Theo các chuyên gia phòng chống AIDS, có ba điều kiện quan trọng cần có để giải quyết sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng đồng tính nam. 

Cơ hội ngăn chặn HIV của cộng đồng người đồng tính nam

Một Thế Giới | 04/07/2014, 06:00

Theo các chuyên gia phòng chống AIDS, có ba điều kiện quan trọng cần có để giải quyết sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng đồng tính nam. 

Thứ nhất, hành vi quan hệ tình dục an toàn, cụ thể là dùng bao cao su và chất bôi trơn. Thứ hai, biết được tình trạng sức khỏe của mình, cụ thể là có hay không có HIV. Thứ ba, bình thường hóa việc xét nghiệm và điều trị HIV, cụ thể coi HIV như bệnh thông thường và đưa vào hệ thống bảo hiểm y tế. Các nghiên cứu hiện tại đều cho thấy cả ba điều kiện này đều chưa có. Cụ thể, tỉ lệ dùng bao cao su chỉ trên dưới 50%, đa số không xét nghiệm và không biết tình trạng HIV của mình, nếu xét nghiệm và muốn điều trị, người đồng tính phải tham gia chương trình chăm sóc HIV miễn phí riêng rẽ, gây ra nhiều e ngại về việc bảo mật thông tin. Để giải quyết các vấn đề này, công tác phòng chống HIV cần phải có những thay đổi trong cách tiếp cận. 
Từ trước đến nay, các tổ chức thường tập trung vào đầu cung, cụ thể là phát bao cao su và chất bôi trơn cho cộng đồng người đồng tính dựa trên triết lý "họ không dùng bao cao su vì họ không có bao cao su". Chính vì vậy, các chương trình phát bao cao su và chất bôi trơn miễn phí được hình thành để đảm bảo khả năng tiếp cận khi cần. Một mạng lưới đồng đẳng viên cũng được xây dựng để tuyên truyền và phát bao cao su cho người đồng tính. Các chương trình này đã góp phần vào giảm nhạy cảm việc mua/sử dụng bao cao su, đảm bảo việc cung cấp bao cao su theo con đường thương mại (qua hệ thống nhà thuốc và tạp phẩm) và đến một số nhóm đặc thù như nam bán dâm. Tuy nhiên, điều này chưa thay đổi nhiều đến ý thức bảo vệ sức khỏe tình dục của người đồng tính. 
Co hoi ngan chan HIV cua cong dong nguoi dong tinh nam
 Ảnh minh họa
Trên thực tế, một người sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục phụ thuộc rất nhiều vào ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và của bạn tình. Nếu có ý thức, họ sẽ chủ động tìm kiếm và sử dụng bao cao su khi có nhu cầu quan hệ tình dục, thậm chí không quan hệ tình dục (qua đường hậu môn) nếu không có bao cao su. Chính vì vậy, ngoài việc tác động vào đầu cung, các chương trình phòng chống HIV cần tác động vào đầu cầu, cụ thể là văn hóa tình dục an toàn của cộng đồng người đồng tính nam. 
Cộng đồng người đồng tính được hình thành ở Việt Nam từ khi có internet trong những năm 90s. Đây là một cộng đồng mới, chịu nhiều định kiến và kỳ thị nên chưa hình thành những nét văn hóa quan trọng. Gần đây, phong trào bảo vệ quyền, xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử đã dần dần giúp cộng đồng sống tự tin hơn, công khai nhiều hơn, và chuyển từ các hoạt động “ảo online” qua các hoạt động “thực ngoài đời” nhiều hơn. Đây chính là điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy văn hóa cộng đồng, trong đó có văn hóa tình dục an toàn. 
Chính vì vậy, đã đến lúc các chương trình can thiệp cần tập trung vào việc xây dựng cộng đồng người đồng tính, giúp họ sống thật, sống công khai, và sống tự hào. Điều này rất quan trọng vì khi con người có lòng tự trọng và phẩm giá được tôn trọng, họ sẽ tăng ý thức tự bảo vệ mình, trong đó có bảo vệ sức khỏe. Một người bị kỳ thị, phải che dấu hoặc lo lắng về bản thân thì khả năng sử dụng chất kích thích, thực hành các hành vi nguy cơ và khả năng quan hệ tình dục không an toàn sẽ tăng lên. 
