Các chính sách liên quan đến vấn đề tín chỉ carbon đang tạo ra sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Việt.
Nhịp đập khoa học

Cơ hội mới từ tín chỉ carbon

Lam Thanh 19:28 27/07/2024

Các chính sách liên quan đến vấn đề tín chỉ carbon đang tạo ra sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Việt.

Thị trường tín chỉ carbon đang tăng trưởng nhanh

Theo báo cáo mới đây của FPT Digital, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể với trị giá đạt 103,8 tỉ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 14,8%, đạt 343,6 tỉ USD vào năm 2032.

Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự mở rộng của cơ chế giá carbon và nhu cầu ngày càng tăng đối với các hoạt động bền vững được hỗ trợ bởi chính sách của các chính phủ.

cabon-1.jpeg
Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang tăng trưởng đáng kể

Tại Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon còn ở giai đoạn sơ khai nhưng cho thấy nhiều hứa hẹn do các cam kết chung tay trong việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.

Chính phủ Việt Nam đang phát triển các khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ thị trường carbon trong nước, bao gồm quy định về giao dịch và quản lý tín chỉ carbon. Các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành năng lượng và sản xuất, bắt đầu tiếp cận, tìm hiểu và tham gia vào các dự án giảm phát thải nhằm bước đầu tạo và giao dịch tín chỉ carbon.

Năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng).

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chiến lược giảm phát thải khí nhà kính vẫn đang được Chính phủ và các doanh nghiệp triển khai khá khẩn trương. Các bộ chức năng đang sửa đổi lại Nghị định 06 của Chính phủ nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc chuyển đổi kinh tế xanh, tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn; soạn thảo đề án về xây dựng và quản trị sàn giao dịch carbon quốc gia…

“Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến các dự án chuyển đổi năng lượng, công nghệ mới, vật liệu mới và đặc biệt là tín chỉ hấp thụ carbon rừng”, ông Nghĩa nêu.

cabon-2.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa

Ông Nghĩa dẫn ví dụ một số dự án giảm phát thải khí nhà kính đang từng bước được triển khai với quy mô khá lớn như là dự án Bioga với 170.000 tấn CO2; dự án 1 triệu hecta lúa xanh - sạch đồng bằng sông Cửu Long; dự án chuyển đổi giao thông sạch như xe điện của Vinfast; dự án thương mại tín chỉ carbon rừng 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và sắp tới là 11 tỉnh Nam Trung Bộ… đã tạo ra những thay đổi tích cực về quyền lợi và trách nhiệm của các doanh nghiệp và người dân trong việc giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt được mục tiêu NET ZERO vào năm 2050.

Tín chỉ carbon - cơ hội trong thách thức của doanh nghiệp

Khi biến đổi khí hậu trở thành một thách thức toàn cầu, các doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với áp lực từ cộng đồng và pháp luật về việc giảm thiểu lượng khí thải carbon.

Theo FPT Digital, tín chỉ carbon cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất một công cụ mạnh mẽ để đo lường và quản lý lượng khí thải carbon mà họ tạo ra từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành; thu thập và phân tích dữ liệu về khí thải cung cấp cho doanh nghiệp góc nhìn rõ hơn về ảnh hưởng của họ đối với biến đổi khí hậu và môi trường. Qua đó, doanh nghiệp thiết kế được biện pháp giảm thiểu khí thải và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Tại một số quốc gia, việc tuân thủ các quy định về phát thải carbon là yêu cầu bắt buộc và điều này còn giúp công ty sản xuất tránh được các rủi ro pháp lý và tài chính.

Sử dụng tín chỉ carbon là một cách để doanh nghiệp chứng minh sự cam kết của mình với bảo vệ môi trường. Khi thực hiện những cam kết này, doanh nghiệp sẽ thu hút sự yêu mến từ khách hàng, cộng đồng và các bên liên quan, từ đó tăng cường uy tín, gia tăng năng lực cạnh tranh trong ngành và trên thị trường.

anh-man-hinh-2024-07-27-luc-16.40.18.png
Quy trình trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon tuân thủ (ETS) - Ảnh: FPT Digital

Quản lý hiệu quả lượng khí thải carbon có thể dẫn đến việc tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu và tài nguyên, cải thiện hiệu suất năng lượng và quy trình sản xuất, giúp họ tiết kiệm chi phí vận hành và tăng cường lợi nhuận.

FPT Digital cho rằng để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn về vấn đề bền vững, sẵn lòng đầu tư vào công nghệ sạch và chuẩn bị tâm thế cho sự chuyển dịch trong hệ thống chuỗi cung ứng xanh và bền vững của hệ sinh thái kinh doanh.

TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá các chính sách liên quan đến vấn đề này đang tạo ra sự quan tâm rất lớn của nhiều doanh nghiệp. Các chủ rừng với kỳ vọng có thu nhập thỏa đáng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và bán chứng chỉ hấp thụ carbon rừng để có thu nhập lớn hơn nhiều so với phí bảo vệ rừng hiện nay.

“Điều này còn tạo ra sinh kế bền vững trên cơ sở đó phục hồi và phát triển rừng mưa nhiệt đới của Việt Nam và trở thành nguồn thu nhập quan trọng trong tương lai đối với ngành nông nghiệp. Quan trọng hơn cả đó là việc phát triển rừng đa dạng sinh thái, sinh kế và sinh thủy, góp phần đắc lực vào việc duy trì sinh thái và sinh kế ở hạ nguồn các con sông ở Việt Nam”, ông Nghĩa nói.

Tuy vậy, giới chuyên gia cũng khuyến cáo không nên xem tín chỉ carbon là giải pháp duy nhất cho việc giảm phát thải. Thay vào đó, nên kết hợp việc mua tín chỉ với các biện pháp giảm phát thải trực tiếp trong hoạt động của doanh nghiệp; tránh mua tín chỉ carbon từ các dự án không rõ nguồn gốc, thiếu minh bạch...

Thị trường tín chỉ carbon hiện được đánh giá là thị trường biến động lớn và kém thanh khoản. Giá tín chỉ carbon có thể dao động rất lớn.

Ví dụ, giá mua tín chỉ carbon của ngành sản xuất và tái chế nhựa có thể lên đến 100 USD/tín chỉ (giá trần) do ngành này tác động lớn đến môi trường và rất khó để giảm phát thải. Trong khi đó, giá tín chỉ carbon từ cây dừa và rừng thường dao động trong khoảng 5 - 10 USD/tín chỉ. Do đó, việc hiểu biết về thị trường và dự đoán các xu hướng giá sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư thông minh.

Doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các yếu tố như tính minh bạch và sự chấp nhận của thị trường. Để tín chỉ carbon của mình được thị trường chấp nhận, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng các dự án phát thải của họ được kiểm toán và chứng nhận bởi các tổ chức uy tín...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội mới từ tín chỉ carbon