Trong tuần tới, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ chính thức đánh giá về năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) đối với Việt Nam, tạo tiền đề cho các hãng hàng không trong nước mở đường bay thẳng đến Mỹ.

Có khả năng sắp 'thông' đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ

07/08/2018, 11:00

Trong tuần tới, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ chính thức đánh giá về năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) đối với Việt Nam, tạo tiền đề cho các hãng hàng không trong nước mở đường bay thẳng đến Mỹ.

Nước Mỹ là một điểm đến được rất nhiều người Việt Nam lựa chọn

Khắc phục hoàn toàn 16 khuyến cáo từ phía FAA

Trao đổi về kế hoạch đánh giá an toàn hàng không của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Phó cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Sơn cho biết, phía Mỹ đã nhận lời.

“Nếu không có gì thay đổi, ngày 13.8, FAA sẽ chính thức triển khai Chương trình Đánh giá an toàn hàng không quốc tế (International Aviation Safety Assessment - IASA). Được biết, đến thời điểm hiện tại, phía Mỹ cũng đã thực hiện 2 đợt thanh sát kỹ thuật tại Việt Nam và đưa ra các khuyến cáo”, ông Sơn nói.

Theo đó, đoàn công tác rà soát kỹ thuật của FAA và Boeing đã đánh giá hệ thống giám sát an toàn hàng không của Việt Nam có nhiều tiến bộ trên cả 8 lĩnh vực trọng yếu. Chỉ có 16 khuyến cáo được phía Mỹ đưa ra trong lần này so với con số 47 khuyến cáo cần khắc phục trong đợt rà soát kỹ thuật vào năm 2013.

“Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đã khắc phục xong các khuyến cáo trong đợt đánh giá kỹ thuật chính thức (Techical Review) của FAA theo Chương trình Đánh giá an toàn hàng không quốc tế (IASA), sẵn sàng cho đợt đánh giá chính thức tới đây”, ông Sơn nói.

FAA còn đánh giá khá cao hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu hướng dẫn thực hiện của Việt Nam đã được thiết lập đầy đủ. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ giám sát an toàn hàng không, cơ sở dữ liệu an toàn đã được cải thiện tốt. Công tác lập kế hoạch và quy trình thực hiện giám sát an toàn hàng không đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, các hạn chế về nguồn nhân lực đối với giám sát viên bay (người lái tàu bay) bị khuyến cáo năm 2013 đã được khắc phục triệt để. Công tác huấn luyện đội ngũ giám sát viên an toàn đã tiến bộ vượt bậc, giảm 10 khuyến cáo so với năm 2013.

Cơ sở quan trọng để mở đường bay thẳng đến Mỹ

Kết quả của đợt đánh giá này sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể mở đường bay thẳng đến Mỹ. Để được bay đến Mỹ, nhà chức trách hàng không của quốc gia khác phải đáp ứng được tiêu chuẩn giám sát của ICAO cũng như quy chế an toàn của FAA. Cụ thể, phải được phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1). Sau khi đạt CAT 1, Cục Hàng không VN sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại Việt Nam nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ.

Khả năng Cục Hàng không vượt qua được đợt đánh giá chính thức lần này của FAA được đánh giá là khá cao. Song, ngay cả khi đã đạt được CAT 1, việc duy trì mới là vấn đề quan trọng.

Trên thực tế, khu vực Đông Nam Á đã có một số nước có CAT1 nhưng không duy trì được và sau đó bị đưa ra khỏi CAT1 như: Thái Lan, Indonesia, Philippines. Khi bị đưa ra khỏi CAT1 thì hàng không các khu vực sẽ áp dụng mức CAT 2, thậm chí đưa vào danh sách đen và khi đó uy tín của hàng không quốc gia đó sẽ bị giảm xuống.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết sớm nhất, đến cuối năm 2019, hãng này mới có thể bay thẳng đến Mỹ. Nhưng nếu để chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, kể cả vấn đề thương mại có khi phải thêm 6 tháng, 1 năm, tức là đến cuối năm 2020 mới có thể bay được. Đáng lưu ý, theo ông Thành, Vietnam Airlines sẽ cần khoảng 5-10 năm mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này.

Trong khi đó, tỷ phú Trịnh Văn Quyết - “cha đẻ” của Hãng hàng không Bamboo Airways mới đây cũng đã công bố 20 máy bay Boeing 787 mà hãng này vừa đặt mua của Boeing sẽ phục vụ chặng dài quốc tế từ châu Âu, Mỹ. “Chúng tôi đã làm việc với phía Mỹ sau khi Tập đoàn FLC mua 20 máy bay Boeing. Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ hãng có thể mở đường bay đến nước này”, ông Quyết nói.

Trong trường hợp đường bay thẳng đến Mỹ được thiết lập, cái lợi lớn nhất với hành khách là tiết kiệm thời gian nhưng có thể giá vé sẽ tăng. Trên thực tế, với các đường bay đến bờ Tây nước Mỹ (San Francisco, Los Angeles), hãng hàng không thường trung chuyển qua các cửa ngõ: Đài Bắc (Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc). Trong khi đó, các đường bay đến New York, Boston thuộc bờ Đông nước Mỹ, hành khách có thể trung chuyển tại Nhật Bản, Hong Kong hoặc các nước châu Âu như Pháp, Đức.

Thời gian trung chuyển hành khách với 1 điểm dừng này khoảng 3-5 giờ, tổng thời gian bay khoảng 17 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25-38 giờ. Tùy vào khả năng chi trả và thời gian cho phép, hành khách có thể chọn chuyến bay có mức giá khoảng 15 - 40 triệu đồng dựa trên thời điểm, hành trình và số điểm trung chuyển.

Thanh Bình/Báo Giao Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có khả năng sắp 'thông' đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