Ngoài ra, việc xóa bỏ kỳ thị về người có HIV trong cộng đồng người đồng tính cũng cần thiết. Nếu người có HIV bị kỳ thị, bị chối bỏ khỏi cộng đồng thì chắc chắn sẽ gây ra nỗi sợ, thậm chí che dấu và chối bỏ tình trạng sức khỏe của mình. Khi đó, người đồng tính sẽ không dám đi xét nghiệp, không phải vì sợ bị kỳ thị ở cơ quan xét nghiệm, mà sợ phải biết tình trạng sức khỏe thật của mình. Họ sợ, nếu mình có HIV đồng nghĩa cuộc sống của mình coi như bỏ đi, không còn tương lai, thậm chí không còn khả năng xây dựng cuộc sống gia đình với người mình yêu. 
Gần đây, các chương trình truyền thông về HIV đang có những thay đổi về chất, chuyển từ “hù dọa” qua “bình thường hóa” tình trạng có HIV. Những tiến bộ trong y tế đã giúp việc chăm sóc điều trị bệnh nhân có HIV tốt hơn, biến nó từ “căn bệnh chết người” qua “căn bệnh mãn tính”. Người có HIV chỉ cần điều trị ARV đúng như kê đơn của bác sĩ, biết tự chăm sóc sức khỏe của mình, thì họ có thể sống với HIV như một bệnh mãn tính, thậm chí giảm lượng vi rút xuống mức không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Điều này đã gỡ bỏ một trong những rào cản tâm lý lớn nhất của người dân nói chung và cộng đồng người đồng tính nói riêng. Chính vì vậy, các thông điệp này cần được đến rộng rãi với cộng đồng người đồng tính. 
Cuối cùng, một thay đổi quan trọng nữa đó là đưa việc xét nghiệm và điều trị HIV vào bảo hiểm y tế, coi HIV là một bệnh được khám và điều trị thông thường. Việc người có HIV phải đăng ký vào chương trình riêng biệt của nhà nước mới được điều trị ARV khiến nhiều người đồng tính e ngại tiếp nhận dịch vụ y tế. Hơn nữa, việc “bắt buộc phải điều trị miễn phí” cũng làm lãng phí nguồn lực của nhà nước, vì nhiều người có khả năng chi trả và muốn chủ động chọn nơi điều trị nhưng không được phép. Theo tính toán của Ủy ban phòng chống AIDS thành phố Hồ Chí Minh, nếu đưa vào bảo hiểm y tế, chi phí cho việc điều trị ARV vào khoảng 700,000 đồng/tháng. Đây là mức có thể chi trả cho nhiều người. Nếu cho phép các trung tâm khám tư nhân vào cuộc, đảm bảo nhiều người có HIV sẽ tự điều trị và số người xét nghiệm và chăm sóc sẽ tăng lên. Như vậy, nguồn lực sẽ được tập trung cho những nhóm đặc thù, cần được hỗ trợ nhiều hơn như nhóm mại dâm nam, người chuyển giới hoặc những nhóm nghèo trong cộng đồng. 
Như vậy, các chương trình can thiệp về phòng chống HIV nên được xây dựng theo triết lý sống tự hào, sống tự trọng và sống có trách nhiệm với bản thân và bạn tình, và cộng đồng người đồng tính cần chủ động và đi đầu trong việc kiến tạo văn hóa tình dục an toàn cho cộng đồng theo các giá trị này. Cộng đồng người đồng tính nam cũng cần tiên phong trong việc truyền thông để bình thường hóa việc xét nghiệm và điều trị HIV, vận động nhà nước đưa việc điều trị HIV vào bảo hiểm y tế và mở cửa cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân vào cuộc. Khi đó, chắc chắn việc ngăn chặn lây lan HIV trong cộng đồng người đồng tính nam sẽ khả thi. 
Theo Diễn Ngôn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chính phủ thông qua đề nghị sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17.5.2024 thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 252 Luật Đất đai như đề nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội ngăn chặn HIV của cộng đồng người đồng tính nam