh là bà Nguyễn Thị Bích Hằng, để làm thủ tục nhận chuyển nhượng 40% vốn điều lệ của Công ty Arktic, và bà Hằng đứng tên thành viên góp vốn thay cho con trai của ông Chung. Như vậy, xác định gia đình Nguyễn Đức Chung sở hữu 40% vốn điều lệ Công ty Arktic.

hdxx.jpg
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 ngày - Ảnh: N.A

Tiếp tục tranh luận về vấn đề thiệt hại trong vụ án, vị luật sư cho rằng bản án sơ thẩm đã bỏ đi phần chi phí có thật, hợp pháp (chi phí bảo hiểm; chi phí quản lý doanh nghiệp; khoản phí để quảng cáo 5%; khoản lợi nhuận hợp pháp). Như vậy, án sơ thẩm đã bỏ lọt các chi phí có thật.

Ngoài ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Chung cũng đề nghị VKS, HĐXX cân nhắc, xem xét về giám định thiệt hại, giám định hành vi để cân nhắc, đánh giá toàn diện hành vi của bị cáo Chung, cũng như xác định thiệt hại trong vụ án.

Theo nội dung vụ án, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic (công ty trung gian do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc) là công ty gia đình, với động cơ vụ lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 36 tỉ đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung kháng cáo kêu oan; bị cáo Nguyễn Trường Giang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, căn cứu vào toàn bộ nội dung vụ án, lời khai của các bị cáo, những người liên quan cùng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo của các bị cáo.

Bài liên quan
VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Chung
VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Chung.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có hay không việc phân chia lợi nhuận tại Công ty Arktic?