Thông tin về việc Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản.
Cơ hội cho thủy sản Việt Nam
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 16.5 đã có những chia sẻ về cơ hội của ngành thủy sản Việt Nam nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Theo VASEP, Mỹ luôn nằm trong Top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, có rất nhiều dư địa, nhưng cũng không ít rào cản khiến doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhiều phen lao đao. Trong đó, có những vấn đề kéo dài nhiều năm như thuế chống bán phá giá (thuế CBPG) tôm, cá tra và có vấn đề nóng sốt của năm 2024 như thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ...
Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 tỉ USD đến 2,1 tỉ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18 - 23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra...
Việt Nam đồng thời cũng là một đối tác nhập khẩu cho các nhà kinh doanh thủy sản Mỹ với trị giá nhập khẩu từ 65 - 70 triệu USD/năm. Những sản phẩm nhập khẩu nổi trội là cá hồi, cá trích, cá minh thái, cá bơn...
Trong tiến trình Chính phủ Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính Mỹ (DOC) xem xét và công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, VASEP đã phối hợp tích cực trong việc chuẩn bị có các thông tin và lập luận gửi DOC nhằm tác động DOC công nhận cho Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Dự kiến vào tháng 7.2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp (CVD) trong thời gian tới.
Trước đó, vào tháng 10.2023, Hiệp hội Các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA) đã nộp đơn yêu cầu DOC điều tra trợ cấp đối với tôm nước ấm từ 4 nước: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam. Vào tháng 11.2023, DOC đã công bố chính thức điều tra chống trợ cấp đối với tôm của các nước.
Ngày 25.3.2024, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh xuất xứ từ Việt Nam. Trên cơ sở xem xét thông tin từ các bên liên quan bao gồm Chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và nguyên đơn Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ đã xác định mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với doanh nghiệp của Việt Nam. Vụ điều tra chống trợ cấp sẽ được tiến hành song song tại DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC), trong đó DOC sẽ quyết định biên độ trợ cấp cho các quốc gia, ITC sẽ quyết định điều ấy có gây hại hay không đến ngành công nghiệp nội địa. Nếu một trong 2 giai đoạn điều tra kết luận là phủ định thì vụ điều tra sẽ kết thúc.
Ngoài những vấn đề như thuế CBPG, thuế chống trợ cấp, các rào cản và quy định khác cũng có thể sẽ được nhìn nhận, rà soát với một phương diện nới lỏng hơn, thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thu hút hơn các nhà đầu tư từ Mỹ tới với ngành thủy sản Việt Nam, mở rộng cơ hội giao thương thủy sản giữa hai nước.
Phía Bộ Công Thương cho rằng: Đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường thường phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá. Khi các rào cản thuế quan được tháo gỡ hoặc nới lỏng thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, đồng thời giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam.
Hiện đã có tổng cộng 72 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Quý đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản đạt gần 1,95 tỉ USD, tăng 6,4% so với 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, riêng xuất khẩu trong tháng 3.2024 đã tăng 61,5% so với tháng 2.2024, nhưng giảm 3,2% so với tháng 3.2023, đạt gần 357,7 triệu USD.
Dấu hiệu phục hồi đang thấy rõ ở một số thị trường lớn nhập nhiều thủy sản của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, riêng 2 thị trường này đã chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 16,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 324 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2023.
Nhiều ngành hàng sẽ hưởng lợi
Theo đánh giá của SSI Research, lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam.
Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được Mỹ công bố vào ngày 26.7. Vì vậy, đây sẽ là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ và nỗ lực từ phía chính phủ khi cần vượt qua các quy định pháp lý chặt chẽ từ Mỹ.
Mỹ trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, tôm và gỗ là hai ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn nhất từ quyết định của phía Mỹ.
Trong năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu là 97 tỉ USD, đóng góp 27% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong. đó, xuất khẩu dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản sang Mỹ đóng góp lần lượt 43%, 35%, 54%, 17% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của từng ngành trong năm 2023.
Ngày 8.5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần thông qua hình thức trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tham gia phiên điều trần có đại diện Chính phủ Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) và một số bên liên quan đến vụ việc. Các bên liên quan rất hoan nghênh khi DOC đã tổ chức phiên điều trần, bởi đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Trên thực tế, vấn đề kinh tế thị trường là một trong những nội dung quan trọng mà hai quốc gia quan tâm và đã được đưa vào tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đang ngày càng gia tăng (tổng kim ngạch năm 2023 đạt 97 tỉ USD, 4 tháng đầu năm ước đạt 34,12 tỉ USD).